- THÔNG BÁO QUY Y TAM BẢO
- Khám Bệnh, Tặng Quà Đến Các Hộ Có Hoàn Cảnh Khó Khăn Tại Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện
- Chương Trình Tu Học 2025 – Tại TVTL Chánh Thiện
- ĐĂNG KÝ KHÓA TU THIỀN 3 NGÀY TẾT 4-5-6 THÁNG 1 (AL), 2024
- Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện tặng quà khuyến học cho các con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương
NGUYÊN NHÂN KHỔ ĐAU VÀ GIÁ TRỊ BÌNH AN NỘI TÂM TRONG GIÁO LÝ CỦA ĐỨC PHẬT
TÓM TẮT
Theo tinh thần của đạo Phật, niềm an lạc trong đời sống của chúng ta là tránh những thói quen xuất phát từ hành động, nói năng hay suy nghĩ tiêu cực luôn bị chi phối bởi ham muốn, giận dữ, và si mê có tính cách chấp ngã của riêng mình. Hành trình chấp thủ này thường bắt đầu với sáu giác quan được xem là những cánh cửa khiến mọi điều xấu ác có thể xâm nhập vào tâm trí con người – bởi việc tiếp xúc của các căn với các trần đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tâm thức thiện lành, hay cũng có thể tạo ra cơ hội cho chủng tử bất thiện sinh sôi, nảy nở.
Vì vậy phòng hộ, kiểm soát, chế ngự, làm yên tĩnh các giác quan là con đường tu tập của người Phật tử để tịnh hóa thân tâm góp phần mang lại giá trị hòa bình chung cho cộng đồng, xã hội. Và xa hơn nữa, nó cũng là nguyên tắc cơ bản để xây dựng một nền hòa bình cho nhân loại bởi con người đều có những trạng thái tâm như phẫn nộ, giả dối, ngã mạn, phóng dật, cố chấp, bảo thủ …là những yếu tố tạo thành các ác nghiệp, gây ra hận thù và chiến tranh. Như vậy sự bình an trên thế giới bắt nguồn từ sự bình an trong nội tâm của mỗi cá nhân mà ở đó không còn những phiền não tham, sân, si cố hữu từ bao đời.
NỘI DUNG
I/ DẪN NHẬP
Chúng ta đang sống cách xa đức Phật mấy ngàn năm, giữa một thời đại nhân loại đang choáng ngợp trước ánh sáng văn minh tiến bộ của đời sống vật chất. Nhưng thân phận con người hiện nay thật có những bất ổn. Loài người dường như đang trở thành nạn nhân của trào lưu tiên tiến, đang bị cuốn hút lao về phía trước, thậm chí đánh đổi cuộc sống an lạc vĩnh hằng để nhận lấy sự nguy khốn bất an thường trực.
Đức Phật dạy, nỗi bất hạnh của con người đến từ sự mong cầu những điều sai lầm (ác tham, tà kiến) – ước mong rằng tiền bạc có thể mua được sự an lạc, có quyền lực để vượt lên trên tất cả mọi người…và quan trọng nhất là mong ước được sống mãi mãi. Ham muốn những điều này tạo ra tính ích kỷ nơi con người vì họ chỉ nghĩ đến chính mình, chỉ mong cầu cho bản thân mình mà không quan tâm đến những gì đang xảy ra cho người khác. Và khi không đạt được những gì mong ước, thì con người trở nên bồn chồn, bứt rứt và bất mãn. Chính vì thế, chúng ta đau khổ nhiều hơn là vui khi tìm cầu những ham muốn trong thế giới vật chất, hiện tượng này.
