Thiền Trong Biển Dục
ĐĐ. Thích Khế Định thuyết giảng tại TVTL Sùng Phúc
I. Dẫn nhập
Hôm nay hội đủ duyên lành, được phép của Thầy Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc có mời chúng tôi giảng một ngày tu thanh tịnh hàng tháng. Trước khi đi vào đề tài chính ngày hôm nay, tôi xin hỏi Quý Phật tử: Giữa cuộc sống đời thường bận rộn này, Quý Phật tử thử nghiệm lại trong cuộc đời tu tập của mình thấy ở cõi đời này tu dễ hay khó? Tại sao khó?
Trong Kinh Bảo Tích, Đức Phật dạy: “Một ngày, một đêm tu thiền trong cõi Ta Bà này thì bằng một năm trên cõi Phật A Súc, cõi Phật A Di Đà, cõi Phật Dược Sư, cõi mười phương chư Phật”. Tại sao lại như vậy? Chỉ cần tu một ngày, một đêm trong cõi Ta Bà này thì thành tựu về Giới, thành tựu về Định, thành tựu về Tuệ.
Cuộc sống ngày hôm nay dục vọng rất nhiều, đạo đức rất thấp. Chúng ta, dù gì đi chăng nữa, vẫn có phúc duyên may mắn còn sót lại từ đời quá khứ, được ngồi yên ở đây nhìn lại tâm mình để chuyển hoá nội tâm.
Kinh Pháp cú Phật dạy:
Ai sống một trăm năm
Ác giới không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Trì giới tu thiền định.
Quý Phật tử một tháng bỏ ra chỉ có một ngày mà đến đây tu lơ là, không chịu ngồi thiền, không chịu nghe pháp, một số người tụm năm tụm bảy nói chuyện. Mình cứ tưởng mình sống dai, sống thọ cho nên đến đây không có mục đích để tu. Vừa rồi ở bên Úc có mở khoá tu, Phật tử ngồi thiền cùng với quý Thầy một ngày bốn thời, mỗi thời hai tiếng ngồi kiết già, ngồi yên nghiêm chỉnh, bất động (Trong tinh thần bất động, Thiền sư Đạo Nguyên nói có một pháp là Chỉ quán đả tọa, có nghĩa là ngồi yên, dù cho có sự cố bên ngoài (động đất, sóng thần, nghịch duyên…) vẫn bất động). Những người đó nói rằng trước đây khi chưa biết con đường thiền tập, cuộc sống của họ luôn luôn bị đau khổ, gặp nhiều bức xúc, gia đình không được hạnh phúc. Từ khi gặp Hoà thượng Trúc Lâm chỉ dạy con đường thiền tập thì họ mới có cơ hội sống lại, vươn lên và khẳng định Thiền chính là sự nghiệp của họ. Ngoài ra không còn gì khác. Còn chúng ta ở đây, gần Thiền viện quá nên nhiều khi ỷ lại, đến đây tu lơ là. Có người nói ở nhà tu cũng được nhưng không phải vậy. Trong môi trường tu tập 100, 1000 hay 2000 người, cùng ngồi tu thiền, năng lực từ trường giao thoa thì công đức rất lớn. Mà trong cuộc đời bận rộn, dục vọng điên cuồng này, chúng ta chỉ cần tu một ngày thôi thì giá trị rất là lớn.Mình nghiệm lại trong đất nước Việt Nam, hay trong thành phố Hà Nội này, có bao nhiêu người thức tỉnh tu tập để chuyển hoá.
Do đó trong Kinh Pháp cú Đức Phật dạy: “Tinh tấn giữa những người buông lung, tỉnh táo giữa những người mê ngủ. Kẻ trí như con tuấn mã, bỏ lại sau lưng những con ngựa gầy hèn”. Tức là giữa những người buông lung, giữa danh lợi, quyền uy, sự hận thù, chúng ta vẫn tinh tấn tu theo con đường thiền tập thì phước lực gấp trăm gấp ngàn lần những nơi tu trong thuận cảnh, thuận duyên. Nếu khó mà tu được thì mới có công đức lớn. Vì vậy mà đề tài buổi nói chuyện hôm nay là “Thiền trong biển dục”.
