Năm Pháp Che Lấp Tự Tánh Bát Nhã
Giảng tại Chùa Thiên Ấn và Đạo tràng Phúc Đức – Sydney – Úc
I. DẪN NHẬP
Hôm nay chúng tôi có duyên chia sẻ một chút giáo lý cùng quý vị. Quý vị phần đông đều tu thiền theo pháp môn của Hòa thượng tôn sư, đã nghe pháp rất nhiều. Ở đây, tôi chỉ nêu thêm một số điểm để y cứ vào đó quý vị tiến thêm trên con đường thiền. Nếu y cứ trên nhân vô sanh để tu thì quý vị sẽ được quả vô sanh, còn tu trên nhân sanh diệt thì được quả sanh diệt. Quý vị thấy Bồ Tát Sĩ Đạt Đa sau khi ngồi thiền dưới cội bồ đề 49 ngày đêm thấy được trong mỗi chúng sanh đều có đức tướng Như Lai cùng với Phật không khác, nhưng tại sao Đức Phật đã thành tựu quả rốt ráo cuối cùng, còn mình cũng có tánh Phật nhưng lại bị khổ đau, phiền não bức bách? Tại sao Đức Phật tu nhanh hơn chúng ta? Đó là Ngài biết cái gì sai, không đúng thì bỏ. Ở chốn hoàng cung, biết rằng nếu đắm chìm trong ngũ dục thì khó mà thành tựu đạo giác ngộ nên Ngài bỏ. Rồi 5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh, biết sai nên Ngài cũng bỏ. Còn chúng ta biết sai mà không chịu bỏ. Một hôm có một ông Tăng đến hỏi Thiền sư Triệu Châu:
– Con chó có Phật tánh không?
– Có.
– Đã có, tại sao lại chui vào đãy da làm gì?
– Vì biết mà cố phạm.
Quý vị thấy, tâm Phật tròn sáng như gương. Tâm chúng ta cũng vậy, nhưng nếu phủ một lớp bụi rồi trát thêm một lớp bùn thì có soi thấy được không? Tâm của mình sở dĩ không sáng soi chiếu trời chiếu đất là bị năm thứ ngăn che:
- Tham dục
- Giận hờn
- Mê ngủ
- Trạo cử (dao động), hối hận
- Nghi ngờ.
Quý vị thấy bỏ được năm thứ này dễ hay khó? Tu đâu phải một ngày một tháng mà hết được năm thứ này. Không chỉ người tu thiền, mà ngay cả người tu Tịnh hay Mật mà chưa bỏ được năm thứ này thì dù Đức Phật A Di Đà có đến rước cũng không đi được. Cho nên, ngày hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị đề tài: “Năm pháp che lấp tự tánh Bát Nhã”.
II. XẢ NĂM PHÁP CHE LẤP TỰ TÁNH BÁT NHÃ
1. XẢ THAM DỤC
Đại sư Trí Khải dạy: “Khi hành giả ngồi ngay thẳng tu thiền định, tâm vừa khởi tham muốn, niệm niệm tiếp nối, che đậy thiện tâm không được tăng trưởng, biết rồi liền bỏ”.
Chẳng hạn thấy người khác có cái nhà lớn hơn nhà mình, xe đẹp hơn xe mình, mình cũng mong muốn được như vậy nên tối ngày nghĩ hết cách này đến cách nọ để kiếm thật nhiều tiền mua nhà, mua xe cho đẹp.
Trong Thiền thoại có kể một vị Tăng tu hành đã lâu mà chưa ngộ đạo. Một hôm trên đường đi khất thực ngang qua một căn nhà, ông nghe thấy tiếng một cô gái hát: “Trương đậu hũ, Lý đậu hũ, sáng mai cũng tiếp tục bán đậu hũ”, liền ngộ đạo. Tại sao ông Tăng nghe lời hát đó lại ngộ đạo? Ông Trương bán đậu hũ, ông Lý bán đậu hũ, dù cho suốt đêm nghĩ cách làm giàu thì ngày mai cũng vẫn phải tiếp tục bán đậu hũ. Khi nghe được câu đó, ông buông hết các niệm liền được ngộ đạo.
“Vì cớ sao? Vì như nàng Thuật-bà-già trong tâm khởi tham dục, còn bị đốt cháy cả thân thể, huống chi trong tâm sanh lửa tham dục mà chẳng thiêu hết các pháp lành sao?”
Không những khởi niệm tham dục về vật chất xe, nhà cửa, mà còn khởi niệm về ái dục qua xúc chạm, tiếng nói, hình ảnh, nam cũng như thế mà nữ cũng như thế.
Trong Kinh A Hàm, Phật dạy rõ:
Không thấy rõ ái dục
Mới vướng vào ái dục
Ảo tưởng về ái dục
Đưa người về nẻo chết.
Trong Thiền thoại có kể, Ngài Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn là hai người bạn thân. Tô Đông Pha làm quan, có sáu bà vợ và chuẩn bị lấy thêm bà vợ thứ bảy trẻ, đẹp. Thiền sư Phật Ấn liền hỏi mượn cô vợ thứ bảy một đêm, mặc dù rất ngạc nhiên nhưng Tô Đông Pha cũng đồng ý. Nửa đêm, Ngài đánh thức cô gái dạy, bắc 7 cái lò lửa, đi qua đi lại, đi tới đi lui suốt đêm. Sau khi nghe cô vợ về kể lại, Tô Đông Pha giật mình, biết Thiền sư Phật Ấn cảnh tỉnh mình, ví một cái lò lửa tiêu biểu cho một người vợ.
Ngài Liên Trì trước khi xuất gia cũng có một người vợ. Sau khi xuất gia, cứ một năm Ngài về nhà một lần. Một lần Ngài về nhà, vừa bước vào liền ngã xuống hầm có than lửa ở dưới. Ngài kêu la, trách bà vợ sao ác vậy. Bà vợ nói: “Lửa này chỉ đốt ông một đời, còn lửa tham dục đốt ông nhiều đời nhiều kiếp. Ông không lo tu tập còn về nhà làm gì nữa”. Ngài nghe xong hổ thẹn, phát nguyện tu chừng nào sáng đạo mới về nhà.
Cho nên, mình vừa khởi niệm tham dục, dù cho là nhà, xe hay con người, phải buông xả luôn để dấn thân vào con đường giác ngộ. Nếu suốt ngày khởi niệm tham dục thì không bao giờ phát minh được tâm địa.
Phật dạy tiếp:
Thấy chân tướng ái dục
Tâm ái dục không sanh
Tâm ái dục không sanh
Ai cám dỗ được mình.
Trong Luận Ma ha diễn: “Ngũ dục như nước biển, càng uống càng khát. Ngũ dục không vui, như chó gặm xương khô. Ngũ dục gây tranh đấu, như bầy quạ giành thịt thúi. Ngũ dục thiêu người, như cầm đuốc đưa ngược gió. Ngũ dục hại người, như đạp nhầm rắn độc. Ngũ dục không thật, như mộng được của báu. Ngũ dục tạm bợ không lâu bền, như chọi đá nhóm lửa. Người trí suy xét coi nó như giặc thù; người đời mê lầm, tham đắm ngũ dục đến chết không bỏ, đời sau phải chịu vô lượng khổ não.”
Trong Kinh A Hàm, có câu chuyện trong một ngôi làng có một số người bị bệnh cùi, đốt một đống lửa thật lớn để hơ gãi, ban đầu thấy dễ chịu nhưng gãi nhiều bị rát, rất là đau khổ. Một hôm có một vị lương y đến trị bệnh cho một người trong nhóm đó khỏi bệnh. Anh này một hôm đi ngang khu đó được mọi người mời vào hơ lửa, nhưng vì đã biết nên không vào nữa. Đức Phật ví chúng sanh chìm đắm trong ngũ dục, bị ngũ dục làm mờ tối, che mờ tánh giác, gặp Phật chỉ dạy con đường thiền tập, quán chiếu được ngũ dục là khổ nên không quay lại nữa.