II/ NGUYÊN NHÂN KHỔ ĐAU VÀ GIÁ TRỊ BÌNH AN NỘI TÂM TRONG GIÁO LÝ CỦA ĐỨC PHẬT
- Nguyên nhân của mọi khổ đau trong cuộc sống
Trong cuộc sống này, chúng ta đều cần ăn, mặc, ngủ, nghỉ và nhiều nhu cầu khác để chăm sóc cho thân thể. Nhưng con người thường không chịu dừng lại ở mức vừa đủ ăn, đủ mặc mà thường để lòng tham muốn chi phối và làm chủ bản thân, khiến phải bôn ba tìm khắp nơi để thỏa mãn những lạc thọ của giác quan. Điều này vô hình chung tạo thêm vô số tội nghiệp mà quả báo có thể là tật bệnh, bất hạnh, khổ đau cho thân và tâm.
Một khi lòng tham muốn càng mạnh thì chấp ngã, chấp thủ càng cao – người ta không từ bỏ bất cứ thủ đoạn mưu mô, gian xảo nào để tranh giành đoạt lợi, thậm chí có thể giết hại lẫn nhau…. Đây chính là động cơ, là nghiệp lực dẫn đến con đường luân hồi trong nhiều kiếp. Còn ngay trong hiện tại, cội rễ của mọi tệ nạn xã hội như bạo hành, xung đột, trộm cướp, chiến tranh, bệnh tật… cũng đều xuất phát từ lòng tham lam hay ái dục. Và đó cũng là nguồn gốc gây ra mọi phiền não khổ đau cho chính loài người.
Lòng tham chỉ thật sự xuất hiện khi sự mong muốn vượt lên trên nhu cầu cần thiết. Khi không chạy theo khoái lạc giác quan tức là mọi người đang sống với hạnh “thiểu dục tri túc” – ít muốn và biết đủ thì ngay đó “tham” không hiện hữu. Vậy khoái lạc giác quan bắt nguồn từ đâu?
Con người tham đắm thọ hưởng khoái lạc đến từ thân xác mà cụ thể chính là 6 căn (6 loại giác quan). Mắt thì có đối tượng hình ảnh, tai thì âm thanh, mũi thì mùi hương, lưỡi thì tiếp xúc vị, da thịt thân thể thì đụng chạm và ý thì có tư tưởng, tư duy.
Ví dụ mắt là một giác quan giúp cho ta nhìn thấy được mọi sự vật xung quanh, nhưng khi ta đắm say theo những hình ảnh tuyệt đẹp, tướng mạo xinh xắn, oai nghi hay tư thái lịch lãm, hay chỉ là đồ vật, động vật, thiên nhiên, hoa đồng cỏ nội, núi rừng hùng vĩ, con mắt luôn thích thú được ngắm nhìn, được thấy chỉ vì có khoái lạc trong cái nhìn, thì lúc đó trong cái thấy có Tham và có sự ràng buộc đến từ sắc tướng.
Đôi tai giúp ta nghe được âm thanh, từ đó cảm nhận và hiểu được những gì người khác muốn truyền đạt qua lời nói, đồng thời hỗ trợ cho cái thấy, cái biết. Nhưng khi con người chỉ muốn nghe những âm thanh thật êm ái du dương, ngân nga trầm bổng trong âm nhạc, nên tốn rất nhiều thời gian để tìm tòi, chế tạo các nhạc cụ, khí cụ hay máy móc phát những âm thanh kích thích và đem khoái lạc cho nhĩ căn thì lúc đó có Tham và có sự ràng buộc đến từ âm thanh.
Còn chức năng chính của mũi là để thở và duy trì sự sống, nhưng con người lại chìm đắm vào khoái lạc từ các mùi hương, rồi tìm cách chế biến, sáng tạo đủ loại hương thơm. Rồi con người lại phải mua sắm nước hoa, dầu thơm, xức lên cơ thể để chứng tỏ với xã hội mình là người sành điệu, đẳng cấp – khi chúng ta bị lệ thuộc vào sự thơm tho như thế thì lúc đó đã có Tham và có sự ràng buộc đến từ mùi hương.
