BỒ TÁT QUÁN TỰ TẠI
Bồ tát Quán Tự Tại hay Quán Thế Âm, hai tên khác nhau trong tiếng Hán. Đời Tây Tấn, Ngài Trúc Pháp Hộ dịch là Quan Thế Âm. Đời Đường, Ngài Huyền Trang Pháp sư dịch là Quán Tự Tại. Nhưng đều dịch ra từ một tên trong tiếng Phạn – AVALOKITEŚVARA.AVA: có nghĩa là cùng khắp
LOKITE: có nghĩa là nhìn thấy được tất cả mọi nơi
ŚVARA: có nghĩa là vị chúa tể, bậc có quyền hành xử mọi việc một cách tự do
AVALOKITE ‘SVARA: là vị Bồ Tát thực hành Trí tuệ Bát Nhã thâm sâu, quán sát đối tượng Đương Thể Tức Không và không bị một chướng ngại bởi các yếu tố giả hợp, tạo thành cái ảo tưởng của đương thể nên được gọi là Quán Tự Tại.
Theo ý nghĩa khác, vị Bồ Tát này quán sát tất cả các Pháp tự do tự tại, tất cả công đức hợp với chúng sinh, khiến cho họ xa rời bể khổ, đạt đến sự an vui hỷ lạc nên Ngài được xem là “Bậc có uy lực xem xét và bảo hộ chúng sinh”, do đó Ngài có tên là Quán Tự Tại.
Một danh từ khác của Bồ Tát này là LOKITEŚVARA. Trong đó LOKITE là thế gian và ŚVARA là Thế Tôn. LOKITEŚVARA là vị Bồ Tát quán rõ các Pháp thế gian là huyễn hoá, đồng thời điều dụng được toàn bộ Danh Pháp của thế gian một cách vô ngại, nên đạt quả Tự Tại. Lại nữa, do Ngài quán biết căn cơ của chúng sinh, nên sự giáo hóa được Tự tại. Vì vị Bồ Tát này có đầy đủ BI TRÍ, LÝ SỰ vô ngại nên có tên là Quán Tự Tại.
Ngoài ra, hồng danh Quán Tự Tại Bồ Tát dùng để chỉ các bậc Giác hữu tình đang tu hành pháp môn QUÁN CHIẾU THẬT TẠI để hoàn thành Tuệ giác siêu việt, hoặc danh hiệu này dùng để chỉ vị Bồ Tát, ở cảnh Lý Sự Vô Ngại, quán đạt tự tại.
Và Bồ Tát Quán Tự Tại có đề cập trong một số kinh như:
Trong kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà la Ni có dạy rằng: “Vị Bồ Tát này tên là Quán Tự Tại, vô lượng kiếp quá khứ, đã đắc quả vị Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, đại bi nguyện lực, vì muốn phát khởi tất cả các hạnh Bồ Tát, làm an lạc thuần thục các chúng sanh mà hiện thân Bồ Tát. Nay hết thảy chúng sanh, chư đại Bồ Tát, Phạm Vương, Đế Thích, Long Thần đều nên cung kính, chớ có khinh mạn.”
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, vị Bồ tát này mang tên là Quán Tự Tại dựa trên pháp môn tu tập của ngài. Khi quán chiếu thâm sâu vào chính mình, ngài nhận thấy năm uẩn không có tự tính và đều là giả tạm, ngộ ra được điều đó, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn.
Trong cuốn Bát-nhã tâm kinh khu tán, quyển thượng, ngài Khuy Cơ giải thích: Quán có nghĩa là chiếu, tức là trí tuệ thấy suốt lẽ có không; tự tại có nghĩa là tự do, tức là chỉ cho cái quả giải thoát đã đạt được. Xưa hành Lục độ, nay được quả viên mãn, mà sự viên mãn đó là nhờ vào trí tuệ quán chiếu, thành tựu được mười thứ tự tại. Mười tự tại đó là:
- Thọ tự tại: Có thể kéo dài tuổi thọ tùy ý.
- Tâm tự tại: Không nhiễm sanh tử.
- Tài tự tại: Tài của dư dật, muốn là liền được, điều này do tu hạnh bố thí mà được.
- Nghiệp tự tại: Chỉ làm việc thiện và khuyến khích người khác cùng làm.
- Sanh tự tại: Tùy theo chỗ mong muốn mà thọ sanh, điều này do giữ giới mà được.
- Giải thoát tự tại: Có thể tùy ý muốn mà biến hóa, do nhẫn mà được.
- Nguyện tự tại: Muốn gì được nấy, do tinh tiến mà được.
- Thần lực tự tại: Thần thông tối thắng, do định mà được.
- Trí tự tại: Biết tất cả các ngôn ngữ, lời nói.
- Pháp tự tại: Khế kinh, khế lý, khế cơ, do tuệ mà được.
Ngài Khuy Cơ còn nói thêm rằng, Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát bổ xứ, là Đẳng giác Bồ-tát, không một nơi u tối, khổ đau nào mà ánh sáng từ bi của Ngài không soi thấu, mà nói đầy đủ là Ngài có mười thứ tự tại, cho nên gọi Ngài là Bồ-tát Quán Tự Tại.