Trong bài kệ “Trừ Cái”, Phật nói:
… Cầu các dục thì khổ,
Khi được nhiều lo sợ,
Khi mất lại buồn rầu,
Tất cả thời không vui.
Họa các dục như thế…
Có những người rất giàu có, nhiều tài sản nhưng gặp lúc khó khăn, tài sản gần như mất hết, tuyệt vọng muốn tự tử, nhưng thử nhớ lại khi mình sanh ra đời, đến một cái tã cũng không có, khi bớt lòng tham muốn thì đỡ khổ.
Phật dạy một người ngu bị mũi tên đâm vào người cũng đau, một người trí bị mũi tên đâm vào người cũng đau. Nhưng người ngu sau khi bị đâm, về nhà tự tiếp tục đâm thêm mũi tên thứ hai, thứ ba… vào người, còn người trí sau đó về nhà rút mũi tên ra và băng bó vết thương. Cũng vậy, người không biết Phật pháp, không biết tu tập thì khi gặp phải điều bất như ý khiến cho bị phiền não thì sau đó về tiếp tục kể cho người này, người kia nghe, mỗi lần kể là một lần tự đâm một mũi tên vào người. Còn người biết tu tập, biết chuyển hóa thì dừng lại, không tự đâm thêm nữa.
…. Do đâu được xả nó
Được vui sâu thiền định
Liền không bị nó lừa.
Đi sâu vào thiền định, thấy những niệm đó là vọng tưởng, không có tự tánh, phiền não cũng không có tự tánh. Quý vị thử nghĩ xem phiền não này có thật là của mình không ? Nếu thật phiền não là của mình thì sáng phiền não, trưa phiền não, chiều phiền não. Còn sáng phiền não, chiều hết thì không phải là của mình. Như giờ quý vị đang cãi lộn với ai đó, tự nhiên có người gọi điện đến thông báo một tin rất vui, quý vị còn phiền não nữa không? Như vậy, phiền não chỉ là bóng dáng, do duyên mà có, hết nhân, hết duyên thì phiền não cũng hết.
2. XẢ GIẬN HỜN
Cái này người tu cũng hay bị dính mắc. Phật dạy: “Sân giận là cội gốc sanh ra các pháp bất thiện, là nguyên nhân đọa vào 3 đường ác, là oan gia của pháp an lạc, là bọn giặc dữ của tâm thiện, là kho chứa bao nhiêu ngôn ngữ thô ác, cũng đều do sân hận”.
Một khi nổi giận, chúng ta thường khó kiềm chế được lời nói của mình mà hay nói những lời dữ dằn, thô ác. Ngài An Thế Cao có vị sư huynh cũng thường hay bố thí, cúng dường, làm các việc phước thiện nhưng do hay bị sân hận nên khi chết bị đọa làm mãng xà.
Trong Kinh Phật dạy: “Bậc thượng thì nhẫn người dưới mình, bậc trung nhẫn người ngang mình, bậc hạ nhẫn người trên mình”. Nhẫn người trên mình thì dễ hiểu rồi, người trên mình nhiều khi mình không nhẫn cũng phải nhẫn, còn nếu người dưới mình mà mình tự hạ xuống để nhẫn được thì đó mới là điều khó làm.
Phật ví dụ một người cầm nắm muối bỏ vào ly nước, uống không được vì nắm muối lớn còn ly nước thì quá nhỏ. Chỉ cần đem nắm muối bỏ xuống dòng sông thì uống được vì dòng sông quá lớn, còn nắm muối quá nhỏ. Tu tập một thời gian, tâm mình rộng mở ra, hiểu và thương người hơn nên có khả năng chịu được và hóa giải những lời nói châm chích, độc hại của người khác.
Trong Kinh Nghiệp báo sai biệt, Đức Phật dạy:
Lời nói xúc não người
Bới móc chuyện riêng tư
Ngang bướng khó điều phục
Làm quỷ đói ngậm lửa.
Trong Kinh A Hàm cũng kể, một hôm Ngài Xá Lợi Phất ngồi trong tịnh thất, có một con quỷ mồm miệng chảy đầy máu, thân bình bốc lửa chạy đến khóc. Vị thị giả nhìn thấy, nói: “Bà khó vào gặp được Ngài Xá Lợi Phất lắm, vì Ngài có năng lực lớn nên bà không đến gần được”. Quỷ nói: “Ngài cứ vào nói tôi là mẹ của Ngài Xá Lợi Phất 500 kiếp về trước”. Ngài Xá Lợi Phất ra, dùng thần thông biết được đây chính là mẹ của mình 500 kiếp về trước, sở dĩ làm quỷ là bởi suốt ngày bà hay chửi mắng người, nói những lời độc hại làm cho người khác đau khổ.
Qua câu chuyện này, chúng ta chiêm nghiệm lại trong cuộc sống của mình, phải “thủ khẩu như bình, phòng ý như thành”, tức là giữ miệng của mình giống như bình nước, không nói những lời thô ác hại mình hại người, làm hao tổn nước công đức, mà phải dùng lời ái ngữ để nói với người. Nhiều khi mình nói: “Tôi nói vậy thôi chứ trong tâm tôi không có gì hết”, nhưng thực ra, lúc đó trong tâm mình có dấy niệm tác ý mà mình không thấy được niệm nên mới nói ra những lời nói làm cho người khác phải đau khổ.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật dạy: “Thà dùng kiếm bén cắt đứt lưỡi mình, chứ không bao giờ nóng giận nói lời thô lỗ để phải bị đọa vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”. Cắt đứt lưỡi mình chỉ khổ một đời này thôi, nhưng nói những lời thô lỗ nóng giận khiến mình bị đọa, khổ trong nhiều kiếp.
Trong Kinh Bách Duyên, có vợ một ông trưởng giả rất giàu có. Khi bà mang thai, ai cũng xa lánh vì thân thể bà rất hôi thối như có xác chết trong đó. Khi bà sanh đứa bé ra, nó chỉ chuyên ăn phân người, ăn xong lấy phân trát lên người. Hai vợ chồng ông trưởng giả mang đứa con ra ngoài nghĩa địa, nó cũng tìm được một thùng phân công cộng để ăn. Mọi người đều gọi nó là Đạm bà la, tức là chuyên ăn phân người. Một hôm, được gặp Thế Tôn độ cho xuất gia, sau chứng quả A la hán. Tôn giả A Nan rất ngạc nhiên hỏi Phật, vì nghiệp gì mà người này sanh ra trong một gia đình rất giàu có mà tại sao lại ăn phân, sau lại được xuất gia tu hành. Phật nói: Trong đời quá khứ thời Đức Phật Câu Lưu Tôn, vị này xuất gia làm trụ trì một chùa lớn. Một hôm có bà tín thí đến cúng dường một số dầu thơm cho Tăng chúng. Trong chúng không ai xức, chỉ có một vị xức dầu thơm (vị này đã chứng quả A la hán). Ông Trụ trì giận, nói: “Ông là người xuất gia mà dùng dầu thơm xoa mình, không khác gì lấy phân bôi vào mình”. Do lời nói như vậy mà ông bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, rồi sinh ra làm người trong 500 kiếp thân đều hôi thối. Sở dĩ ông bị quả khổ như vậy là do đã chửi mắng một vị đã chứng quả A la hán.