Lúc ăn uống thì chỉ cần hợp vệ sinh và đủ dinh dưỡng để nuôi thân, không cần phải cầu kỳ, khi con người bắt đầu thích ăn những món khoái khẩu, cao lương mỹ vị, nên tìm kiếm những món độc lạ, để bồi bổ cho tấm thân này thì lúc đó có Tham và bị khoái lạc của lưỡi, của vị, của cái ăn ràng buộc. Đó là chưa kể con người con dùng miệng lưỡi để nói những lời sai trái, ác độc, gây chia rẽ thù hằn nhau khiến cho cuộc sống càng nhiều mâu thuẫn và bất an hơn.
Khi không còn xem quần áo để che thân và tránh ruồi muỗi côn trùng hay nhiệt độ bên ngoài, mà chỉ muốn mặc thật đẹp, chất lượng cao, hàng hiệu đắt tiền, là lúc đó có Tham và có sự ràng buộc đến từ nơi thân, liên quan đến sự mặc. Tương tự, khi ta không còn thấy nhà cửa, chỗ ở chỉ là một phương tiện để che nắng trú mưa, mà lúc nào cũng nghĩ tưởng nhà lầu sang trọng, hào nhoáng, tiện nghi thì lúc đó đã có Tham và có sự ràng buộc đến từ nơi thân. Và chính sự quá tiện nghi sung túc của nơi ăn chốn ở sẽ dẫn đến những nhu cầu của thể xác vốn là nguyên nhân đưa đến sự đổ vỡ trong hôn nhân gia đình – một sự ràng buộc đến từ nơi da thịt, thân xác và sự xúc chạm. Đó là nói đến sự ràng buộc đến từ năm giác quan do dính mắc sắc, thanh, hương, vị, xúc bên ngoài.
Cuối cùng, ý căn cũng là một giác quan, do đó khoái lạc cũng có thể đến từ sự tưởng tượng, khái niệm, tư duy v.v…bởi con người còn ham hưởng thụ khoái lạc nơi tinh thần như là thích thú được ca tụng, khen ngợi, tán thán với danh dự, danh tiếng, được người khác công nhận giá trị của mình trên mọi phương diện. Đây cũng là sự trói buộc vào những gì được gọi là pháp trần, đối tượng của giác quan thứ sáu (hay bóng dáng của hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị và xúc chạm lưu lại trong tâm thức, khi năm căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không tiếp xúc với ngoại cảnh thì những hình ảnh “Pháp trần” này ồ ạt dấy khởi khiến ý căn khởi lên sự phân biệt tương tục).
Như vậy, tham dục là nguyên nhân của mọi khổ đau trong đời sống con người. Thói quen khao khát tìm cầu và nắm giữ những gì mình yêu thích trói buộc chúng sanh trong vòng luẩn quẩn khổ đau luân hồi vô lượng kiếp. Lòng tham muốn càng mạnh thì chấp ngã, chấp thủ càng mạnh, tập khí mê lầm này thật khó thấy và khó chữa trị. Đây chính là động cơ, là nghiệp lực đưa đến sự tái sinh từ đời này sang đời khác. Và ngay trong cuộc sống hiện tại, cội rễ của mọi tệ nạn xã hội như bạo hành, xung đột, trộm cướp, chiến tranh, tật bệnh… và các hệ lụy xa hơn nữa là ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…cũng đều xuất phát từ lòng tham lam và ái dục.
Trong Kinh Đại Khổ Uẩn – Trung Bộ Kinh 13, Đức Phật đã chỉ rõ chiến tranh xung đột của con người xảy ra đều từ do lòng tham dục:
“…Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lị tranh đoạt với Sát-đế-lị, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục… (như trên) … là nguyên nhân của dục ….
