Nhẫn Là Chánh Hạnh Thành Phật
Giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
I. DẪN NHẬP
Trong cuộc sống, ai cũng muốn được bình an và hạnh phúc. Nhưng đó là quả. Muốn có quả đó, chúng ta phải tạo nhân. Vậy nhân đó là nhân gì? Quý vị thấy trong cuộc sống này, cái gì đem đến khổ đau cho mình, gia đình và xã hội? Chính là sân hận. Sở dĩ chúng ta không được bình ổn, hạnh phúc mà gặp phải tai nạn, hoàn cảnh khốn khổ là bởi vì mình nhẫn không được. Trong nhà Phật, muốn được bình an, muốn được hạnh phúc, chúng ta không cầu xin bất kỳ một vị Thượng đế, thần linh nào, kể cả Đức Phật mà chính bản thân mình phải thực tập hàng ngày. Muốn được thành Phật, thành Tổ, muốn được an ổn, hạnh phúc thì nhân tố ban đầu là tất cả chúng ta phải NHẪN, kể cả người tu cũng vậy. Vì vậy ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị đề tài: “Nhẫn là chánh hạnh thành Phật”.
II. NHẪN LÀ CHÁNH HẠNH THÀNH PHẬT
Tại sao trong cuộc sống giữa đời thường này chúng ta rất khó nhẫn nhịn được? Là vì mình muốn ai cũng phải làm theo ý mình, nếu khác đi là mình chịu không được. Trong Thiền thoại có kể rằng: Ở một vùng nọ có một người làm tướng cướp. Ông đóng một chiếc giường dài 1,5m. Ông bắt được ai đều cho nằm lên giường, nếu người nào dài hơn cái giường thì ông chặt hai chân cho bằng đúng 1,5m, còn nếu người nào ngắn hơn thì ông kéo cho dài ra đủ 1,5m. Như vậy người này sống hay chết? Rõ ràng là chết rồi. Tên tướng cướp này nhất quyết muốn ai cũng phải vừa với chiếc giường theo ý của mình, không được ngắn hơn, cũng không được dài hơn. Nhiều khi, trong cuộc sống chúng ta cũng giống như tên cướp này, muốn ai cũng phải như ý mình.
Nhưng có những lúc mọi việc không theo ý mình mà bắt buộc phải nhẫn thì chúng ta lại nhẫn theo kiểu bị đè nén, ức chế. Ông Nguyễn Công Trứ có làm một bài thơ như sau:
Ăn ở sao cho trải sự đời
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi
Nghe như chọc ruột, tai làm điếc
Giận dẫu căm gan, miệng mỉm cười.
Cái nhẫn như vậy không phải là cái nhẫn đúng pháp. Trong nhà Phật, nhẫn là bao dung, tha thứ, mở lòng từ bi thương cho đối tượng do không hiểu về các pháp, về con người và cuộc sống nên mới nổi sân chửi mình. Đó mới là nhẫn đúng pháp.
Ngày xưa quý vị chưa biết đến Phật pháp, chưa tu tập để chuyển hóa thì ai nói gì đụng chạm đến mình là mình nổi giận liền. Còn giờ biết tu, hiểu Phật pháp rồi thì khi có ai chửi mắng mình, nói mình là con chó thì mình có thành con chó thật không? Người ta nói mình là chó mà mình không thành chó thì thôi, cho nên mình không chấp, không giận.
Trong Kinh, Đức Phật ví dụ một nắm muối cho vào một ly nước thì không uống được vì cái ly quá nhỏ, không chứa nhiều nước nên thả nắm muối vào thì rất mặn. Còn nếu lấy nắm muối bỏ xuống dòng sông thì lại uống được bởi dòng sông thì quá lớn, nắm muối trở nên nhỏ, không đủ mặn. Cũng vậy, khi mình chưa biết tu hay mới tu, tâm mình còn nhỏ giống như cái ly nước, nắm muối giống như một người đem lời ác đến chửi mình nên mình không dung chứa được. Tu một thời gian, tâm mình mở rộng ra giống như dòng sông, có thể dung chứa được nắm muối này. Cho nên muốn được an ổn, hạnh phúc, chúng ta phải mở rộng tâm ra đón nhận hết tất cả.
