Vui Với Hạnh Phúc Của Người Chính Là Hạnh Phúc Của Mình
Trong năm mươi mốt tâm hành, chúng ta chỉ có mười tâm hành thiện, điều quan trọng là phải tưới tẩm được những hạt giống hành thiện đó và một trong những phương pháp quan trọng là biết vui hạnh phúc của người như hạnh phúc của mình, bởi thế hàng ngày chúng ta phải phát nguyện:
Nguyện đời con mãi mãi
Thấy người khác thành công
Hoặc hạnh phúc gia đình
Như chính con làm được
Ngày xưa, vua Đế Thích mở tiệc, có mời hai mươi vị chư thiên và hai mươi loài ngã quỷ đến dự tiệc nhưng với yêu cầu khi ăn thức ăn không được co cánh tay vào, nếu không sẽ phạm luật trời.Trong khi các loài ngã quỷ than khóc kêu la vì không đưa được thức ăn vào miệng thì các vị chư thiên vẫn ăn uống vui vẻ. Không phải do các vị chư thiên dùng thần thông để đưa thức ăn vào miệng mà là vì chư thiên biết gắp thức ăn cho nhau; người này biết gắp cho người kia, điều ấy chứng tỏ chư thiên là những người đã biết hiến tặng niềm vui của mình cho người khác.
Do vậy, chúng ta cần nên sanh tâm tuỳ hỉ ngay cả với người thù địch với mình.
Bởi vì, thông thường, con người hay mong bảy điều sau đến với kẻ thù của mình: sắc thật xấu (tướng mạo xấu xí, hay gặp tai nạn, rủi ro), ngủ không được, lợi ích thường bị tụt giảm, bị phá sản, không có được danh vọng, không có được bạn bè, phải sống trong cô độc và cuối cùng là chết bị độ vào ba đường dữ. Nếu kẻ chúng ta ghét bị gặp phải những điều này thì ta vô cùng hả hê, thoả mãn.
Đặc biệt, nếu chúng ta thấy người khác cúng dường mà mình tuỳ hỉ vui theo thì phước đức của mình cũng y như người cúng dường vậy. Bởi mình đã bỏ được tâm tham lam, đố kỵ. Nếu thấy người cúng dường mà không sanh tâm tuỳ hỉ, ngược lại còn sinh tâm tật đố thì chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục.
Do đó, tâm tham lam tật đố là một thứ bệnh và chỉ có thể được chữa bằng tâm tuỳ hỉ. Làm thế nào để chuyển hoá tâm tuỳ hỉ vào cuộc sống? Các bạn hãy ứng dụng giáo lý Phật Đà để thực hành sinh tâm tùy hỷ và tự chữa bệnh cho chính mình. Bản chất Đạo Phật không huyền bí, cao siêu. Đạo Phật trả lại cho tuổi trẻ sự tự do do chính mình tự quyết định.
Theo Kinh: Vì khi sống do vì ích kỉ, vì sân tham nên khi chết Mẹ của ngài Mục Kiền Liên phải làm quỷ đói, ngài Mục Kiền Liên cũng không cứu được. Chỉ khi nhờ chư vị Tăng Ni đồng hồi hướng cho bà, khiến bà sinh tâm tuỳ hỉ thì lúc đó bà mới được sinh lên cõi trời.
Khoa học chứng minh rằng khi chúng ta vui theo hạnh phúc của người khác thì não bộ sẽ tiết ra một chất khiến cho người đó trong trạng thái vui vẻ suốt nhiều ngày liền, đó là một sự chuyển hoá tâm rất lớn.
Chúng ta cũng có thể từ bỏ được trong tâm những tà kiến, tật đố, cuồng vọng, cống cao, ngã mạn..bằng cách tự nhìn lại tâm xem chúng xuất phát từ đâu ra thì chúng sẽ tự nhiên biến mất.
Có người hỏi Phật “Ngày nào là ngày an ổn nhất”. Phật liền trả lời: “đó là ngày mà khi cả sáng, trưa, chiều, tối ông đều làm việc lành, nói lời lành và nghĩ điều lành”.Có những người khi sanh ra ở đời đã có nhan sắc, danh vọng, nhà cửa..đây không phải là do thần thánh hay thượng đế ban tặng cho người đó mà do đời trước họ đã tạo được những nghiệp lành.
Vì nếu tâm ta thanh tịnh thì khi chết đi, ta được hoá sanh vào các cảnh giới lành và ngay hiện tại đây của ta, nếu vẫn tâm thanh tịnh đó thì cũng không khác gì đang ở thiên đường. Còn nếu suy nghĩ việc ác thì tất nhiên phải rơi vào đường dữ, và ngay cả lúc sống cũng như đang sống trong địa ngục bởi thiên đường và địa ngục vốn là do tâm tạo. Lão tử có câu: “khởi một niệm tật đố, ma quỷ kế bên, khởi một niệm tuỳ hỉ, hộ pháp thiện nhân có mặt”.
Do vậy, nếu tướng xấu, tâm tốt thì tướng sẽ từ tâm mà sanh. Nếu tướng đẹp, tâm xấu thì tướng sẽ vì tâm mà diệt. Chúng ta có thể chuyển được những tướng xấu của mình và nuôi dưỡng tướng đẹp của bản thân nhờ chuyển nghiệp thân khẩu, ý. Tu là chuyển nghiệp, bởi thế chúng ta không nên đi coi bói, xem tướng vì là việc không cần thiết.
….Trước khi kết thúc bài giảng, Thầy có ví dụ thêm:
Thủa nọ, có một bác thợ xây rất giỏi, những ngôi nhà do bác xây đều rất đẹp và khiến cho ông chủ rất hài lòng. Bỗng một hôm, vì không muốn làm nghề này nữa, bác liền nói với ông chủ rằng mình muốn xin thôi việc. Ông chủ rất tiếc, liền nói: “mong bác hãy vì tôi mà làm một căn nhà cuối cùng”. Nhưng vì không còn muốn làm việc nên bác đã chấp nhận và làm một cách miễn cưỡng cho xong.
Đến khi giao lại căn nhà cho chủ, ông chủ nói: “Tôi tặng căn nhà này cho bác để cảm ơn bác đã làm việc cho tôi suốt bao nhiêu năm qua “.
Bác thợ xây nghe xong thì vô cùng đau khổ và hối hận vì đã xây một căn nhà quá tồi tệ cho mình.
Chúng ta cũng vậy, nếu muốn xây một căn nhà đẹp cho mình thì ngay giờ phút này phải tu tập tâm tuỳ hỉ.
Cuối cùng, Thầy dành tặng cho tất cả hội chúng thính pháp: Hãy luôn là bạn chân thật của nhau.
Và để làm được một người bạn chân thật cần có đủ bốn yếu tố:
– Không hoan hỉ khi bạn gặp tai nạn.
– Tuỳ hỉ khi bạn gặp may mắn.
– Ngăn chặn khi có ai nói xấu bạn.
– Khuyến khích khi có ai nói tán thán, ca tụng về bạn.
Là thanh niên Phật tử chúng ta hãy là bạn chân thật của nhau, coi nhau như anh em một nhà. Cùng tinh tấn tu học giáo lý Phật pháp, siêng năng thiền tập để tăng trưởng khả năng làm chủ mình.
Quan trọng hơn, chúng ta phải hiểu rõ thêm ý nghĩa nhân quả; khi tâm mình vui, tùy hỷ với những việc lành, việc thiện thì được tăng trưởng phúc báu nhiều.