Phương Pháp Tọa Thiền – HT Thanh Từ
Lời Nói Đầu
Phương pháp tọa thiền này theo đường lối Thiền Tông Việt Nam, bao gồm một số động tác căn bản mà trong thời gian qua chúng tôi đã ứng dụng tu và hướng dẫn cho chư Tăng, Ni tại các thiền viện hành trì, đồng thời cũng có một số Phật tử tại gia hâm mộ tu thiền quan tâm thực hành. Kiểm nghiệm qua thực tế công phu, chúng tôi nhận thấy đều có những kết quả nhất định như: thân tâm hành giả dần dần được an định, trí tuệ ngày càng tăng trưởng, đời sống theo đó mà được thuần thiện và an lạc – thể hiện qua những việc làm “xả kỹ vị tha”, góp phần đem lại cho bản thân, gia đình và xã hội một nhân tố tốt đẹp, an bình.
Gần đây, nguyện vọng tìm hiểu và thực hành pháp môn tọa thiền này được nhiều giới Tăng, Ni, Phậ tử các nơi yêu cầu chúng tôi chỉ dẫn.
Để đáp ứng phần nào nhu cầu trên, chúng tôi điều chỉnh và cho tái bản. Mong rằng quyển sách nhỏ này sẽ giúp ích bước đầu cho chư Tăng, Ni, Phật tử yêu thích Thiền học Việt Nam.
Thiền Viện Trúc Lâm,
Mùa Phật đản PL.2553-2009
Phương Pháp Tọa Thiền
Hằng ngày khi chúng ta đối duyên xúc cảnh tâm ý dao động, từ sự dao động đó nên tâm không được khinh an. Cho nên tâm là đầu mối của sanh tử phiền não; và cũng là cội nguồn của Niết bàn. Do đó Phật phương tiện chỉ dạy thiền định để nhiếp tâm chánh niệm.
Trong các oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, chúng ta phải tập sống trong trạng thái tỉnh thức, hằng thắp sáng hiện hửu của mình trong mọi hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên đối với người sơ cơ, tọa thiền vẫn là một phương pháp thù thắng hơn các oai nghi kia.
Dụng Cụ Tọa Thiền
– Một tọa cụ vuông 8 tấc để trải dưới, bồ đoàn để lên trên.
– Một khăn lông hoặc gối nhỏ dùng để chêm bên lòng bàn chân trũng.
Tọa Thiền
Tọa thiền có ba giai đoạn: Nhập, Trụ, Xuất.
A. Nhập Thiền
Dùng mũi hít vô cùng, đừng mạnh cũng đừng gấp, đều đều nhẹ nhẹ, tưởng như không khí trong sạch vô khắp châu thân làm cho những chỗ không thông theo hơi thở lưu thông, rồi hé miệng thở ra sạch, tưởng như phiền não, bệnh hoạn, cấu uế đều theo hơi thở ra ngoài.
Thở như thế 3 lần, từ mạnh rồi đến nhẹ dần.
Thở xong, ngậm miệng lại, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây đến lúc xả thiền chỉ hít thở bình thường bằng mũi đều đều, nhẹ nhẹ.
B. Trụ Thiền
Có ba phương pháp dành cho người sơ cơ:
- Sổ tức quán
Sổ là đếm, tức là hơi thở, sổ tức quán là quán sát hơi thở ra vô, đếm từ một đến mười.
Có hai cách Quán Sổ Tức: Nhặt và Khoan.
* Nhặt: Hít hơi vô đếm một, thở hơi ra đếm hai… Lần lượt đến mười, rồi trở lại bắt đầu từ một.
* Khoan: Hít hơi vô thở ra đếm một, hít vô thở ra đếm hai, lần lượt đến mười, rồi bắt đầu trở lại từ một. Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền.
Nếu trong lúc đếm từ một đến mười nữa chừng quên hoặc bị lộn số, ta bắt đầu trở lại từ một…
Sau một thời gian tu tập, hành giả đếm thuần thục không còn bị lộn số nữa thì ta bước qua giai đoạn tùy tức.