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân… do chính dục làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân.”[1]
- Phương pháp chế ngự và đối trị lòng tham dục
Những hiểm họa mà con người đang đối diện (chiến tranh, xung đột, sự mất quân bình trong phân phối lợi ích kinh tế, sức khỏe cộng đồng, sự bất cập của thể chế chính trị, sự biến đổi khí hậu toàn cầu nghiêm trọng…) không bắt nguồn từ vũ khí, từ nền công nghiệp hay kinh tế, chính trị mà từ tham, sân, si. Tham, sân, si làm cho con người bị nhiễm độc từ bên trong và khi những con người này tham dự vào thế giới, thì thế giới sẽ trở nên hỗn loạn, bất an và đầy hiểm họa. Và Thiền là một phương thuốc mà đức Phật như một bậc lương y đã kê cho chúng ta để giải trừ sự nhiễm độc này, để hướng cuộc sống này trở lại hài hòa, bình an và trật tự. Như vậy, để vượt qua những cơn khủng hoảng trầm trọng hiện nay – những nỗi đau khổ và dịch bệnh trên thế gian là do nhân loại bị ác tham chinh phục, bị tà kiến chi phối, chúng ta phải thiết lập một sự quân bình cả bên trong và bên ngoài. Không có sự thay đổi bên trong của cá nhân mỗi người thì tất cả những thay đổi bên ngoài như bộ máy chính phủ, chính sách kinh tế……chỉ là những thay đổi nông cạn, hời hợt. Do đó, hành thiền được xem là phương pháp hữu hiệu trên hết.
Có nhiều người hiểu sai rằng thiền là sự trốn chạy, tránh né những khó khăn của cuộc sống hoặc chỉ là liệu pháp tinh thần giúp giảm stress mà thôi. Nhưng thiền thật sự lại là phương cách trực tiếp nhất, thử thách nhất và sâu sắc nhất mà con người ảnh hưởng và kết nối với thế giới bên ngoài.
Giá trị cốt lõi, trọng tâm của thiền Phật giáo chính là chánh niệm. Chánh niệm là quán niệm một cách chân chánh, chân chánh ở đây còn có nghĩa là khách quan. Vậy chánh niệm là quán niệm, hay rõ hơn là quán sát và ghi nhận một cách khách quan. Có hai trường phái Thiền – đó là Thiền Tứ Niệm Xứ (Phật giáo nguyên thủy) và Thiền Tông (Phật giáo Đại Thừa). Tuy nhiên khi thực hành Chánh niệm thì cả hai phong cách Thiền đều có những nét tương đồng – nhằm mục đích đưa hành giả đến chỗ giác ngộ giải thoát.
Nói cách khác, việc thực hành chánh niệm là một tiến trình phát triển theo phương pháp phát huy khả năng tinh thần đơn giản có sẵn của mỗi người – đa phần con người đánh mất hay bỏ quên không sử dụng khả năng này, cũng như phát triển nó lên những tầng bậc cao. Khả năng này là cái tánh biết của chúng ta, đó là sự nhận biết của con người đối với các sự vật, hiện tượng, tính chất…mà sự nhận biết đó chưa gắn với sự suy nghĩ, phân tích, nhận xét, đánh giá, phán đoán của ý thức tư duy.
Cũng như chúng ta chăm sóc và nuôi dưỡng cơ thể bằng những thức ăn thích hợp và chế độ y tế đúng mức, tinh thần cũng cần được quan tâm và trưởng dưỡng tương tự như vậy. Khi cái tâm chưa được huấn luyện thì nó rất manh động, nhưng khi đã được điều phục và làm cho vững chãi bằng cách thực hành thiền thì nó sẽ mang lại hạnh phúc lớn – bởi đức Phật khuyên chúng ta nên hạn chế và tránh xa dục lạc và nên tập trung tìm kiếm nội lạc trong Thiền định, vì theo kinh nghiệm của Ngài thì dục lạc là pháp có đau khổ, có phiền não, đưa đến sự tranh chấp; trong khi Thiền lạc là pháp không có đau khổ, nhiệt não, không đưa đến tranh chấp. Như vậy, theo đức Phật chúng ta nên hành Thiền để chứng nghiệm thiền lạc hay niềm vui của nội tâm an tịnh, vừa có khả năng đối trị và thay thế dục lạc vốn tiềm ẩn nhiều nguy hại khổ đau, vừa nâng cao các phẩm chất đạo đức, tâm đức, tuệ đức, hướng đến mục đích giải thoát và giải thoát tri kiến.