Cho nên, là Phật tử chúng ta phải nên cẩn thận vì mình hay có tật chê bai, chỉ trích, nhất là đối với những bậc cao đức, thiện tri thức chỉ pháp tu thù thắng, nhiều khi mình không biết người đó tu chứng đến đâu nên cần phải cẩn thận lời nói. Như bữa nào ra đường, nếu quý vị gặp người ăn xin, có bực mình đánh họ thì họ cũng không làm gì được mình, nhưng nếu lỡ đụng vào vua hay quan đại thần mà mình đánh chửi thì chịu hậu quả lớn. Những người tu hành có năng lực lớn cũng như thế.
Rồi trong cuộc sống gia đình, nếu mình chửi mắng con cái thì cũng không khác gì chửi mắng người khác. Nhiều vị làm cha mẹ, tự cho mình có quyền chửi mắng con cái, nhưng thực ra khi mình chửi mắng con cái là mình đã gieo những hạt giống bất thiện cho nó và cho mình, nó buồn khổ thì lúc đó mình cũng không có hạnh phúc.
Trong Kinh Chánh báo, Phật dạy:
Người ác như tên độc
Người trúng bị tổn thương
Cửa ngục mở đang chờ
Rơi vào chảo dầu sôi
Cắt lưỡi buộc phải ăn
Đau khổ không kể xiết
Nếu không có lợi ích
Sao chẳng phòng lời nói?.
“Thế nên, hành giả khi tọa thiền, khởi nghĩ: ‘Người này phá hại ta, người thân ta khen ngợi kẻ thù của ta’. Suy nghĩ quá khứ, vị lai cũng như thế. Đó là chín thứ phiền não do sân hận nên sanh oán thù. Do tâm oán thù nên khởi tâm sát hại kẻ khác. Cho nên, những phiền não sân hận, oán thù che đậy, gọi là triền cái”.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, một hôm có một vị Thích Đề Bà Na đến hỏi Phật:
Giết gì được an ổn?
Giết gì hết sầu khổ?
Vật gì gốc của độc
Nuốt mất tất cả thiện?
Phật trả lời:
Giết sân được an ổn
Giết sân hết sầu khổ
Sân là gốc của độc
Nuốt mất tất cả thiện.
Thường chúng ta hay mong cầu hạnh phúc ở tận đâu đâu mà thật ra, hạnh phúc chính là ngay nơi tự thân của quý vị, dù quý vị có mang hàng ngàn đô la Mỹ ra siêu thị hay bất cứ đâu mua cũng không có
Một hôm có vị Thiên tử đến hỏi Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, làm như thế nào để trong cuộc đời còn gặt hái được những hạnh phúc vĩnh cửu lâu dài?”. Phật trả lời: “Buổi sáng thân làm điều lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành. Đó là một buổi sáng an ổn, hạnh phúc. Buổi trưa, buổi chiều cũng lại như thế”.
Thân làm điều lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành thì suốt một ngày được an ổn, hạnh phúc, không cần phải đi coi bói xem tướng số gì cả, cũng không cần phải xem ngày tốt ngày xấu vì ngày nào cũng là ngày tốt. Muốn tốt hay không là do mình.
Trong Kinh A Hàm, có một ni cô nước Sakola gặp một vị bà la môn tu khổ hạnh, dùng lửa để nướng thân nên đầu tóc khô, môi miệng nứt nẻ, người đời gọi ông là La hạt chích, tức là cây vải bông nướng. Ni cô thấy thế nói:
– Cái đáng thiêu thì ông không thiêu, lại lầm lẫn đi thiêu cái không đáng thiêu, sao mà ông ngu si quá vậy?
Vị bà la môn nghe vậy, giận đỏ mặt quát:
– Đồ con lừa, ngươi nói cái gì là cái đáng thiêu?”
Cô nói:
– Cái đáng thiêu chính là tâm nóng giận của ông đó. Thiêu được cái đó mới thực sự là an ổn, mới thiêu được cái đáng thiêu, giống như xe mà không đi thì đánh trâu, ai lại đánh xe. Cũng vậy, phải đánh thức cái tâm kia thiêu cháy tan cái tâm đó thì thân hết bị dày vò đau khổ.
Nghe vậy, vị bà la môn liền thức tỉnh.
Chúng ta suốt đời suốt kiếp luôn chịu đau khổ là chỉ biết dùng thân mà không biết dụng tâm. Ngày xưa, có hai cao đồ của Vương Trùng Dương đến gặp Thầy xin xuống núi để làm thiện. Ông Thầy nói: “Sát sanh thì lên thiên đường, mà phóng sanh thì xuống địa ngục”. Như vậy tức là sao? Có bị ngược đời không? Sát ở đây chính là sát cái tâm nóng giận, sát những lời nói làm cho người khác phải buồn khổ, phiền não, được vậy thì sẽ lên thiên đường. Còn phóng những lời nói thô ác, làm xúc não người thì phải chịu hậu quả xuống địa ngục. Cho nên, giờ biết tu rồi, chúng ta phải cố gắng chuyển hóa tâm so với ngày trước khi chưa tu.
Tổ Tuyên Luật sư nói: “Nếu lấy việc nhỏ mà chấp chặt tranh luận thì việc nhỏ cũng thành to. Nếu việc lớn mà có thể nhẫn thì việc lớn cũng thành nhỏ”.
Việc nhỏ mà chấp, không chuyển hóa được thì cũng thành lớn chuyện, cái này trong quan hệ gia đình mọi người hay vấp phải giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái. Có hai người hàng xóm, nhà anh A đông người nhưng không thấy cãi lộn, còn nhà anh B ít người nhưng cãi nhau suốt ngày. Anh B sang nhà anh A để hỏi kinh nghiệm. Anh A nói: “Sở dĩ nhà tôi không cãi lộn là vì trong nhà ai cũng là người xấu, còn nhà anh hay cãi lộn là vì ai cũng là người tốt”. Anh B ngạc nhiên hỏi lại: “Sao kỳ vậy?” Anh A nói: “Chẳng hạn như một buổi nào đó tôi để bình hoa ngay cái bàn này, vợ tôi đi ngang làm rớt. Tôi chạy đến nói xin lỗi tại mình vô ý, vợ tôi cũng nói không phải, do lỗi của cô ấy không để ý nên làm rớt bình hoa, như vậy, ai cũng xấu nên không cãi lộn. Còn nhà anh, ai cũng tốt nên nếu có việc gì thì đổ tại cho người khác, vì vậy mà hay cãi nhau”.
“Nếu việc lớn chẳng qua bị người ta vu khống, chê bai, song một chữ nhẫn nói thì rất dễ, hành lại rất khó”.
Có một vị tướng một hôm cảm thấy chán, buông bỏ tất cả vợ con, nhà cửa, tài sản vứt xuống sông, đến xin Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo cho xuất gia. Thiền sư cho ông ở lại công quả tập tu. Một buổi sáng Thiền sư đi kinh hành thấy ông này thắp hương bèn hỏi: “Giờ này ông thắp hương làm gì?”.
Ông này đáp: “Vì trừ lửa trong tâm, dậy sớm lễ sư trưởng”. Mình nghe ông nói vậy thấy hay không, thấy ông có vẻ rất chịu khó tu tập để trừ lửa sân, phải không?
Lúc này, Thiền sư nói: “Dậy sớm như thế ấy, chẳng sợ vợ ngủ người?”.
Nghe thế, ông giận quá, nói: “Lão đầu trọc thối, ông dám nói như vậy hả?”.
Thiền sư bèn nói bài kệ:
Nhè nhẹ phẩy chiếc quạt
Tánh lửa đã nóng bừng
Tánh ông nóng như thế
Làm sao buông xuống xong?