Quý vị thấy, một lời nói sân hận, nếu chúng ta không biết cách kiểm soát để chuyển hóa thì sẽ gây ra những tác hại khó lường đến những người xung quanh. Có một câu chuyện về một chú bé rất hay nổi sân, ai nói gì cũng dễ giận. Một hôm, người cha mới gọi con lại và dạy rằng: “Khi nào con nổi giận, nói nặng đến người khác thì con hãy lấy một cây đinh đóng vào gốc cây” Một thời gian sau, chú bé ý thức được và tâm dần dần được bình ổn. Người cha lại dạy tiếp: “Khi nào con không còn nổi sân nữa, nói những lời dễ thương với người khác thì con hãy nhổ một cây đinh con đã đóng ra khỏi gốc cây”. Cuối cùng chú bé cũng nhổ hết được tất cả các cây đinh trên cây. Nhưng ngày xưa gốc cây bằng phẳng, giờ dù đã nhổ hết đinh ra nhưng vẫn còn lại những vết sẹo sần sùi rất khó coi. Lúc này người cha mới nói rằng: “Tuy con nổi nóng, chửi người ta, sau đó con nhận lỗi, xin sám hối, nhưng nó vẫn còn những vết thẹo, những vết đau thương trong lòng người khác”
III. SỰ TÁC HẠI CỦA LÒNG SÂN HẬN
Nhiều khi chúng ta cứ tưởng lòng sân hận đơn giản, không có gì nhưng qua câu chuyện trên cũng đủ thấy lòng sân hận có rất nhiều tác hại.
Vào thời vua Lương Võ Đế, có Hòa thượng Chí Công tu hành rất đắc lực, đã chứng thần thông. Một hôm Ngài cùng vua Lương Võ Đế đi trên một đoạn trường thành, thấy tuyết rơi dày đặc. Nhưng ở phía xa có một ngọn núi mặc dù trời rất lạnh nhưng lại không hề có tuyết phủ. Vua rất tò mò bèn hỏi Hòa thượng Chí Công. Hòa thượng trả lời: “Với cặp mắt của bệ hạ thì không thấy được, còn theo tôi thấy thì trong ngọn núi này có một người tu thiền định. Khi ông ngồi thiền, năng lượng thiền định của ông tỏa ra sức nóng nên tuyết không phủ xuống được”. Vua Lương Võ Đế nói: “Vậy người này chắc chắn đã chứng quả rồi”. Hòa thượng trả lời: “Tuy có năng lực vậy, nhưng lòng sân ông vẫn còn”. Vua bèn cho vời vị tăng này về triều để thử. Ngày thứ nhất, vua đãi những vị hòa thượng khác mâm cao cỗ đầy, còn riêng ông chỉ bày ra một chén nước tương và một quả cà thối. Vị Tăng Suy Hải vẫn ráng nuốt giận. Ngày thứ hai, vua mời tất cả các vị cao tăng trong nước đến dự buổi trai tăng và tặng mỗi người một xấp vải quý. Riêng vị Tăng Suy Hải nhận được một xấp vải mục nát. Vua nói rằng: “Những người khác được xấp vải quý là vì họ tu hành thanh tịnh, còn Thầy tu hành không ra gì hết nên chỉ được xấp vải mục nát này thôi”. Vừa nghe xong, Thiền sư Suy Hải giận quá không chịu nổi, phun ra máu mà chết. Vua Lương Võ Đế thấy vậy rất đỗi sợ hãi vì làm cho một người tu chết, nhưng Hòa thượng Chí Công trấn an vua, nói rằng vị tăng này nhờ năng lực tu thiền, còn một chút công đức nên thần thức đã tái sinh vào một con chim non, trên mình có hai chữ Suy Hải, giờ vua có thể sai người lên ổ chim bắt về. Quả tình sau đó bắt được chim non trên mình có hai chữ Suy Hải. Hòa thượng Chí Công sau khi chú nguyện, đập con chim xuống đất chết. Sau khi chết, thần thức con chim nhập lại vào xác vị Tăng Suy Hải. Sau đó Hòa thượng Trí Công mới khai thị: “Trong các pháp môn, pháp môn thiền định là tối thượng, vi diệu, nhưng nếu không chuyển hóa lòng sân hận này thì khi chết sẽ bị đi bậy”.