Một bước tiếp theo của quá trình tu tập cũng không kém phần quan trọng để đạt được an lạc hạnh phúc là phòng hộ và làm chủ các giác quan. Nếu như các giác quan không được phòng hộ thì chúng ta sẽ gặp nhiều thứ rắc rối (khi mắt thấy những hình tướng ưa thích thì sinh tham ái và đắm nhiễm, còn không ưa thích thì chán ghét, sân si. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy). Không tu tập để làm chủ các giác quan thì chúng ta sẽ rất dễ bị tác động bởi ngoại cảnh bên ngoài. Nếu để cho các căn sai sử thì sẽ gặp rất nhiều trắc trở trong đời sống, ngược lại làm chủ được các căn thì chúng ta có được niềm vui thuần khiết, tự tại. Niềm vui do giác quan đem lại thường ngắn ngủi nhưng sau đó sự căng thẳng lại tiếp diễn, còn niềm an lạc nội tâm mới thật sự giảm được lo âu, bất mãn vì trong nó luôn chứa đựng chất liệu bình an và mãn nguyện. Vì thế trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy:
Lành thay, phòng hộ mắt,
Lành thay, phòng hộ tai,
Lành thay, phòng hộ mũi,
Lành thay, phòng hộ lưỡi. (PC. 360)
Lành thay, phòng hộ thân,
Lành thay, phòng hộ lời,
Lành thay, phòng hộ ý,
Lành thay, phòng tất cả!
Tỳ-kheo phòng tất cả,
Thoát được mọi khổ đau. (PC. 361)[2]
Phòng hộ mắt: Như khi nhìn thấy món đồ đẹp, lòng tham dấy khởi, biết tham là gốc luân hồi sanh tử, thì thấy mà ngưng khởi tâm tham. Như vậy là chế ngự được mắt.
Phòng hộ tai: Khi nghe người khen thì thích là ngã mạn, nghe người chê mà buồn thì dễ sân giận, mà ngã mạn và sân giận cũng là gốc của luân hồi sanh tử. Vì vậy nghe khen không mừng, chê không buồn mới được giải thoát. Đó là chế ngự được tai.
Phòng hộ mũi: Có người rất cẩn thận, đi ngang chỗ nào có mùi hôi thì bịt mũi, mùi thơm thì hít vào. Người biết chế ngự mũi thì mùi hôi mùi thơm đều thấy bình thường – vì nó bay qua rồi mất, không mắc kẹt nơi mũi hoài.
Phòng hộ lưỡi: Phật dạy phải quán xét việc ăn uống như dùng thuốc để trị bệnh đói khát, thân thể khô gầy, kiệt quệ. Khi đang đói bụng làm cho khó chịu, chỉ cần ăn đầy bao tử không quan trọng ngon dở, là chinh phục được cái lưỡi.
Phòng hộ thân: Như có người quen ngủ nệm, khi nào đi đến nơi khác không có nệm thì lăn qua trở lại thấy đau mình, ngủ không được. Bây giờ phải tập có nệm hay không nệm cũng nằm ngủ được. Như vậy là chế ngự được thân.
Phòng hộ được lời nói cũng rất cần thiết. Có người vô ý xúc phạm đến danh dự của mình. Khi ấy muốn nói ra những lời dữ dằn cho đã giận nhưng kềm lại, đợi trong lòng mát mẻ rồi mới nói nhỏ nhẹ ôn hòa. Đó là chế ngự được lời nói.
Phòng hộ được tâm ý có 2 trường hợp, bất thường và bình thường. Khi bị người làm trái ý không nổi nóng, hay ngũ dục làm não loạn không dấy lòng tham, như vậy là điều phục được tâm ý trong khi bất thường. Khi không buồn giận mà ứng dụng một pháp tu để tâm được yên tịnh, đó là điều phục được tâm ý trong lúc bình thường. Tóm lại, Phật dạy các vị Tỳ-kheo nếu phòng hộ được hết thảy 6 căn thì sẽ không còn đau khổ, luôn tự tại giữa cuộc đời đầy hỗn loạn này.
