Gia Tài Của Nội

Nhớ lại lần đầu tiên vào Thường Chiếu để xuất gia tu học, khi đi lao tác với đại chúng, tôi bắt gặp một người mà sau này chúng tôi đều gọi bằng bà Nội. Trong buổi sáng hôm đó, tôi rất xúc động và cảm phục khi trông thấy một người lớn tuổi đang sàng gạo và lượm từng hạt thóc, người ấy sau này tôi hỏi thăm một huynh đệ ở chung mới biết đó là thân mẫu của Sư phụ tôi. Tôi càng thầm cảm phục đức tính hy sinh và tâm vô ngã của bà cho đại chúng Thường Chiếu, trong khi bà là người mẹ của thầy Trụ trì lớn trong tông môn Sư ông chúng tôi.

Có lần được huynh đệ kể cho chúng tôi nghe quê Nội ở tận Tây Ninh. Sau khi người thân nhất của bà qua đời, bà dìu dắt Sư phụ của chúng tôi vào đạo. Phải thú nhận rằng nếu không có Nội cưu mang và trưởng dưỡng thì Thầy chúng tôi không thể thành tựu được như ngày hôm nay. Công ơn của bà lớn lắm, lớn như biển cả triều dâng, như non cao núi thẳm, như hư không vô tận, và từ đó về sau gặp bà ở nơi nào chúng tôi đều tự nhận là con cháu của bà. Nhân kỷ niệm 49 ngày của bà, chúng tôi mạo muội ghi vài dòng cảm tưởng có tựa đề là “gia tài của Nội”.

gtnt1

Nội tôi rất nghèo nhưng cũng rất giàu, vì Nội đã tìm ra kho báu chính mình, tự thắp lên ngọn đuốc của chánh pháp. Những năm tháng bóng xế, Nội vẫn đang lặng thầm sống trong lòng đại chúng Thường Chiếu, sớm kệ chiều kinh, tôi không đủ cơ duyên để sống cùng Nội cho hết quãng đời còn lại của Người. Song nhớ ơn Người đã cưu mang che chở cho Thầy chúng tôi, sau này có cơ duyên đi làm Phật sự ở phương xa được thí chủ biếu cho chai dầu, bọc trà, gói sâm…tôi đều dâng cho Nội với tấm lòng tôn kính của người cháu.

Do đó, nếu nói đến giàu nghèo bằng vật chất thì Nội tôi chắc chắn là một người nghèo, không có của cải gì quý báu để so bì với thiên hạ. Nhưng nhìn từ góc độ tâm linh, một cái nhìn xuyên suốt của bậc giác ngộ, thì chắc chắn Nội tôi phải là người giàu có nhất.

Tôi nhớ lại trong hành trạng Thiền sư Trung Hoa, có một đoạn nhân duyên đặc biệt làm tôi nhớ mãi. Một hôm thiền sư Huệ Hải đến tham vấn Mã Tổ.

Tổ hỏi: – Từ đâu đến?

Sư thưa: – Ở Việt Châu chùa Đại Vân đến.

– Đến đây tính cầu việc gì?

Sư thưa: – Đến cầu Phật pháp

Tổ bảo: – Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?

Sư lễ bái thưa: – Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

– Chính nay người hỏi ta là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng đâu nhờ cầu bên ngoài.

Ngay câu nói này Sư nhận được bản tâm.

gtnt2

Quả thật, nếu Nội chúng tôi không nhận được kho báu bên trong chính mình, thì Nội đâu có được đức tính hy sinh cho đại chúng, đâu có được tâm bao dung và vô ngã vị tha cho đại chúng. Bao nhiêu đó cũng đủ chứng minh gia tài của Nội tôi nhiều vô tận, tự do sử dụng không tìm cầu bên ngoài.

Thật là:

     Mây vốn không mây,

     Gió vốn không gió,

     Xưa nay không mây gió,

     Trời xanh! Mãi trời xanh!