Trong Kinh Bách Duyên, vua A Kỳ Đạt lúc sống bố thí, cúng dường rất nhiều. Sau khi ông chết, một hôm có một thầy Tỳ kheo vào rừng gặp một con rắn ngóc đầu dậy. Do đã chứng được lục thông, có thể nghe được tiếng tất cả các loài thú, nên Thầy Tỳ kheo nghe được tiếng con rắn hỏi: “Thầy có biết tôi là ai không? Tôi chính là vua A Kỳ Đạt”. Vị Tỳ kheo này rất đỗi ngạc nhiên vì biết vua A Kỳ Đạt lúc sống bố thí, cúng dường rất nhiều, tại sao lại đầu thai vào làm con rắn. Vua A Kỳ Đạt kể khi vua bệnh nặng sắp mất, người hầu đang đứng quạt bên giường đã lỡ tay làm rớt cây quạt lên mặt vua. Vua nổi sân mà chết nên đầu thai thành con rắn.
Quý vị thấy lòng sân hận rất dễ sợ. Giận lên mình chết là đọa thành rắn, thành quỷ liền. Cho nên tất cả chúng ta, dù người mới biết tu hay đã biết tu cũng đều phải cố gắng làm sao để giữ tâm mình cho bình ổn.
Quý vị để ý, khi mình nổi sân lên, nếu có cái gương lấy ra soi thì sẽ thấy mặt mình xấu xí giống như ác quỷ vậy, nhìn mặt mình lúc đó quý vị sẽ không dám sân nữa. Có người muốn kiếp sau sinh ra đẹp đẽ nên mua hoa cúng dường Phật, nhưng như thế cũng chưa đủ. Muốn kiếp sau đẹp đẽ, ai cũng dễ nhìn dễ mến thì đừng có sân hận.
Trong Thiền thoại có ghi lại rằng, có một cư sĩ đến gặp Thiền sư Bàng Khuê thưa rằng:
– Bạch Thầy, con rất hay sân hận, ai nói động một tiếng con chịu không được. Xin nhờ Thầy chỉ dùm.
Thiền sư nói rằng:
– Ông nói hay sân, vậy hãy đem cái sân ra đây ta giải quyết dùm cho.
Vị cư sĩ nói:
– Thưa Thầy, ngay lúc này con không sân, chỉ khi nào gặp chuyện thì mới có.
Ngay lúc gặp Hòa thượng thì không có, sau gặp chuyện mới có, vậy cái sân này có thật hay không? Không thật. Nếu cái sân là mình thì sáng sân, trưa sân, chiều sân, tối sân… lúc nào cũng nổi sân hết. Còn đây, mình lúc có lúc không, ai nói gì làm mình xúc não, mình chịu không nổi liền sân, còn ai nói chuyện gì vui vui, mình hết sân. Như vậy cái sân này không thật, vô thường đắp đổi sanh diệt, là cái bên ngoài đưa vào, không phải là mình nên chúng ta tu sẽ chuyển hóa được. Nếu nó thực là mình thì ngàn đời ngàn kiếp tu cũng không chuyển hóa được.
Lúc này Thiền sư mới nói rằng: “Cha mẹ ông sanh ra thì chỉ có tâm Phật thôi.”
Có nghĩa là cha mẹ ta sinh ra ta chỉ có tâm Phật, tức là tâm từ bi, thương người, bao dung, tha thứ; còn tâm sân hận là do hoàn cảnh, do môi trường và do con người chứ không phải chính bản thân mình.
Nghe xong vị cư sĩ này liền ngộ.
Đức Phật cũng từng nói “Tất cả chúng sanh đều là Phật”. Chúng ta có dám tin mình là Phật không? Nhưng khi có người nói mình là chó, là bò thì mình đỏ mặt lên, vậy mình tin người phàm hơn hay tin Phật hơn?