Nghe vậy, ông liền tỉnh ngộ.
Như vậy, để thấy rằng nói thì đơn giản, nhưng hành rất là khó.
Có một vị cư sĩ đến hỏi Thiền sư Bàn Khuê:
– Thưa Thầy, con rất hay nóng giận với vợ con của con. Xin Thầy trị giùm con”.
– Ông đem cái nóng giận ra đây ta trị cho.
– Thưa Thầy, bây giờ nó không có.
– Chừng nào mới có?
– Khi nào con gặp vợ, con của con thì mới có.
– Giờ ông về nhà, nếu gặp vợ mà nổi sân thì chạy đến ta trị cho.
Vị cư sĩ thực hiện theo, nhưng đến cửa thiền viện thì hết sân, liền thưa với Thiền sư. Thiền sư khai thị:
– Cái sân đó không phải của ông, cha mẹ ông sanh ra ông chỉ có tâm Phật mà thôi. Sân này do duyên, không có tự tánh, chỉ cần quán chiếu thật sâu sân từ đâu mà có thì lần lần sẽ hết.
Trong Kinh A Hàm, Phật dạy mình khi sân biết mình sân thì tự nhiên sân hết. Chúng ta luôn đồng hóa mình với cái sân: tôi sân, tôi bực, tôi hận, nhưng cái gì biết được bản chất của sân thì mình không chịu sống với nó mà chỉ sống với cái sân của mình.
Thiền sư Khuê Phong dạy: “Tham sân khởi mà chạy theo thì chính là phàm phu, tham sân khởi mà bất động chính là A la hán, tham sân khởi mà biết dừng, đó là người chân chánh tu đạo”.
Do đó, Tôn giả Tịch Thiên dạy: “Công đức làm các điều lành như cung kính Như Lai, cùng hành hạnh bố thí suốt trăm ngàn kiếp sẽ bị thiêu đốt chỉ do một niệm sân hận. Khi sân hận phát khởi, nó có khả năng hủy hoại công đức và tâm an ổn của chúng ta”.
Cho nên, thấy được tai hại lớn của sân hận như vậy, làm che đậy mất tự tánh Bát Nhã của mình, quý vị càng phải nên cố gắng để xả bỏ.
3. XẢ THÙY MIÊN (ngủ nghỉ)
Phóng túng buông thả tứ chi, nằm lăn ngủ vùi gọi là miên. Ý thức mê mờ gọi là thùy, tức là năm căn bị che tối. Do nhân duyên đó gọi là thùy miên.
Trong Kinh A Hàm, Phật dạy: “Ngủ nhiều là một pháp bất tịnh khiến cho tâm thức mờ tối, khiến cho không thể tiến tới pháp lành, trầm luân trong ba cõi không có kỳ hạn xuất ly. Do đó, người hành giả tham thiền phải luôn luôn khắc kỹ, chớ nên ngủ nhiều”.
Nếu sáng mình dậy sớm ngồi thiền thì tăng trưởng công đức, còn ngủ vùi thì sanh ra mộng mị đủ thứ chuyện. Là người tu, chúng ta phải chịu khó xả bỏ bớt giờ ngủ nghỉ để có thời giờ tạo thêm công đức.
Kinh Pháp Cú thí dụ có kể tại thành Xá Vệ, tinh xá Kỳ Thọ, có một vị Tỳ kheo chuyên ăn no rồi ngủ, không chịu lo tu. Phật biết ông này sau bảy ngày nữa sẽ chết nên thương xót, đến đọc bài kệ:
Ôi chao sao ngủ được,
Quên kiếp mối mọt ư?
Sống tối tăm chẳng sạch
Mê hoặc chấp lầm thân
Khác nào bị ung thư
Mà tâm như trẻ bệnh
Gặp biết bao nguy nan
Thay vì ngủ ngon giấc
Suy ngẫm không buông lung
Vì nhân học người xưa
Từ đây không còn khổ
Thường nhớ diệt ý xằng
Chánh kiến sức học thêm
Ở đời sáng được thế
Phước đức tăng ngàn lần
Chết không sa nẻo ác.
Bồ Tát cũng quở trách các đệ tử:
Ông dạy chớ ôm thây thối nằm
Những thứ nhơ nhớp gọi là người
Như bệnh nặng tên cắm vào thân
Đầy rẫy đau đớn đâu yên ngủ
Như người bị trói sắp đem giết
Tai hại kề bên đâu thể ngủ.
Trong Kinh Di giáo, Phật dạy: “Các Thầy Tỳ kheo ban ngày siêng năng tu tập thiện pháp không để thời giờ qua suông, đầu đêm cuối đêm cũng chớ phí bỏ, nửa đêm tụng kinh để tự tiêu diệt và đình chỉ các nghiệp chướng”.
Quý vị nhớ, phải nhờ tu tập (sám hối, tụng kinh, ngồi thiền…) quý vị mới chuyển hóa được nghiệp xấu của mình, còn bố thí cúng dường chỉ là thiện pháp để trợ duyên cho mình tu tập được tốt hơn.
“Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để một đời luống qua không một chút lợi ích”.
Quý vị thử nghiệm lại, chúng ta sanh ra làm một con người đầy đủ sáu căn mà không có một chút tư lương cho ngày ra đi thì Phật nói uổng một kiếp người.
Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy:
Ai sống một trăm năm
Ác giới không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Trì giới tu thiền định.
Ai sống một trăm năm
Ác tuệ không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Có tuệ tu thiền định.
Hiểu pháp rồi thì mỗi sáng, mỗi tối chịu khó một chút thôi. Quý vị thích làm việc mà có tiền không? Đương nhiên ai mà không thích? Nhưng tiền đó là tiền vô thường, ảo vọng, sanh diệt. Còn tư lương là công đức từ nơi tự thân của mình, sao mình không ham tạo? Phật nói người nào ham pháp thù thắng của Như Lai như tham tài tham sắc thì chỉ một đêm là chứng đạo. Nếu hiểu được ích lợi và giá trị của sự tu tập rồi thì bảo đảm dù hoàn cảnh có khó khổ đến mấy quý vị cũng sẽ cố gắng để tu tập, ngồi thiền. Công đức ngồi thiền này không thể tính được vì từ nơi bất động, vô nhiễm, thanh tịnh, từ đó chúng ta đi trên con đường giác ngộ giải thoát. Cho nên chúng ta nghiệm kỹ, bớt tạo tiền sanh diệt mà dành thời gian tạo thêm tư lương cho mình, loại tiền này không có mất.
“Nên nhớ ngọn lửa vô thường thiêu đốt thế gian mà phải tự độ”.
Quý vị thấy bây giờ đầy những thiên tai, tai nạn xảy ra ở bất kỳ nơi nào, với bất kỳ ai. Không ai có thể độ mình hết, chỉ có chính mình tự độ mình. Cho nên, hiểu pháp rồi thì phải hành.
“Đừng ham ngủ nghỉ, giặc phiền não thường hay rình giết người, dữ hơn kẻ thù, sao có thể ngủ nghỉ mà không tự giác. Rắn độc phiền não ngủ trong tâm ví như rắn hổ mang màu đen ngủ trong nhà. Các Thầy nên dùng móc sắt giữ giới mà sớm kéo móc nó ra. Rắn ra rồi mới yên ngủ, không ra mà ngủ là không biết hổ thẹn”.
Do đó, Đại sư Trí Khải dạy: “Còn lắm việc như thế để quở trách mê ngủ. Lấy vô thường cảnh giác sự ngủ nghỉ khiến giảm bớt, không che mờ tâm tánh. Nếu tâm mê ngủ quá nặng phải dùng thiền trượng đuổi nó”.