Có lần chúng tôi từ Trúc Lâm Đà Lạt về Long Thành Thường Chiếu có ghé thăm Nội, bà nắm chặt tay tôi rồi ôn tồn bảo: “Mấy thầy phải cố gắng tu với Sư ông Trúc Lâm để sau này còn phụ giúp ông thầy Thường Chiếu nữa!” Những câu nói này phát xuât từ tấm lòng của người đã thấy trước tiền đồ của Thầy chúng tôi như thế nào? Do đó, về lại Trúc Lâm chúng tôi cố gắng tu tập và mài giũa tập khí của chính mình. Nói chung, cuộc đời tôi gặp rất nhiều vị thầy chỉ dạy và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, song chúng tôi cảm nhận Nội chính là người thầy ban sơ đã dạy cho chúng tôi đức tính kham nhẫn, đức tính hy sinh và tâm vô ngã. Hình ảnh Nội lượm từng hạt thóc để làm sạch gạo cho đại chúng Thường Chiếu, cũng như một hành giả muốn tiến thẳng vào đất tâm của chính mình, thì phải gạn bỏ những tâm niệm xấu ác.

Bằng chứng cụ thể nhất là khi Nội sắp mất, được sự khai thị của Thầy và hòa thượng Giáo thọ, bà ra đi an ổn và thảnh thơi như trút bỏ gánh nặng của kiếp người.

Thật là:

     Ban biết chăng!

     Đã từ lâu

     Ta đã từng

     Làm lữ khách

     Hay đã từng

     Tể tướng Quân vương

     Tất cả đều trải qua

     Bao kiếp khốn cùng này

     Và bây giờ!

     Hãy thức tỉnh đi thôi

     Để cùng nhau

     Bước lần về cố quốc

     Kể từ đây

     Thôi vĩnh chào lữ khách

     Kiếp độc hành

     Chua xót đắng cay thôi!

     Kể từ đây

     Dòng đời thôi dừng hẳn

     Và bây giờ

     Gió lặng ánh trăng thu.

Thật vậy, bà đã cho huynh đệ chúng tôi thừa hưởng một gia tài vô cùng quý báu, quý báu đến mức không thể nào dùng ngôn từ, dùng văn tự hay máy móc để cân đo đong đếm được, vì gia tài đó là pháp bảo “Vô tận tạng”.

Gia tài mà Nội chúng tôi có được không nằm sẵn trong kho để sờ mó và nắm bắt được, mà gia tài này Nội đã phân chia rải khắp bốn phương. Có món đã đi sâu vào lòng người, có món đã trưởng dưỡng và làm lớn mạnh đến đức tính của người khác, cũng có món còn là những hạt giống nằm sẵn trong tâm thức của mỗi người. Một gia tài nếu dùng con mắt phàm phu thì không thể nào đánh giá được,

Nhưng với con mắt của người giác ngộ thì quả thật là vô giá. Ngày bà mất, huynh đệ chúng tôi kẻ tăng người tục đều có mặt đầy đủ cùng san sẻ với nhau những câu chuyện về bà trong cuộc sống giữa đời thường, những câu chuyện khổ vui trong cuộc đời ô trược mà vẫn ngời sáng một đóa vô ưu từ trong trái tim sâu thẳm của Nội.

Thật là:

     Một chiếc đò

     Chở Nội

     Qua sông

     Đêm ấy

     Trăng soi vằng vặc

     Kết đọng thành

     Tiếng kệ lời kinh.

Hôm nay nhân tuần chung thất của Nội, chúng con mạo muội viết vài dòng gửi đến người bằng tất cả tấm lòng thành của người con Phật. Chúng con nguyện hồi hướng công đức lành này về cho bà, mong bà nhập cảnh giới Niết-bàn.

Thật là:

     Trăm năm một cõi đi về,

     Bồi hồi nhớ lại khúc đàn dạo qua

     Ngoài kia hoa trắng rụng đầy,

     Giật mình tỉnh giấc chỉ là mộng thôi.

Viết tại

TV Trúc Lâm Chánh Thiện

Đầu năm Giáp Ngọ

Đạt Ma Khế Định

Các bài khác...