Ngày nay, khoa học đã chứng minh khi chúng ta nổi sân thì trong người tiết ra độc tố. Có một người phụ nữ cãi nhau rất kịch liệt với chồng, cãi xong bèn cho đứa con một tuổi bú. Vừa bú xong thì đứa bé tím ngắt và chết khi trên đường đưa đến bệnh viện. Bác sĩ nghi rằng người mẹ ăn uống gì độc hại, nhưng khi tìm hiểu thì thức ăn hoàn toàn bình thường, sau phát hiện ra rằng bà mẹ vừa cãi nhau với ông chồng nên còn rất tức giận. Khi cho con bú thì chất độc tiết ra từ sự sân hận khiến đứa trẻ bị chết.
Một thí dụ khác, theo một thí nghiệm tiến hành tại Mỹ, khi một người khi nổi sân lên, họ dùng kim tiêm rút ra một ít máu, chỉ sau vài sát na, ống tiêm chuyển sang màu tím sẫm. Sau đó họ tiêm chỗ máu bầm này vào chuột thí nghiệm thì con chuột bị chết.
Bên Tây Tạng có người có thần nhãn thấy được một người đang sân hận giống như một cây lửa bị đốt cháy ngùn ngụt.
Qua đây quý vị có thể thấy được những tác hại khôn lường của lòng sân hận.
IV. CÔNG ĐỨC CỦA TÂM NHẪN
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có ba loại sức mạnh có mặt ở trên đời. Thế nào là ba? Một, sức mạnh của phụ nữ là sắc đẹp. Hai, sức mạnh của trẻ con là tiếng khóc. Ba, sức mạnh của người tu đạo là đức nhẫn”. Nhẫn được chính là sức mạnh, chứ không có gì khác. Nhu thắng cương, nhược thắng cường.
Thiền sư Khuê Phong khai thị: “Thứ nhất, nếu ai nói gì mà chịu không được, nổi sân lên thì đó là phàm phu. Thứ hai, tham sân mà bất động thì là bậc thánh. Còn bậc thứ ba, cũng còn nổi sân nhưng biết dừng và chuyển hóa được, đó là người tu”.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ có ghi: “Có ba hạng nhẫn. Bậc hạ là nhẫn người trên mình. Bậc trung là nhẫn người ngang mình. Bậc thượng là nhẫn người dưới mình”.
Chẳng hạn ở trong công sở, nếu bị cấp trên nói nặng lời, chúng ta có dám nổi sân không? Không dám, vì nếu nổi sân thì có thể bị đuổi việc nên cố nhẫn. Nhẫn như vậy cũng được nhưng là bậc hạ. Bậc trung là nhẫn với người ngang mình như bạn bè, chồng vợ. Còn khi ở vị trí cao như giám đốc hay chủ tịch, bị người dưới nói mà mình biết Phật pháp, có tu, buông xả không giận, còn khởi lòng thương thì đó là nhẫn của bậc thượng.
Trong Kinh A Hàm: Tại thành Xá Vệ, có một bà chủ Ka Si nổi tiếng là hiền lành, dễ thương, không bao giờ nổi sân, dù ai chửi ai mắng cũng cười. Có một cô tớ gái tên là A Su không tin, muốn thử bà. Theo luật thời bấy giờ, cô tớ gái phải dạy lúc 4 giờ sáng, nhưng cô 5 giờ mới dậy, bà chủ không nói gì, chỉ hơi nhăn mặt. Ngày hôm sau, cô ngủ đến 6 giờ, bà chủ nhướn mày. Ngày thứ ba, 7 giờ cô mới dậy, bà chủ nói lần sau con phải dậy cho sớm. Ngày thứ tư, cô ngủ đến 8 giờ, bà chủ Ka Si, vốn nổi tiếng hiền lành, dễ thương, không nói gì, đi ra phía sau nhà lấy thanh củi, đập vào đầu cô tớ gái khiến chảy máu đầu.
Có nghĩa là bình thường, người ta làm gì mình cũng nhẫn nhục được, nhưng có những trường hợp, sự việc đến với mình liên tục khiến mình không thể nhẫn được. Cho nên việc nhẫn nhục không phải là chuyện đơn thuần, kể cả đối với người tu như chúng tôi cũng như quý vị. Chính vì khó như thế nên trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy “Nhẫn là cái đức mà trì giới, khổ hạnh không thể bì kịp. Người hay thực hành đức nhẫn mới có thể là người có sức mạnh to lớn”. Có nghĩa là trì giới, bố thí, cúng dường, khổ hạnh cũng không bằng. Cho dù đời này quý vị bố thí, cúng dường rất nhiều mà hay sân thì kiếp sau cũng thành mãng xà, thành các loài cầm thú. Cho dù quý vị trì giới, tu khổ hạnh mà không nhẫn thì thành thần Atula. Cho nên công đức của nhẫn rất lớn.