Cho nên, chúng ta phải tranh thủ trong lúc còn đang bình thường, khỏe mạnh, sáng suốt, ý thức được thì cố gắng tu tập, tạo các thiện pháp và chuyển hóa tâm của mình.
4. XẢ TRẠO CỬ, HỐI HẬN
XẢ TRẠO CỬ
Đại sư Trí Khải dạy: Trạo cử có ba: thân trạo cử, khẩu trạo cử, ý trạo cử.
a. Thân trạo cử: Thân ưa thích chạy rong, đùa giỡn lăng xăng, ít khi ngồi yên.
Trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, nếu luôn luôn chánh niệm, thu thúc lục căn của mình thì trong lúc ngồi thiền rất là yên định. Còn ngồi chỗ này lại muốn ngồi chỗ kia, lăng xăng, lộn xộn, thân trạo cử trong lúc đi đứng thì khi ngồi thiền rất khó ngồi yên, muốn buông chân ra cựa quậy. Có khi nào quý vị ngồi thiền thấy như có kiến bò trên mặt không? Lúc đó phải làm gì? Gãi hay chịu trận? Nếu gãi thì thân trạo cử. Trong Thiền căn bản gọi đó là ma chướng nhiều đời, nếu mình chịu đựng và vượt qua thì nó hết.
Như quý vị đang ngồi thiền mà bị muỗi đốt, nếu mình chịu đựng và vượt qua được thì lúc đó quý vị đang đi trên con đường Bồ Tát đạo, hành lục độ. Đáng lẽ đập con muỗi nhưng chúng ta khởi lòng từ không giết hại nó, tức là mình đang bố thí thân, cũng là trì giới. Rồi cố gắng ngồi chịu đựng là có cả nhẫn nhục và tinh tấn, thiền định và trí tuệ cũng theo sau đó luôn.
b. Khẩu trạo cử: miệng ưa ca hát, tranh cãi phải quấy, luận bàn những việc vô ích, nói các việc thế tục trong lúc hạ thủ công phu.
Quý vị bỏ ra một tháng hay nửa tháng một lần đến đây tu tập, có khi nào chịu đi hay ngồi một mình không?
Thiền sư Huyền Giác dạy:
“Thường độc hành, thường độc bộ.
Đạt giả hành du Niết Bàn lộ”.
Chúng ta thấy trong cuộc sống, kể cả những người có chồng, có vợ, tuy rằng sống với nhau nhưng suy nghĩ không đồng, thì cũng “thường độc hành, thường độc bộ”, rồi ngày cuối cùng ra đi, dù người thân nhất cũng không thể theo mình được mà mình cũng phải “thường độc hành, thường độc bộ”. Vậy thì tại sao ngay bây giờ, chúng ta không chịu tập “thường độc hành, thường độc bộ”? Đi chùa gặp nhau, mới đầu thì còn nói Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa, … rồi hết kinh thì nói chuyện này, chuyện nọ. Đó là khẩu trạo cử.
Trong Thiền thoại có kể lại: Thiền sư Vô Tướng ngồi nhập định thấy hai ông Tăng đang ngồi nói chuyện, có hai con quỷ chắp tay lắng nghe rất thành kính. Một lúc sau, lại thấy hai con quỷ nhổ nước miếng vào mặt hai ông Thầy, chà dấu chân, giận dữ bỏ đi. Thiền sư Vô Tướng sau khi xả thiền, gọi hai ông Tăng đến hỏi: “Hai ông nói chuyện gì mà lúc đầu ta thấy hai con quỷ chắp tay rất là thành kính, sau đó lại thấy hai con quỷ đó nhổ nước miếng, chà dấu chân bỏ đi?”. Hai ông Tăng thú nhận lúc đầu nói chuyện với nhau về pháp, sau đó nói chuyện thế tục, chuyện thị phi.
Trong Kinh Hoa Thủ, Phật nói bài kệ:
Ác khẩu và lưỡng thiệt
Thích nói lỗi người khác
Đó là người không tốt
Việc ác nào cũng làm.
Lỗi người ta dù chỉ bằng hạt mè, hạt thóc cũng thấy, còn lỗi mình nhiều mà không thấy. Nếu mình thấy lỗi mình giống như thấy lỗi người, thấy lỗi người giống như thấy lỗi mình thì thành Phật không lâu.
Trong Luận Đại Trí độ:
Đọa vào loài ngạ quỷ
Miệng thường phun lửa dữ
Kêu gào vang khắp nơi
Là nghiệp báo của miệng.
Tuy học rộng hiểu nhiều
Ở trong chúng nói pháp
Do gieo nghiệp bất tín
Nên mọi người không tin.
Muốn học rộng nghe nhiều
Được mọi người tin tưởng
Thì phải nên thành thật
Không nói lời thêu dệt.
Trong Kinh Chánh niệm, Đức Phật cũng dạy:
Cam lồ hay độc dược
Đều từ lưỡi mà ra
Cam lồ là lời thật
Độc dược là lời gian
Nếu người cầu cam lồ
Thì nên nói lời thật
Nếu ai muốn độc dược
Thì cứ nói chua ngoa.
Thuốc độc không giết người
Lời ác ắt sẽ chết
Nhưng người luôn nói dối
Thì giống như người chết
Nói dối không lợi mình
Lại càng không lợi người
Mình và người không vui
Cớ sao phải gian dối?
c. Tâm trạo cử: Tâm tính phóng túng, ý nghĩ lăng xăng, suy nghĩ văn chương kỹ nghệ thế gian, xét nghĩ những điều xấu ác gọi là tâm trạo cử. Tâm trạo cử này hay phá hoại tâm của người xuất gia và người tại gia. Người cố nhiếp tâm vẫn không được định, huống chi kẻ tán loạn. Người tâm tán loạn như con voi say mà không có móc sắt, con lạc đà không dây mũi không thể kềm giữ được.
Quý vị có khi thân ngồi đây nghe pháp mà tâm nghĩ tận đâu đâu, chạy rong ruổi. Mình mà không dừng được tâm trạo cử, để tâm luôn tán loạn thì lúc chết dễ đi bậy (khi chết thần thức rất nhanh, khởi nghĩ đến đâu là đi đến đấy). Vì vậy trong lúc sống chúng ta phải tập chánh niệm, dừng tâm tán loạn, bớt rong ruổi.
Thiền sư Khuê Phong dạy: “Làm việc nghĩa là tâm tỉnh ngộ, làm việc vô nghĩa là tâm cuồng loạn”. Làm việc có nghĩa là chánh niệm, làm việc gì biết việc đó, dừng bớt tâm vọng tưởng, điên đảo của mình. Làm việc vô nghĩa là ngồi đây suy nghĩ đủ chuyện, mà “cuồng loạn theo tình niệm thì lâm chung bị nghiệp lôi, tỉnh ngộ không theo tình thì lâm chung chuyển được nghiệp”.
Trong Kinh Di giáo, Phật dạy: “Tỳ kheo các ông đã có thể an trụ trong giới rồi phải kiềm chế ngũ căn chớ để buông lung vào ngũ dục, thí như người chăn trâu cầm roi nhìn nó chẳng cho nó buông tuồng phạm nhầm lúa mạ của người”.
Quý vị chăn trâu làm sao? Xưa các Ngài chăn trâu, khi trâu chuẩn bị vào lúa mạ, các Ngài kéo ra liền, còn mình thì cho ăn thoải mái.
Trong Ngũ đăng hội nguyên có ghi: Thiền sư Thạch Củng đang nấu cơm, Mã Tổ hỏi:
– Làm gì?