Như vậy, Tỉnh giác là phương pháp điều phục tâm ý tốt nhất – khi Sáu căn tiếp xúc với Sáu trần (các giác quan ghi nhận mọi yếu tố của môi trường xung quanh) mà không có tham đắm hay đặt mình trong sự vận hành của tâm thức. Đây là xây dựng một cái nhìn trí tuệ. Và để tu tập sao cho có ‘cái nhìn trí tuệ’ không dính mắc tham dục ở đời, một lần nữa đức Phật đã giảng một bài pháp tu tập căn siêu việt trong Kinh Trung Bộ 152:
“Thanh niên Uttara đệ tử của bà la môn Pàsàriya đi đến hầu thăm Phật. Phật hỏi thầy anh dạy đệ tử tu tập các căn như thế nào. Thanh niên đáp, mắt đừng thấy sắc, tai đừng nghe tiếng… Bà la môn thuyết giảng về tu tập căn là như vậy. Phật dạy nếu thế thì hóa ra mù và điếc lại là những người tu tập căn hiệu quả cả sao. Thanh niên cúi đầu hổ thẹn vì không trả lời được.
Khi ấy Phật gọi tôn giả A Nan mà dạy rằng, trong giới luật của các bậc thánh, vô thượng căn tu tập không phải như vậy. Tôn giả xin Phật thuyết giảng.
Phật dạy vô thượng căn tu tập là khi mắt thấy sắc, ý khởi lên hoặc vui, hoặc khổ, hoặc dửng dưng (tâm khởi lên ý yêu thích, không thích hoặc vừa thích vừa không thích một đối tượng) vị ấy đều biết rõ nhưng cũng biết thêm rằng, cái gì có khởi lên vì là hữu vi nên thô trọng. Chỉ có tâm xả là thù diệu. Cho nên dù khởi lên bất cứ cảm thọ nào trong ba loại ấy, tất cả đều đoạn diệt chỉ tồn tại sự buông xả. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận thức các Pháp cũng đều như vậy, tất cả cảm thọ đều đoạn diệt nơi vị ấy, chỉ còn lại tâm xả, như nước không đọng trên lá sen chúc xuống. Ðạo lộ của bậc hữu học là, mỗi khi các căn xúc tiếp với trần cảnh tự thấy mình còn khởi một trong ba loại cảm thọ ấy mà không buông bỏ, thì lấy làm hổ thẹn. Còn bậc thánh thì, khi muốn an trú tưởng yểm ly (đối với vật khả ái) hoặc tưởng không yểm ly (như khởi tâm từ trước sự vật đáng chán ghét) hoặc ý tưởng xả bỏ, đều có thể làm được. Ðây là sự tu tập căn đối với bậc thánh.”[3]
Việc tu học, chuyển hóa thân tâm là một quá trình bắt đầu từ chánh niệm hay phòng hộ tâm thức. Thành tựu nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự nỗ lực thực tập của mỗi hành giả, không ai có thể thực hiện thay thế được – không ai có thể giúp chúng ta chứng nghiệm được sự an lạc giải thoát nếu bản thân mỗi người không tinh tấn miên mật giữ chánh niệm. Sự thăng tiến về tâm linh khởi nguồn từ bên trong, chứ không phải là những yếu tố bên ngoài.