II.Thiền trong biển dục
Trong Chứng đạo ca, Thiền sư Huyền Giác nói:
Thiền trong biển dục rõ kiến lực
Sen trong lửa đỏ muôn đời rực
Dõng Thi phạm giới chứng vô sanh
Sớm vẫn viên thành trong cõi tục.
Chúng ta phải đặt dấu hỏi là tại sao những bộ kinh đại thừa lớn, chỉ về tri kiến Phật như Kinh Thập Thiện, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm đều nói ở dưới biển. Vậy biển đó tiêu biểu cho cái gì?
Thiền sư Huyền Giác nói “Thiền trong biển dục rõ kiến lực”: Trong cuộc sống đầy rẫy những tham chấp mà chúng ta tu theo con đường thiền tập thì mới rõ được sức mạnh của con người hiện thân trong cuộc đời này. “Lực” là sức mạnh, “kiến” là thấy, thấy rõ tầm quan trọng của việc tu tập thiền.
Trong Nghệ thuật sống có kể một câu chuyện, thuở xa xưa có một ông vua loan tin cho khắp thần dân biết có người họa sỹ nào vẽ cho vua một bức tranh. Nếu nhìn bức tranh đó, vua cảm thấy đó là bức tranh yên bình nhất, thì vua sẽ nhường một nửa giang sơn. Tất cả mọi người trong nước, ai cũng cố họa một bức tranh để dâng vua. Cuối cùng, vua chọn ra hai bức tranh cảm thấy yên ổn, thanh bình nhất. Ông đưa hai bức tranh đó ra trước quần thần và hỏi mọi người xem nên chọn bức nào. Bức tranh thứ nhất vẽ 1 cái hồ, không có cây cỏ, chỉ có 1 bóng trăng in xuống, ai cũng nói đây là bức tranh yên bình nhất. Nhưng nhà vua không đồng ý và chỉ bức tranh thứ hai, vẽ một con sông lớn, sóng gió cuộn nổi lên. Trên con sông này có một cồn đất, trên cồn đất này có một cây khô khẳng khiu, có một con chim mẹ đang ấp ủ một con chim con. Đây mới là bức tranh yên bình nhất. Vì sao? Vì trên cồn đất này, có một con chim mẹ, dù cho sóng gió, dù cho bão táp nhưng vẫn ôm ấp và nuôi dưỡng đứa con của mình.
Qua câu chuyện này, quý Phật tử thấy rằng giữa cuộc đời ô nhiễm, dục vọng, giữa cuộc đời đầy sóng gió, nghịch duyên mà chúng ta vẫn tu theo con đường thiền, thì mới thấy rõ được sức mạnh của chúng ta.
Cho nên mình tu ở những chỗ bận rộn, những chỗ tranh đấu, tranh giành mà chúng ta thực tập tu thiền thì công đức một ngày một đêm không thể tính được.
“Sen trong lửa đỏ muôn đời rực”
“Dõng Thi phạm giới chứng vô sanh”. Tỳ kheo Dõng Thi phạm giới, đến Tổ Tỳ Cúc Đa La, được Tổ bảo “Xoay tìm tội tánh trọn không có thể được”, nghe đến đó vẫn chứng quả vô sanh, “sớm vẫn viên thành trong cõi tục”.
Quý Phật tử đừng mong muốn giải thoát ở bất cứ nơi đâu, mà ngay trong cuộc sống giữa đời thường này, chúng ta đi đến tìm phương hướng giải thoát.