– Đang chăn trâu.
– Chăn thế nào?
– Một phen vào lúa mạ liền nắm mũi kéo lại.
– Con thực là một người chăn trâu giỏi.
Thiền sư Thạch Sương ẩn trong xóm lò gốm vùng Lưu Dương, một hôm có một vị tăng từ Động Sơn đến.
Sư hỏi:
– Hòa thượng có ngôn cú gì dạy chúng?
Vị tăng thưa:
– Ngày giải hạ, Hòa thượng thượng đường bảo ‘Đầu thu cuối hạ, huynh đệ hoặc đi Đông hoặc đi Tây, nên nhắm thẳng chỗ muôn dặm không một tấc cỏ mà đi. Im lặng giây lâu, Ngài nói:“ Chỉ như chỗ muôn dặm không một tấc cỏ thì làm sao đi.
Sư hỏi:
– Có người nói được chăng?
Tăng đáp:
– Không.
Sư nói:
– Sao chẳng nói ra khỏi cửa liền là cỏ?
Tăng về thuật lại cho Thiền sư Động Sơn, Thiền sư nói:
– Đây là lời của bậc thiện tri thức 1500 chúng. Không ngờ ở Lưu Dương mà có cổ Phật ra đời.
Chăn trâu đến mức “ra khỏi cửa liền là cỏ” thì quả là chăn trâu kỹ. Vừa chuẩn bị ra khỏi cửa mắt, nhích một cái là phạm. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu cửa chỉ cần nhích một niệm nhỏ là biết trâu ăn lúa mạ. Hàng ngày nếu chúng ta chịu khó chăn trâu kỹ thì được giải thoát, còn buông tuồng để trâu ăn lúa mạ thì tự trói mình. Thấy sắc bị nhiễm, tức là đã bị trói buộc, cũng thấy sắc mà không đắm nhiễm thì được giải thoát. Phật, Tổ, thiện tri thức đã dạy hết cho mình rồi.
Thiền sư Đại An Ban Sơ đến Ngài Bá Trượng hỏi:
– Con muốn cầu biết Phật thế nào là phải?
Bá Trượng bảo:
– Thật là người cưỡi trâu tìm trâu.
– Sau khi biết thì như thế nào?
– Như người cưỡi trâu về nhà.
– Sau giữ gìn thế nào?
– Như người chăn trâu cầm roi dòm chừng không cho nó ăn lúa mạ của người.
– Sư nhân đây lãnh hội ý chỉ, chẳng đi tìm đâu nữa.
Cho nên, pháp của Phật rất nhiều nhưng chính yếu chỉ bấy nhiêu đó thôi. Nếu mình nhận được yếu chỉ rồi thì không phải tìm cầu đâu hết, cứ y đó mà tu, thẳng đó mà phát nguyện đời này không xong thì đời sau tiếp tục. Thiền sư Lâm Tế nói: “Chưa khởi vọng tưởng đừng cho nó khởi, đã khởi vọng tưởng thì đừng có theo, còn hơn ông đi hành cước 10 năm”. Phương pháp thiền đốn ngộ rất đơn giản, ý niệm vừa dấy khởi liền dừng. Vì đơn giản quá nên có khi mình coi thường, mà chỉ thích những cái gì cầu kỳ, bóng bẩy, có văn tự, có triết lý.
Sau này nhận chúng, Sư khai thị: “Các ngươi muốn làm Phật chỉ cần không có những tâm điên đảo, vọng tưởng, nghĩ ác, cấu dục chẳng sạch của chúng sanh, tức các ngươi là Phật. Chánh giác mới phát tâm, lại đến chỗ riêng nào luận bàn? Sở dĩ Đại An này ở núi Qui ba mươi năm, ăn cơm núi Qui, đại tiện núi Qui mà không học thiền ở núi Qui, chỉ coi chừng con trâu, nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ liền nắm mũi kéo nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người liền đánh đập, điều phục nó. Đáng thương đã lâu, chịu người rầy mắng. Hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng, đứng trước mặt sờ sờ, trọn ngày hiện rõ, đuổi cũng chẳng đi”.
Trong Kinh Di giáo Phật dạy: “Năm căn này tâm là chủ thể, thế nên các ông phải khéo chế phục tâm mình. Tâm rất đáng sợ, còn hơn cả độc xà, ác thú, giặc cướp, lửa dữ. Ngoài những thí dụ trên chưa đủ, lấy gì để so sánh, như voi điên không móc sắt, khỉ vượn gặp được cây nhảy chuyền, khó mà cấm cản. Phải mau kiềm nó không cho nó rong ruổi, nếu buông thả tâm này sẽ làm mất việc lành của người. Kiềm nó một chỗ thì không việc nào không làm được”.
Cổ đức nói:
Việc đời không gì khó
Chỉ do tâm không chuyên
Đục núi xuyên biển cả
Vén mây thấu trời xanh.
Chúng ta bị luân hồi trong ba nẻo sáu đường cũng là do tâm dắt đi. Vừa khởi niệm ác, nó dắt mình xuống địa ngục. Một ngày quý vị dạo trong sáu đường mấy lần? Nếu không lo tu, không dừng được tâm thì nó dẫn dắt mình đi vào trong sanh tử luân hồi. Chẳng hạn như có người đưa ra điều kiện bảo quý vị dời một hòn núi thật lớn hay lấp biển thì mới dừng được tâm thì chắc là khó mà làm được. Còn đằng này là ngay nơi chính mình, dừng hay rong ruổi là do mình có toàn quyền chủ động, không phải là không làm được. Cho nên quý vị phải ráng cố gắng.
XẢ HỐI HẬN
Nếu trạo cử mà không có hối hận thì chưa thành che đậy. Vì cớ sao? Vì khi trạo cử còn ở bên ngoài, trong khi nhập định mới hối hận việc làm trước, khiến lo buồn che đậy tâm tánh của mình.
Hối hận có hai thứ: (1) Không nên làm mà làm; (2) Nên làm mà chẳng làm.
Trong thiền thoại có kể, một học tăng đến hỏi Thiền sư Vân Cư: “Đệ tử mỗi khi làm việc gì xong đều rất hối hận. Xin hỏi Thầy vì sao con có nhiều hối hận như vậy?”
Thiền sư Vân Cư nói: “Trước hết ông hãy nghe ta nói mười điều hối hận của ông:
- Gặp Thầy không học
- Gặp người hiền không kết giao
- Thờ cha mẹ không có hiếu
- Đối với chủ không trung thành
- Thấy việc nghĩa không làm
- Có của cải không bố thí
- Thấy nguy hiểm không cứu
- Ái quốc không trong sạch
- Nhân quả không tin
- Phật đạo không tu.
Ông Tăng nghe xong nói: “Đây đúng là mười thứ hối hận của con. Như vậy con phải làm sao?”
Thiền sư Vân Cư: “Trong mười điều trên, ông chỉ cần đổi chữ Không thành chữ Phải. Một chữ Phải này là thuốc, ông hãy khéo uống thì hết bệnh.
- Gặp Thầy phải học
- Gặp người hiền phải kết giao
- Thờ cha mẹ phải có hiếu
- Đối với chủ phải trung thành
- Thấy việc nghĩa phải làm
- Có của cải phải bố thí
- Thấy nguy hiểm phải cứu
- Ái quốc phải trong sạch
- Nhân quả phải tin
- Phật đạo phải tu.
Mình chính là kiến trúc sư tạo ra thân ngũ uẩn, tạo ra quốc độ của mình. Quốc độ thanh tịnh hay không là do nghiệp hàng ngày chúng ta tạo. Quý vị cứ yên tâm là nghiệp không bao giờ chơi xấu mình cả. Tạo thiện pháp là cho mình chứ không phải cho ai hết, có điều kiện thì quý vị cứ làm, sau này khỏi hối hận.