Tôn giả Tịch Thiên dạy: “Công đức làm các điều lành như cung kính Như Lai cùng hạnh bố thí suốt trăm ngàn kiếp sẽ bị thiêu đốt chỉ do một niệm sân. Khi sân hận phát khởi, nó có khả năng hủy hoại công đức và tâm an lạc của mình”. Ví như một khu rừng quý vị trồng, tỉa nâng niu, chăm sóc cả tám, chín chục năm nhưng chỉ cần một đốm lửa là cháy sạch hết.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy:
Nhất niệm tâm sanh khởi
Bá vạn chướng môn khai.
Nghĩa là chỉ cần một niệm sân khởi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng mở ra đón mình. Thử nghiệm lại trong xã hội, có người đang sống an ổn nhưng bị người khác nói lời ác khiến cho tâm sân nổi lên, không còn tỉnh táo nữa nên giết người, do đó bị ở tù hoặc bị đày đọa. Đến khi vào tù rồi, ngẫm nghĩ lại mới thấy phải chi mình nhẫn một chút thì tốt biết mấy. Tất cả là do tâm sân hận nổi lên mà không chuyển hóa được.
Trong Kinh A Hàm, có một vị Phạm Chí biết Phật không bao giờ giết hại chúng sanh, mới hỏi Phật:
Thưa Sa môn Gotama,
Giết gì được an ổn?
Giết gì được an vui?
Giết gì tâm không hối?
Gì là gốc các độc?
Gì là gốc khổ đau?.
Đức Phật dạy rằng:
Giết sân được an ổn
Giết sân được an vui
Giết sân tâm không hối
Sân là gốc độc hại
Sân là gốc khổ đau.
Khi một niệm sân hận nổi lên, quý vị nhìn thẳng vào bản chất của nó, nhìn một hồi nó hết, đó là chúng ta được an ổn. Đó gọi là giết sân.
Nếu không biết Phật pháp, không chuyển hóa được lòng sân hận thì có thể làm những chuyện nguy hiểm đến tính mạng người khác. Còn khi đã biết tu rồi, chúng ta phải ráng chuyển hóa nội tâm. Vậy chuyển hóa như thế nào? Theo tục lệ ở Ấn Độ, khi người chồng nổi sân lên, người vợ múc một thau nước ấm rửa chân cho chồng để hạ hỏa. Còn đối với nhà Thiền thì chúng ta hít thật sâu, thở thật nhẹ, hoặc nếu không thì tránh duyên, tránh gặp đối tượng khiến mình sân.
Phật pháp rất vi diệu, biết được Phật pháp, chuyển hóa được nội tâm rồi thì thấy cuộc sống không có gì là khó khăn. Bởi cuộc sống là vô thường, ảo mộng. Biết rõ vậy rồi thì mình sống sao cho hạnh phúc, an vui, để kiếp sau còn gặp lại chứ đâu phải cuộc đời này là hết.
Trong Kinh A Hàm, có một ni cô nước Kosala gặp một vị Bà la môn tu khổ hạnh. Ông dùng năm loại lửa nướng thân mình, đầu tóc khô dòn, môi miệng nứt nẻ, người đời gọi ông là La Hạt chích, tức cây vải bông nướng. Cô nói:
– Cái đáng thiêu ông không thiêu nó, lại lầm lẫn đi thiêu cái không đáng thiêu. Sao mà ông si mê quá vậy?
Giận quá, vị Bà la môn nói:
– Đồ con lừa! Ngươi nói cái gì là cái đáng thiêu?
Vị ni cô nói:
– Cái đáng thiêu ông chính là tâm nóng giận của ông. Nếu ông thiêu cháy được cái tâm đó thì mới là thiêu thực sự, giống như xe không đi thì đánh trâu, ai lại đánh xe? Cũng vậy, phải đánh thức cái tâm kia, thiêu cháy tan cái tâm đó thì thân hết bị dày vò đau khổ.