- Tùy tức
“Tùy” là theo, “tức” là hơi thở. “Tùy tức” là theo dõi hơi thở. Hít hơi vô tới đâu là ta biết tới đó. Hơi thở ra đến đâu, ta cũng đều biết rõ.
Trong khi theo dõi hơi thở, nên dùng trí quán mạng sống trong hơi thở, thở ra mà không hít vào thì mạng sống không còn tồn tại. Hơi thở đã vô thường thì mạng sống của ta cũng mỏng manh giả tạm.
Khi theo hơi thở thuần thục rồi, hành giả bước sang giai đoạn tri vọng.
- Tri vọng (biết vọng)
Khi bắt đầu trụ thiền, hành giả theo dõi hơi thở ra vào đôi ba phút cho an ổn, rồi buông hơi thở để tâm an định. Vừa có vọng khởi liền biết vọng không theo, cứ thế cho đến vọng thưa dần và im bặt. Vọng lặng thì tâm thanh tịnh, rỗng rang trong sáng, chân tâm hiện tiền, cái biết bày nơi sáu căn.
Ngồi lâu, nếu mơ màng ngủ gục thì mở mắt sáng ra, chấn chỉnh thân tâm phấn chấn, trang nghiêm lại.
Trong lúc tọa thiền phải khéo tự điều chỉnh.
Nghe ngực nặng, tim hơi nhói là do ngồi thẳng quá, hơi thở không thông nên rùn xuống một chút.
Nghe nhức xương sống gần lưng quần, biết ngồi hơi cong, phải thẳng lên.
Đau hông là do bị nghiêng.
Nếu nhức một bên vai, coi chừng hai vài không ngang nhau, một bị lệch xuống.
Nếu nhức cả hai vai là do gồng hai tay, phải nới lỏng ra, toàn thân ở trong tư thế thư giãn.
Đau mông là vì ngồi ngửa người ra phía sau.
Nghe trên đầu có gì đè nặng, hoặc nghe vo ve bên lỗ tai, là vì ngồi kềm, gồng mình, đầu hơi cứng nên mới có triệu chứng như vậy, chứ không có gì lạ. Nhẹ nhàng buông xả thư giãn, một lúc sẽ hết.
Khi ngồi thiền, nếu có những tướng lạ hiện ra như: nghe thân nặng nề giống như có vật gì đề nặng, thân nhẹ nhàng muốn bay bổng, ngứa trên thân, mặt như có có con gì bò, cảm giác có luồng điện chạy trong xương sống, thấy phía trước có ánh sáng hoặc các hình ảnh lạ, nghe có người nói bên tai, tất cả những tướng ấy đều là giả, không nên chấp nhận hay sợ hãi. Phải quá nó hư giả, ngồi yên làm chủ thân tâm. Dù thấy ma hay Phật hành giả đều biết là cảnh huyễn, không mừng cũng không sợ. Vui mừng hay sợ hãi đều là nhân của điên cuồng. Không chấp trước, không quan tâm, để ý, huyễn cảnh sẽ tự mất.
C. Xả thiền
Khi xả thiền, trước thầm đọc bài nguyện hồi hướng:
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Ðệ tử và chúng sanh
Ðều trọn thành Phật đạo“.
Xoa đầu 20 -30 lần.
Xoa sau gáy 20 -30 lần.
Xoa mông.
Áp vào hai mắt (5 lần).
Chú ý:
Khi xả thiền, mọi động tác xoa bóp đều phải ấn mạnh vào da thịt, nhưng đừng thô ồn. Thời gian ngồi thiền tùy theo hoàn cảnh hay điều kiện của từng người mà ngồi lâu hay mau. Ngồi càng lâu thì xả thiền xoa bóp càng kỹ, giúp các mạch máu được lưu thông, gân cốt mềm dẻo, tránh bị bệnh thần kinh tọa.