Đại sư Trí Khải dạy: “Do trạo cử rồi mới sanh hối hận, như người gây tội nặng thường ôm lòng lo sợ, mũi tên hối hận cắm sâu vào tim, khó mà nhổ ra được”.
Do đó, có bài kệ:
Không nên làm mà làm,
Nên làm mà không làm,
Lửa hối hận thiêu cháy,
Đời sau đọa ác đạo.
Nếu phạm tội nên hối,
Hối rồi chớ lo phiền,
Như thế tâm an vui,
Không nên thường nhớ mãi.
Đời này ai cũng có lỗi hết, nếu mình đã sám hối rồi thì không nhớ lại nữa, nếu nhớ lại thì tự làm che lấp tự tánh Bát Nhã của chính mình.
Lục Tổ dạy: “Sám là sám những lỗi về trước, từ trước có những nghiệp ác ngu mê, kiêu cuốn, tật đố, các tội thảy đều sám hết, hằng không khởi lại, gọi đó là sám. Hối là hối những lỗi về sau, từ đây về sau, có những nghiệp ác ngu mê, kiêu cuốn, tật đố, các tội nay đã giác ngộ thảy đều hằng đoạn, lại không có tạo nữa. Đã sám hối rồi không nghĩ trở lại nữa”.
Trong Chỉ nghiệp lục có ghi: Trên hội Linh Sơn có 500 Tỳ kheo đắc định tứ thiền, đủ năm thần thông mà chưa đắc con mắt pháp. Mỗi vị dùng thần thông túc mạng đều tự thấy trong đời quá khứ đã từng giết cha, giết mẹ, phạm những tội nặng cho nên chưa đắc được pháp nhãn. Do đó, mỗi người trong tâm tự trạo hối thành ra đối với pháp môn thâm sâu chẳng có thể chứng nhập được. Lúc bấy giờ Bồ Tát Văn Thù nương oai thần lực của Phật, tay cầm kiếm bén đến bức bách Như Lai. Phật nói: “Ngưng, ngưng, chớ nên hại ta mà tạo tội ngũ nghịch, nhưng nhất quyết muốn hại ta thì phải khéo hại cái ngã chấp của ta. Văn Thù Sư Lợi, người từ xưa nay chẳng có ngã, nhân, chỉ vì nội tâm thấy có ngã, nhân. Khi nội tâm chẳng khởi thì ngã, nhân ắt phải diệt, tức gọi là hại ngã chấp của ta”. Do đó 500 Tỳ kheo tự ngộ bản tâm như mộng, như huyễn. Ở trong mộng, huyễn chẳng có ngã, chẳng có nhân, cho đến năng sanh sở sanh, cha mẹ đều như mộng huyễn, chẳng có ngã, chẳng có nhân, chứng được pháp nhãn. 500 vị Tỳ kheo liền dùng kệ tán thán:
Văn Thù bậc đại trí
Thấu đạt nguồn đáy pháp
Tự tay cầm kiếm bén
Bức bách thân Như Lai
Kiếm vậy, Phật cũng vậy
Một tướng chẳng có hai
Vô tướng, vô sở sanh
Đâu thể nói giết hại
Ngã nhân đã không có
Thì còn ai tạo tội?
Sở dĩ có ta có người, có chủ có khách, có năng có sở là do mình khởi niệm, nhưng cái gì thấy được ngã nhân, cái gì thấy được thế giới này, cái gì thấy được từng niệm này? Sống với cái biết đó thì ngã nhân hết, chủ khách tan, các pháp như mộng huyễn không có thật.
5. XẢ NGHI NGỜ
Do nghi ngờ che đậy tâm, đối với trong chánh pháp chẳng có lòng tin, vì lòng tin không có nên ở trong Phật pháp chẳng được lợi ích gì cả, ví như người vào núi đầy của báu, vì không có tay nên chẳng lấy được. Tâm nghi ngăn chướng thiền định gồm có ba:
a. Nghi mình: Như có người nghĩ rằng ta là kẻ ngu, tội chướng nặng nề không như các bậc thánh. Tự khởi nghi như thế thì thiền định không thể phát sinh. Hành giả muốn tu thiền định chớ có khinh mình, vì căn lành đời trước đâu có thể lường được.
Mình cứ nghĩ chỉ có Hòa thượng Trúc Lâm, Hòa thượng Thường Chiếu hay Thầy Trụ trì Trúc Lâm tu mới được, còn mình chắc tu không được, thôi bố thí cúng dường gieo duyên đời sau tu tiếp. Còn một số người nữ thì chỉ muốn tu để kiếp sau làm thân nam là đủ. Như vậy là còn nghi mình, mà nghi mình thì chánh định không phát khởi.
Tổ Quy Sơn dạy: “Kia trượng phu, ta cũng trượng phu, chẳng tự khinh mình mà thối chuyển. Nếu không như thế thì ở cửa thiền lê lết một đời không có điều lợi ích”.
Nhiều khi mình tự khinh mình, nói mình tội chướng nặng, tu không được. Chuyện kể có một ông Thầy tu trong núi, tụng một bài kinh chú trong gần 30 năm mà vẫn không có kết quả. Một hôm, chú thị giả sa di đọc câu chú trong đó thì có 4 vị hộ pháp hiện ra. Sở dĩ như vậy là do chú sa di này đã tu 500 kiếp rồi trở lại. Sao mình biết được ngày xưa mình không có căn duyên? Nếu quý vị chịu khó tu tập một thời gian, chứng nghiệm được mới hay ra mình có căn duyên tu theo con đường thiền đốn ngộ này. Nếu không có lòng tin thì không bao giờ mình nghe được pháp này.
Trong Ngũ đăng hội nguyên có ghi, một hôm Thiền sư Tử Hồ ở trong phòng kêu to: “Bắt được trộm, bắt được trộm”. Trong lúc đêm tối mù mịt, có một ông tăng chạy tới. Sư chụp vào ngực kêu to: “Bắt được rồi, bắt được rồi”. Ông Tăng thưa: “Bạch Hòa thượng, chẳng phải. Là con chứ chẳng phải trộm”. Thiền sư bảo: “Phải thì phải, chỉ chẳng chịu thừa nhận”. Ngay giờ phút đó, nếu nhận mình là đúng, là đủ rồi. Còn đây không dám nhận, không dám tin.
Hòa thượng Trúc Lâm dạy: “Thiền dạy người tu một cách thực tế tìm lại bản lai diện mục của chính mình. Bởi quá thực tế nên người ta không hiểu nổi. Con người là hướng ngoại, con người là cầu xin, con người là ỷ lại. Thiền đập tan ba tánh ươn hèn ấy, ba tánh đã chôn vùi chúng ta từ vô lượng kiếp, là chủ nhân của chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải khôi phục lại quyền năng của ông chủ bản hữu nơi chính mình, đó là chúng ta tu thiền”.
Chúng ta tu phải có đại tín căn, phát nguyện lực lớn để tu, dù cho đời này chưa xong, đời sau tu tiếp, đời sau chưa xong, tiếp tục nữa. Vì trong ý niệm không chứa đựng không gian, thời gian 1 kiếp, 2 kiếp hay 3 kiếp, nói kiếp này kiếp kia là trên bình diện vọng tưởng, vô niệm không có cái đó. Trong Kinh Pháp Hoa, Ngài Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất sau khi được Phật thọ ký, các Ngài rất vui vì biết chắc sẽ thành Phật. Tin chắc được như thế, chúng ta không còn sợ.