Trong Thiền thoại có ghi, một hôm có một ông Tăng đến hỏi Thiền sư Đại Nghĩa: “Cõi dục không có thiền, thiền là ở cõi sắc, vậy thì đất này y cứ vào đầu mà lập thiền?”, ý là cõi này đầy sự dục vọng, chấp trước, làm gì có thiền, tại sao lại lập thiền, y cứ vào đâu?
Thiền sư Đại Nghĩa đáp: “Pháp sư chỉ biết cõi dục không có thiền mà không biết rằng cõi thiền không có dục”.
Quý vị thấy, mình ngồi yên 45 phút đến 1 tiếng có giá trị của 45 phút hay một tiếng. Thiền sư Đạo Nguyên: “Một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật”. Trong lúc chúng ta ngồi thiền là chúng ta đang tu hạnh của Phật, trong lúc đó thân không hành động điều ác, miệng không nói lời ác, ý không nghĩ chuyện xấu ác. Ngay đó mình nghiệm thấy “cõi thiền không có dục”.
Hàng ngày nếu chúng ta tập hạnh của Phật thì khi chết chắc chắn đi về con đường của Phật. Còn nếu không giữ được hạnh của Phật mà tật đố, ích kỷ, san tham, tuy rằng mặt người mà lòng ngạ quỷ thì khi chết chắc chắn đi về con đường ngạ quỷ. Còn keo kiệt, bỏn xẻn, vô minh thì chắc chắn đi về con đường súc sanh. Còn luôn khởi niệm xấu ác, sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì khi chết xuống địa ngục.
Cho nên quý Phật tử thấy rằng, ngay nơi cuộc sống đời thường bận rộn này mà chúng ta tu tập được, giải thoát được thì năng lực lớn hơn rất nhiều so với tu tập ở những chỗ thuận duyên, những chỗ yên ổn.
Trong Huyết mạch luận, Tổ sư Đạt Ma dạy:
“Nếu thấy tự tâm là Phật thì sẵn ở chỗ cạo bỏ râu tóc, cư sĩ cũng là Phật”.
Vậy “tự tâm là Phật” là gì? Thường chúng ta hay nói rằng ở nhà tu tâm cũng được nhưng hỏi tâm là gì thì không biết. Tâm nói “ở nhà tu cũng được”, đó là tâm vô minh, tâm điên đảo, tâm chấp trước. Tâm không một niệm mà rõ ràng thường biết, đó mới là tâm Phật. Tâm Phật ở đây chẳng cần cạo bỏ râu tóc nhưng tự thân là Phật, vì chết đi về cõi Phật.
Cư sĩ nghe xong liền hỏi: “Cư sĩ có vợ con, dâm dục chẳng trừ, y cứ vào đâu mà được thành Phật?”
Tổ đáp: “Chỉ nói thấy tánh, chẳng nói dâm dục. Chỉ vì chẳng thấy tánh, nếu được thấy tánh thì dâm dục xưa nay là rỗng không, tự nhiên đoạn trừ cũng chẳng ưa đắm. Dẫu có điên đảo chẳng thể làm hại, vì sao? Vì xưa nay tánh vốn thanh tịnh, tuy ở trong sắc thân năm uẩn mà tánh ấy xưa nay thanh tịnh, nhiễm ô chẳng có thể được”.
Chỉ cần rõ thấy tánh xưa nay thanh tịnh, bất sanh bất diệt, thì tức khắc tự thân thành Phật.
Cổ đức có câu:
“Ái hà thiên xích lãng
Khổ hải vạn trùng ba
Dục thoát luân hồi lộ
Khảo cấp niệm Di Đà”.
Có nghĩa là: Sông ái ngàn thước sóng, biển khổ muôn sóng trùng, muốn thoát cảnh luân hồi, phải thể nhập ánh sáng vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức. Tức là tự tánh Di Đà.
Trong Kinh Thập thiện, Đức Phật nói tại Long cung, biển Ta kiệt la, cùng 8 vạn chúng đại Tỳ kheo, ba vạn hai ngàn vị đại Bồ Tát. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Long Vương rằng: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do đó có sự luân chuyển trong các thú”.