Kinh La Vân Nhẫn Nhục, Phật dạy: “Nhẫn là ánh sáng vượt hơn cả mặt trời, mặt trăng. Sức của rồng voi có thể nói là rất mạnh song đem so với sức nhẫn thì muôn vạn phần chẳng bằng một. Bảy báu chói ngời, người đời cho là quý nhưng nó đem lại sự lo lắng, bất an và có thể đưa tới tai họa. Còn nhẫn là của báu trước sau đều được an ổn. Bố thí cho khắp cả mười phương tuy có phước to song phước không bằng nhẫn. Thực hành từ nhẫn đời đời không gây oán, trong lòng điềm nhiên, không bao giờ có độc hại”
Một người có đức nhẫn, tâm nhẫn thì sống rất an ổn, hạnh phúc, khuôn mặt vui tươi hơn cả mặt trời, mặt trăng. Còn dù có giàu có đến đâu mà nhiều sân hận thì cũng không được an ổn, hạnh phúc.
Nói vậy nhưng nhẫn hoàn toàn không phải là chuyện đơn thuần, nên Tổ Tuyên Luật Sư dạy: “Nhẫn phải là người có đại lực lượng mới có thể hàng phục tâm này. Nếu lực lượng yếu kém liền bị trôi vào nước La Sát. Nếu lấy việc nhỏ mà lại chấp chặt tranh luận, thì việc nhỏ cũng biến thành to. Nếu việc lớn có thể nhẫn được, thì việc lớn cũng thành nhỏ”.
Có câu chuyện rằng, hai vợ chồng kia vốn rất yêu thương nhau. Một hôm đang ăn cơm, bỗng có con chuột chạy ngang qua. Người chồng nói, con chuột chạy trên bàn thờ. Nhưng người vợ lại khẳng định con chuột dưới gầm giường. Từ chuyện nhỏ xíu này, hai người cãi qua cãi lại, rồi giận nhau không nói câu gì trong suốt bảy ngày. Cuối cùng ông chồng chủ động làm lành trước: “Thôi thì con chuột chạy trên bàn thờ hay con chuột chạy dưới gầm giường không thành vấn đề. Bỏ qua đi.” Đáng lẽ có thể dừng tại đó, nhưng bà vợ lại nói: “Ông thật là đui mù. Rõ ràng là con chuột chạy dưới gầm giường”. Hai vợ chồng lại tiếp tục giận nhau. Quý vị thấy ngay đó buông được rồi, nhưng bà vợ vẫn không chịu, thì rõ ràng là chuyện nhỏ biến thành to. Chuyện này cũng thường xảy ra trong cuộc sống gia đình. Muốn an ổn, hạnh phúc, không phải làm gì nhiều, chỉ cần nhẫn một chút là được. Phật pháp rất vi diệu, nhưng cũng rất thiết thực, không nằm đâu xa.
Hòa thượng Tinh Vân có kể lại rằng, ở Đài Loan, có hai gia đình sống kề bên nhau. Một nhà không bao giờ nghe thấy to tiếng, một nhà ngược lại cãi lộn nhau suốt ngày từ sáng đến tối. Một hôm, anh hàng xóm sang hỏi rằng: “Sao nhà anh sống đông người mà không bao giờ nghe tiếng cãi lộn? Anh hãy chỉ cho tôi phương pháp”. Người này đáp rằng: “Không có gì lạ hết. Chúng tôi luôn áp dụng câu “Anh đúng, tôi sai”. Chẳng hạn khi vỡ bình thủy, thay vì nói đấy là lỗi của anh thì chúng tôi nói đó là lỗi của tôi. Nói vậy thì không còn ai nỡ giận mình nữa.”
Tổ Tuyên Luật Sư dạy tiếp: “Nói việc lớn chẳng qua là bị người ta vu khống, chê bai. Song một chữ nhẫn nói thì rất dễ nhưng hành lại rất khó.”