Trong Thiền sư Trung Hoa tập 1 có ghi, Sa di Cao đến chỗ Thiền sư Dược Sơn.
Thiền sư hỏi:
– Ta nghe Trường An rất là náo loạn, ông có biết chăng?
Sa di Cao nói:
– Nước con an ổn.
Thiền sư hỏi:
– Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?
Sa di Cao:
– Chẳng do xem kinh, cũng chẳng do thưa hỏi.
Thiền sư lại hỏi:
– Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, sao chẳng được?
Sư đáp:
– Chẳng nói họ không được, chỉ vì không dám nhận.
Cho nên cần phải tin chắc tâm mình có Phật, đó là đại tín căn. Trong tâm có Phật nên không sợ cát đá trùng trùng, không sợ sương mù giăng lối, bởi vì tâm của ta và người dung thông, tánh của ta và tánh của người hợp nhất.
b. Nghi Thầy: Nghi Thầy tướng mạo và oai nghi như thế, bản thân ông Thầy không có đạo đức làm sao dạy mình được. Khởi nghi mạn như thế tức là chướng ngại thiền định. Muốn trừ được bệnh này, như trong các luận Ma-ha-diễn dạy: “Ví như trong đãy da thúi mà có đựng vàng, vì ham vàng ta không thể bỏ cái đãy thúi. Người tu cũng như thế, thầy tuy chưa hoàn toàn thanh tịnh, vẫn tưởng như Phật”.
Trong Kinh Đại Tập, Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đời này và đời vị lai phải nên tin sâu Phật, Pháp, Tăng. Những chúng sanh đó thường được hưởng quả tốt đẹp trong cõi trời, người, sẽ sớm được vào thành vô ý, chứng nhập được Niết Bàn”.
“Nếu có chúng sanh nào vì ta xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa mà không giữ giới cấm, những người đó đều đã được ấn chứng bằng con ấn Niết Bàn. Nếu có người quấy rối, mắng chửi, chê bai hoặc dùng tay, dao đánh đập, trói chặt các người xuất gia không giữ giới thì đó là kẻ hủy hoại pháp thân và báo thân của chư Phật ba đời, là kẻ chọc vào mắt của tất cả trời người, muốn phá hoại chánh pháp của chư Phật và làm hủy diệt hạt giống Tam Bảo, khiến trời và người không còn hưởng lợi ích, giúp ba đường ác lớn mạnh khắp nơi. Do đó kẻ ấy đọa địa ngục”.
Chỗ này, quý vị phải cẩn thận. Nếu như phát hiện một ông thầy nào đó không giữ giới, tu hành không thanh tịnh, mình im lặng, không đến gặp vị đó nữa là được, còn nếu mình rao nói lỗi của ông thầy đó thì vô tình làm cho nhiều người bị mất niềm tin với Tam Bảo, làm phá kiến người, khiến cho họ không tu nữa mà đọa vào ba đường ác đạo.
Bấy giờ vua Đại Phạm Vương hỏi Phật: “Nếu có người theo Phật cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa mà không thọ giới cấm, hoặc thọ giới vi phạm, bị vua dòng Sát đế lợi quấy rối mắng chửi, đánh đập bắt trói thì vị vua ấy bị tội thế nào?”.
Phật bảo: “Này Đại Phạm Vương, nay ta sẽ nói sơ qua cho ông nghe. Nếu có người làm cho thân vạn ức Phật chảy máu, người ấy bị tội có nhiều không?”
Đại Phạm Vương nói: “Nếu chỉ làm một thân Phật chảy máu thì cũng mắc vô lượng tội vô gián, không thể tính được, sẽ đọa đại địa ngục A Tỳ, huống gì kẻ làm thân vạn ức Đức Phật chảy máu. Trừ Đức Thế Tôn ra, không ai nói hết được quả báo của nghiệp tội này”.
Phật dạy: “Này Đại Phạm Vương, nếu có người quấy rối, mắng chửi, đánh đập người đã vì ta mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa không thọ giới cấm hoặc thọ giới rồi vi phạm, kẻ ấy bị mắc tội còn nhiều hơn kẻ kia. Vì cớ sao? Vì người xuất gia ấy còn có thể chỉ dạy con đường Niết Bàn cho trời và người. Người ấy đã ở trong lòng Tam Bảo, trong hàng Tam tôn nên lòng kính tin sâu chắc hơn tất cả 95 phái ngoại đạo. Người ấy chắc hẳn vào Niết Bàn hơn tất cả mọi người tại gia, trừ người tại gia chứng được pháp nhẫn nhục. Vì thế, trời và người phải nên cúng dường người ấy, huống gì người thường giữ giới cấm, ba nghiệp phù hợp với chánh pháp. Tất cả các quốc vương, các quan đại thần và thần dân, nếu thấy người xuất gia theo giáo pháp của ta mà phạm tội nặng như sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói dối thì trục xuất ra khỏi nước, chớ nên đánh đập”.
Bấy giờ Đức Phật nói bài kệ:
Hoa kim bặt tuy héo
Vẫn quý hơn hoa khác
Các Tỳ kheo phá giới
Còn tốt hơn ngoại đạo.
Cạo đầu mặc cà sa
Giữ giới và phá giới
Trời người nên cúng dường
Thường giúp không thiếu thốn
Cúng dường người như vậy
Chính là cúng dường ta.
Nếu vì cung kính pháp
Nên cạo đầu quy y
Thân đắp y cà sa
Ấy chính là con ta
Giả sử phá giới cấm
Vẫn trụ địa bất thối
Nếu ai đánh đập người
Tức là đánh đập ta
Nếu ai chửi mắng người
Tức là chửi mắng ta.
Tâm người kia muốn hủy
Ngọn đèn lớn chánh pháp
Đánh nhau giành của cải
Vua chúa cùng nổi giận.
c. Nghi Pháp: Người đời phần nhiều hay chấp tâm mình suy nghĩ đúng nên sau khi thọ nhận giáo pháp không thể tức thời tin tưởng, khởi tâm cung kính lãnh thọ thực hành. Nếu tâm do dự thì diệu pháp không thể lãnh hội. Vì cớ sao? Vì nghi làm chướng ngại, như trong bài kệ nói:
Như người trước ngã ba,
Nghi ngờ không biết lối,
Trong các pháp thật tướng,
Nghi cũng lại như vậy.
Tin chắc, thọ nhận pháp rồi tu, đi thẳng con đường này thì thành tựu.
Trong Kinh Tương Ưng bộ có con quỷ Dạ xoa tên là La pha thi kha đến hỏi Phật: “Cái gì đối với người là tài sản tối thượng? Cái gì khéo hành trì đem lại chơn an ổn? cái gì giữa các vị là vị ngọt tối thượng? phải sống như thế nào được gọi là sống tối thượng?”
Phật đáp: “Lòng tin đối với người là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì đem lại chơn an ổn. Chân lý giữa các vị là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ được gọi là sống tối thượng”.
Tin mình, tin Thầy, tin pháp chính là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì đem lại sự an ổn, sự hạnh phúc lâu dài. Chân lý từ ngàn xưa ba thời đều đúng, không phải do Đức Phật phát minh ra, dù Phật chưa ra đời thì các chân lý vẫn vậy, sau khi Phật nhập Niết bàn chân lý cũng là như vậy. Đạo Phật rất trí tuệ, trả lại sự tự do cho mỗi chúng ta, tùy chúng ta tự quyết định trên con đường cầu đạo giác ngộ giải thoát. Muốn trở về với chủ nhân ông của chính mình, chúng ta phải tu thiền để thấy được bản chất thật sự của các pháp.