Tại sao Đức Phật lại nói Kinh Thập thiện ở Long cung, biển Ta kiệt la? Có nghĩa là ngay trong tâm ái nhiễm của chúng sanh thì tùy theo niệm tưởng mà chúng ta luân chuyển trong các thú. Ngay trong biển ái này, nếu chúng ta tu tập và chuyển hóa thì rất mau thành tựu.
Theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm, mười pháp giới đều từ lưu xuất từ tâm mà sanh khởi. Cũng ngay nơi tâm này mà chúng ta tu tập, chuyển hóa thì muôn đức trang nghiêm thành pháp giới của chư Phật.
– Làm muôn các hạnh lành đều quy về tự tâm thì đó là cảnh giới của Phật. Ví dụ như bố thí, cúng dường nhưng không chấp, không trụ, không dính mắc thì “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, còn nếu sanh tâm ta người, sanh tâm chủ khách thì tâm còn trụ, còn chấp trước thì phước cũng có nhưng nhỏ. Như trên bầu trời có đám mây che phủ, công đức đó không được trọn vẹn.
– Tu hạnh Lục độ tổng nhiếp muôn hạnh là pháp giới của Bồ Tát. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.
– Quán xem nhân duyên, chứng lý chân không là pháp giới của Duyên giác. Quán mọi sự vật đều do duyên khởi mà thành, tự tánh là không, do đó không chấp trước, không khởi lên lòng dục, ngay đó giải thoát.
– Dụng công tu đạo, thành tựu Tứ đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) quy về tiểu Niết Bàn là pháp giới của Thanh văn. Sở dĩ chúng ta có mặt trong cuộc đời đầy rẫy khổ đau vì trong thời quá khứ, chúng ta đã từng gieo những hạt giống tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thân kiến, biên kiến, tà kiến…. Tìm phương hướng tu tập Tứ Niệm Xứ (thân, thọ, tâm, pháp), đi thẳng vào con đường Niết Bàn.
– Tu mọi giới lành (mười điều thiện), tạo nhân hữu lậu là pháp giới chư Thiên. Thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, miệng không nói lời ác, không mắng chửi, không thêu dệt thị phi, không nói hai lưỡi. Quý vị đến đây tu một ngày thanh tịnh giải thoát phải tập ít nói lại. Trong lúc nói chuyện, khẩu trạo cử, thân trạo cử thì khi ngồi thiền, ý cũng sẽ trạo cử. Sở dĩ tu phải tỉnh thức, chánh niệm thì khi ngồi thiền mới tịnh được, mà con đường thiền này chính là sự nghiệp của chúng ta. Quý vị tu phải ráng giữ, vì từ xưa đến nay, chúng ta bị tập khí này rồi.
Người xưa nói: Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành. Tức là giữ miệng mình như cái bình, chỉ cần nghiêng một chút là nước bị đổ, nước này là nước công đức. Một tháng tu tập yên ổn, đến đây tụm năm tụm ba nói chuyện thì một tháng đó uổng.