Trong Thiền thoại kể lại có một vị tướng quốc ra trận đánh trăm trận trăm thắng. Khi đến tuổi về hưu ông đến xin Thiền sư Đại Huệ xuất gia, nói đã buông xả vợ con, tiền tài, của cải, địa vị, buông hết các thứ rồi. Thiền sư nói ông còn lửa sân nhiều, để từ từ mới cho xuất gia. Nhiều lần năn nỉ không được, một hôm ông dậy rất sớm, thắp hương lễ. Thiền sư Đại Huệ hỏi thì ông trả lời:
Vì trừ lửa trong tâm
Dậy sớm lễ sư trưởng.
Thiền sư Đại Huệ đáp:
Dậy sớm như thế ấy
Chẳng sợ vợ ngủ người?
Ông tướng quốc nghe vậy liền nổi sân: “Cái lão thối tha này! Ăn nói như thế sao?”
Lúc này Thiền sư mới nói:
Nhè nhẹ phẩy chiếc quạt
Tánh lửa đã cháy phừng
Tâm sân hận như thế
Làm sao buông xuống xong?
Một câu chuyện khác. Ông Tô Đông Pha rất giỏi về thiền. Một hôm ông làm một bài kệ tặng Thiền sư Phật Ấn:
Đảnh lễ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Tám gió thổi không động
Ngồi tòa sen vàng rực.
Thiền sư Phật Ấn đọc xong, điểm sau bài kệ: “Cục cứt khô”
Ông Tô Đông Pha nhận lại bài thơ có chữ của Thiền sư Phật Ấn liền nổi sân, quyết định chèo thuyền sang chỗ Thiền sư để hỏi cho ra nhẽ. Tới nơi, vừa cất lời hỏi thì Thiền sư Phật Ấn nói:
Tám gió thổi không động,
Cục cứt thổi qua sông.
Tóm kết lại, tôi xin kể một câu chuyện để cho quý vị thấy được rằng việc nhẫn nhục này là phải chuyển hóa chứ không phải đè nén.
Trong Thiền thoại ghi: có một vị pháp sư một ngày nọ được một người tín thí mời xuống nhà an vị Phật. Sau khi xong xuôi, người tín thí cúng dường pháp sư một ít tiền và ba cái bánh ít. Chú thị giả hiểu lầm tưởng chủ nhà cho mình, nên ăn hết luôn cả ba cái bánh. Vị pháp sư nổi giận nhưng trước mặt chủ nhà không nói gì. Trên đường trở về, chú thị giả đi đằng sau thầy, liền bị mắng: “Ta là tù binh sao mà ngươi đi sau ta vậy?”. Chú bèn đi ngang thầy, lại bị mắng: “Ta là bạn ngươi sao mà ngươi đi ngang hàng với ta?”. Chú thị giả đi lên phía trước thầy, được một đoạn lại bị mắng: “Ngươi là thầy ta hay sao mà lại đi trước ta?” Chú ta sợ quá, bạch thầy: “Con đi sau thầy cũng nói, đi ngang thầy cũng nói, đi trước thầy cũng nói, vậy con có điều gì không phải thầy cứ nói con.” Lúc này ông thầy mới nói: “Sau ta không thèm nói, ngang ta không thèm nói, trước ta cũng không thèm nói, ta chỉ hỏi ba cái bánh ít giờ đang ở đâu?”
Qua trên ta thấy lòng sân hận, nếu không chuyển hóa được thì nó sẽ nằm im lại mà không chết, không hết. Chỉ cần chúng ta thấy được bản chất của nhẫn hay bản chất của sân là vô thường, là không tự tánh thì chúng ta được an ổn, được an vui, hạnh phúc.
Trong Kinh Đại Tập Phật dạy:
Nhẫn được dung nhan đẹp.
Nhẫn hay đủ quyến thuộc.
Nhẫn chiêu quả báo tốt.
Nhẫn hay vào đường lành.
Nhẫn được người thích nhìn.
Nhẫn hay được tốt đẹp.
Nhẫn hay dứt các khổ.
Nhẫn được thọ lâu dài.
Tức là nếu chúng ta muốn được gương mặt đẹp, được đầy đủ quyến thuộc, được mọi người gần gũi, được các điều tốt đẹp, được an ổn, hạnh phúc, đi vào đường lành và tiến lên con đường Phật đạo thì chúng ta cần phải NHẪN. Và chính quý vị phải tự làm chứ không một ai, dù cho là Thượng đế, thần linh, hay ngay cả Đức Phật có thể ban cho quý vị điều đó.