Song người luôn chánh niệm tỉnh giác trong tâm mình để tự lợi, lợi tha đã là người đạo đức ngay từ trong những ý niệm ban đầu như lời Đức Phật từng dạy: “Luôn chánh niệm tỉnh giác, Đệ tử Gotama, Suốt cả ngày lẫn đêm, tâm hoan hỷ bất hại.”[4]
III/ KẾT LUẬN
Trong Kinh Pháp cú, kệ 42 nói rằng: “Không có kẻ thù nào làm hại ta bằng chính những tư tưởng tham dục, sân hận và ganh ghét của mình”.[5]
Như vậy, đức Phật dạy rằng vô minh và tham ái là nguyên nhân gây ra những đau khổ cho con người. Những vấn nạn chung của xã hội, cộng đồng và cái khổ của mỗi con người đều có chung nguyên nhân gốc rễ sâu xa, đó là tham, sân và si. Trong thế giới ngày nay, tham, sân, si không đơn giản chỉ là nguyên nhân đưa đến khổ đau cho mỗi cá thể trong cộng đồng mà trên bình diện rộng hơn, chúng ta cũng thấy tham, sân, si còn là nguyên nhân của những bất ổn xã hội, kinh tế và chính trị. Chính vì sự tham lam trong tâm của con người có xu hướng biến thế giới thành một thị trường toàn cầu hóa và khi đó con người bị đặt vào vị trí kẻ mua người bán, lúc nào cũng hơn thua và đầy vị kỷ. Còn sân hận sẽ biến những dị biệt về quốc gia, chủng tộc và tôn giáo trở thành tổ quốc của sự ngờ vực, kỳ thị thậm chí là thù địch bạo lực và xung đột đẫm máu. Riêng si mê sẽ hỗ trợ tiêu cực cho tham và sân bằng niềm tin mù quáng hay ý thức hệ sai lệch.
Khổ bắt nguồn từ tâm và cứu cánh để thoát khổ cũng nằm trong tâm chúng ta. Khi có thể xua tan hoàn toàn những cấu nhiễm của tâm hay những rối loạn, những ảo tưởng của tâm thì tự nhiên chúng ta đạt được sự thấu triệt trong sáng thanh tịnh về bản chất của thực tại. Vì vậy, Đức Phật đã xuất hiện trên cõi đời này như thể mang theo sứ mệnh giải thoát con người khỏi khổ đau bằng việc bứng tận gốc rễ tham, sân, si.
Giáo pháp của đức Phật có một sự tương thích đặc biệt đối với thời đại ngày nay mà ở đó chúng ta nhất định phải lưu ý rằng Phật giáo có thể cung cấp những quan kiến thực tế khả thi trên nhiều lĩnh vực từ triết học, tâm lý cho đến y học và sinh thái.v.v…Nói cách khác, những lời dạy của đức Phật nhằm giải quyết khổ đau của con người trên mọi phương diện và mức độ của nó từ đau đớn thể xác đến tinh thần – lo lắng, buồn rầu, sợ hãi, day dứt, thất vọng….cho đến điều không thể tránh khỏi là cái chết. Đức Phật dạy về bản chất của khổ và con đường chấm dứt khổ, về cách thức làm thế nào để có thể ngay trong cuộc sống hiện tại này con người tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn thật sự và thiết lập được trạng thái bình an cao quý của tâm hồn. Do đó, thách thức của Phật giáo ngày nay là phải nâng sứ mệnh cứu khổ của mình lên tầm vóc toàn cầu. Phật giáo không thể chỉ nhắm đến những đối tượng có đủ điều kiện thuận lợi tốt đẹp để thực hành pháp như các hành giả ở các đạo tràng tu tập mà còn quan tâm giúp đỡ những người đang bị dày vò, đọa đày bởi muôn vàn nỗi khổ trong bộn bề vất vả giữa đời thường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thích Thiện Siêu – Thích Minh Châu – Thích Giác Toàn – Phạm Kim Khánh (2014), Lời Phật Dạy (Kinh Pháp Cú – Dhammapada), Nxb Tổng Hợp, TP. HCM.
- HT. Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Trung Bộ – tập I, Viện NCPHVN ấn hành, Nxb Tôn giáo.
[1] HT. Thích Minh Châu (2017), Kinh Trung Bộ – tập I, Kinh Đại Khổ Uẩn, Nxb Tôn giáo, tr.121.
[2] Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu (2014), Lời Phật dạy (Kinh Pháp cú – Dhammapada), Nxb TpHCM, tr.324.
[3] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-15.htm.
[4] Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu (2014), Lời Phật dạy (Kinh Pháp cú – Dhammapada), Nxb TpHCM, tr.278.
[5] Sđđ, tr.61.