– Ái nhiễm không ngừng, thiện duyên hỗn tạp là pháp giới của người. Có những lúc chúng ta làm thiện, có những lúc chúng ta làm ác, thân chúng ta đang mang là thân nghiệp báo, cho nên giờ kiểm thiền, tôi cũng rất thông cảm với quý Phật tử. Có những người ngồi thiền rất an ổn, có định, nhưng cũng có người ngồi mà như lửa đốt. Chỗ này đi vào lý nhân quả một chút. Đáng lẽ vào ngày này, tháng này, do gieo nhân xấu, mình gặp phải tai nạn hay gặp phải chuyện gì đó không hay, nhưng mình đến chùa ngồi thiền, thì quả vẫn phải trả làm cho mình bứt rứt, khó chịu. Nếu mình không chịu được mà đứng lên coi như mình thua, không chịu trả quả. Phải thấy rằng dù bứt rứt nhưng là mình đang trả nghiệp, nghiệp ác đang trổ ra, nhưng may mắn là trong giờ phút này, mình đang thiền tập. Đây không phải tự tin nhưng tu thiền là trả nghiệp nhanh hơn tất cả các phương pháp mà chúng ta tu học. Còn những người ngồi an ổn, có niềm vui là lúc đó nghiệp thiện đang trổ ra. Một ngày ngồi thiền như vậy bằng bao nhiêu lần làm các thiện pháp. Một tháng, quý Phật tử phải ráng đến thiền viện một ngày. Trong lúc ngồi thiền mà thiện nghiệp trổ ra thì quý vị được tưới tẩm dòng pháp Như Lai, đời đời ba đường ác đóng cửa. Các vị Thiền sư sau khi ngộ đạo, đối trước tôn tượng của Đức Phật cảm kích, dù cho đảnh lễ suốt ngày suốt đêm cũng không trả được ơn này, đời đời dù có đem thân này tán nhuyễn trải khắp tam thiên đại thiên thế giới, dùng máu làm mực, dùng xương làm huyết cũng không bao giờ trả ơn được Đức Phật. Trong cuộc đời này, nếu không có luồng sinh khí của thiền thổi vào thì cuộc đời này biến thành sa mạc, chất đầy tham, sân, si.
Tâm thường tham chấp hơn thua, thích tranh thắng bại là pháp giới A tu la.
– Ái kiến làm gốc, nghiệp xấu tham lam keo kiệt là pháp giới súc sanh.
– Tham dục không ngừng, bàng sanh ý tưởng ngu si là pháp giới ngạ quỷ.
– Ngũ nghịch, 10 nghiệp ác, phỉ báng Phật pháp, phá trai phạm giới là pháp giới của địa ngục.
Cho nên chúng ta tin chắc nơi tự tâm của mình, tu từ tâm, chuẩn bị đầy đủ tư lương thì sau khi chết, tùy theo bổn nguyện mà mình tái sanh.
Trong Kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hóa độ trong Long cung biển Ta kiệt la. Lúc bấy giờ Bồ Tát Trí Đức hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi: “Ngài qua cung rồng hóa độ chúng sanh, số lượng bao nhiêu?”. Bồ Tát Văn Thù nói: “Số đó vô lượng, không thể tính kể, chẳng phải miệng nói được, chẳng phải tâm lường được. Chờ chứng giây lát sẽ tự chứng biết”.
Quý vị ngồi thiền, một niệm mê là chúng sanh, một niệm giác là Phật. Trong biển ái dục này mà ngồi yên lại thì độ được không biết bao nhiêu chúng sanh. Nếu còn lăng xăng, không tu tập, làm sao mà chuyển hóa, làm sao mà độ chúng sanh được. Bồ Tát Văn Thù tiêu biểu cho căn bản trí, từ căn bản trí này thấy được từng niệm và chuyển hóa từng niệm.
Cho nên Lục Tổ nói: “An tâm tại vọng tình. Ngay đó lìa ba chướng”. Một niệm xấu ác dấy lên, chúng ta thấy biết, không theo nó là chúng ta chuyển hóa.
Trong Kinh Viên Giác trực giải của Đại sư Hám Sơn, một chữ biết là pháp môn tối thượng. Còn Hòa thượng Trúc Lâm là “Biết vọng không theo”. Như tâm mình tham, mình biết tâm mình đang tham. Tâm mình sân, mình biết mình đang sân. Tâm mình si, mình biết tâm mình đang si. Khi mình biết mình đang sân thì mình không đồng hóa mình với cái sân. Cái tham, cái sân không phải là của mình nên chúng ta chuyển hóa được. Ngày trước, chúng ta luôn luôn đồng hóa cái tham, cái sân là của mình, còn giờ mình thấy được từng niệm đó, ngay đó an tâm tại vọng tình, lìa được ba chướng (nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng).
Phật dạy: “Tâm tịnh thì nghiệp tiêu”. Tâm tịnh, chúng ta thấy được niệm, không bị niệm dẫn, nghiệp dần dần tiêu. Tâm càng tịnh chừng nào nghiệp càng bớt chừng đó. Hàng ngày, chúng ta luôn bị nghiệp dẫn, hoặc người ta khen thì mình vui, hoặc người ta chê thì mình buồn, mình giận. Ngay đó ai thấy mình đang vui, ai thấy đang buồn? Chúng ta thường không chịu sống với cái biết này mà chỉ sống với cái vui, cái buồn. Sống, chúng ta bị các pháp dẫn, không vượt thoát được cái nhị nguyên phân biệt nên chết cũng bị nghiệp dẫn đi liền.
Do đó, Lục Tổ dạy: “muốn cầu thấy Phật, chỉ biết chúng sanh”. Trong lúc ngồi thiền, quý vị thấy được điểm này rõ nhất. Ngồi thiền, thấy được các niệm nhưng không bị niệm dẫn. Trong khi mình ngồi bất động, niệm tự sanh, sau đó tự diệt. Giống như mặt trời lên thì sương tự tan, không cần phải lau. Tu một thời gian, niệm tự sanh tự diệt luôn. Biết rõ tâm chúng sanh không có tự tánh, ngay đó là Phật.
Sơ Tổ Trúc Lâm khẳng định: “Đầy cả quốc độ, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy”. Thấy biết hết các tâm niệm nhưng bất động, đó là điểm mà quý Phật tử phải ráng tu.
“Trong lúc Bồ Tát Văn Thù nói chưa dứt lời thì vô số Bồ Tát ngồi hoa sen báu từ dưới biển vọt lên, đến núi Linh Thứu, trụ giữa hư không”.
Ngay trong biển tham chấp, ái dục hay trong cuộc đời đầy dục vọng điên cuồng này mà chúng ta đứng vững, vươn lên, không dính mắc hai bên, đi thẳng vào con đường trung đạo. Trụ giữa hư không chính là không dính mắc hai bên.
Bồ Tát Văn Thù nói: “Ta ở biển chỉ thường tuyên nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”.
Bồ Tát Duy Ma Cật nói: “Như hoa sen không thể mọc trên cao nguyên, như trồng cây giữa trời không thể có kết quả, ngay trong chỗ bùn lầy phiền não là chỗ chúng sanh khởi lên hạt giống Phật. Không vào biển lớn không được châu báu vô giá, không vào biển lớn phiền não thì không được hạt ngọc nhất thiết trí”.
Ngài Trí Đức hỏi Bồ Tát Văn Thù: “Kinh này rất sâu xa vi diệu, là báu trong các kinh, trong đời rất ít có. Vậy có chúng sanh nào siêng năng tinh tấn tu hành kinh này, mau chứng thành Phật?”.
Bồ Tát Văn Thù nói: “Có con gái của vua rồng Ta Kiệt La mới 8 tuổi mà căn tánh rất thông minh, có trí tuệ, khéo biết các căn tánh, hành nghiệp của chúng sanh, đặng pháp tổng trì, các tạng pháp chứng rất sâu, rõ được và đi sâu vào con đường thiền định, rõ thấu các pháp trong các sát na, phát tâm Bồ đề, đặng bậc bất thối chuyển”.
Tức là trong biển ái dục, sầu vui khổ não, chấp ngã, chấp pháp, có cô con gái thuộc loài rồng (súc sanh). Nhiều người nói, con mang thân nữ, tu khó thành Phật, phát nguyện kiếp sau làm thân nam. Đây tôi kể câu chuyện.
Một hôm có một bà già đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Thưa Hòa thượng, con mang thân nữ này, bị năm dây ràng buộc, giờ con xin Hòa thượng chỉ cho con tu như thế nào để chuyển thành thân nam tu cho dễ?”.
Thiền sư Triệu Châu: “Bây giờ bà đến trước bàn Phật, nói theo tôi: Con nguyện cho thân già của con chìm sâu dưới địa ngục, còn tất cả chúng sanh đều sanh về cõi trời”.
Bà già hỏi lại: “Bạch Hòa thượng, Hòa thượng có dạy nhầm không? Con phát nguyện tu tập để thành thân nam, còn đằng này Hòa thượng dạy con phát nguyện chìm sâu dưới địa ngục, còn các chúng sanh khác đều sanh về cõi trời?”.
Thiền sư Triệu Châu nói: “Đó chính là pháp mà bà muốn đó. Muốn thành thân nam, bà phải chịu những thứ khổ trong cuộc đời và mong tất cả chúng sanh ai cũng được an vui, ai cũng được hạnh phúc”.
Tuy là thân nữ nhưng quý vị mong cho mọi người ai cũng được an vui, ai cũng được hạnh phúc thì ngay lúc đó, tâm quý vị là tâm Phật. Còn tuy mang thân nam mà thấy ai được an vui, hạnh phúc, đệ tử đông, chùa chiền nhiều mà sanh tâm tật đố, ích kỷ thì đó là mang thân nữ. Bậc đại trượng phu là siêu việt cả nam và nữ.
“Đương lúc đó, cả chúng hội đều thấy Long nữ đột nhiên biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ Tát, liền qua cõi vô cấu ở phương nam, ngồi tòa báu tức khắc thành Phật”.
Vô là không, cấu là nhiễm. Tại sao không ở phương Tây, hay phương Bắc mà lại ở phương Nam? Phương Nam tiêu biểu cho tâm. Muốn thành Phật phải một phen chuyển hóa. Ngày xưa thấy ai được an ổn, được hạnh phúc mình chịu đựng không được, mà trong lúc thiền định, chuyển hóa được thì tâm quý vị không như ngày xưa nữa. Tu là tu từ nơi tâm, chuyển cũng là từ nơi tâm chứ không phải chuyển nơi tướng. Thấy người khác thành công, hoặc hạnh phúc gia đình, như chính con làm được.
III. Công đức của một thời thiền tập
Trong biển khổ ái dục mà chúng ta có được một thời thiền tập thì rất viên mãn. Thiền sư Bạch Ẩn nói: “Công đức của một thời thiền tập làm tiêu tan bao nghiệp chướng xưa nay, không còn nữa những lối đi lầm lạc. Cõi Tịnh độ ở ngay đó không xa”.
Trong lúc ngồi thiền, các tâm ác như tật đố, san tham, ích kỷ nổi lên là chúng ta biết trong tàng thức mình ngày xưa chứa đựng những hạt giống này, chỉ có ngồi yên lại thì những hạt giống này mới khởi lên, mà lúc khởi lên, chúng ta không chạy theo mà biết chuyển hóa thì nghiệp chướng hết. Giống như con chim đang bay từ điểm A đến điểm B, nhưng giữa đường, bị ông thợ săn bắn tên nên rớt xuống. Cũng như thế, niệm xấu, ác, nếu không tu tập thiền tập sẽ tạo nghiệp xấu ác. Ví dụ như khi chúng ta khởi niệm tham, nhưng ngồi thiền trước mặt không có gì, thì lấy gì để tham, do vậy hóa giải được nghiệp chướng. Và ngay trong giờ phút thực tại đó, tâm tịnh thì quốc độ tịnh.
Qua bài pháp này, quý vị thấy năng lực của thiền rất là vi diệu. Chúng tôi mong quý vị trong cuộc sống đầy bận rộn, khổ đau, quý vị cố gắng dành thời gian tu thiền tập.
Ai sống một trăm năm
Ác tuệ, không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Trì giới tu thiền định