NHỮNG NÉT SIÊU THOÁT CỦA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
Thích Đạt Ma Khế Định
I/ Ông Vua Có Hạt Giống Phật:
Ai đã từng nghiên cứu đến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều thấy rõ vua Trần Nhân Tông là ông vua Phật của đất nước Đại Việt, đúng với cái tên gọi: “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” vì sao phải gọi như thế? Vì Ngài có chủng duyên sâu đậm với Phật Đà từ lúc mới sanh ra.
Trong quyển Thánh Đăng Lục ghi: “Khi mới sanh ra, thân tướng Ngài vàng tía như sắc Phật nên vua cha mới đặt tên là Kim Phật. Ngài tuy ở địa vị cao sang mà tâm hâm mộ thiền tông từ thuở nhỏ Và có chí hướng thượng như bậc Đại Sĩ xuất trần. Do đó, năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử, Ngài hai lần cố xin nhường lại cho em là Đức Việp, nhưng vua Thánh Tông không cho, vì thấy Ngài có khả năng gìn giữ giang sơn gánh vác việc lớn, đúng với cái nhìn của vua Thánh Tông sau hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông oanh liệt. Trong khi đó lịch sử của các triều đại vua chúa, chỉ vì ngôi vị mà huynh đệ tương tàn, cốt nhục phân ly nếu không có hạt giống Phật ngầm chứa trong con người Ngài từ thuở nhỏ thì đâu biểu lộ ra hành động: “Coi ngai vàng như đôi dép rách”.
Cho nên, một hôm vào lúc giữa đêm không gian còn đang chìm đắm trong niềm cô tịch, Ngài trèo thành trốn đi định vào chốn núi rừng Yên Tử tu hành. Điều này chứng minh cái gì thúc đẩy Ngài sẵn sàng bỏ hết ngôi vị tôn quý vào chốn rừng sâu Yên Tử tham thiền học đạo, nếu không phải hạt giống Phật ngầm chứa trong con người của Ngài thúc đẩy, thì cái gì đưa Ngài đến con đường tầm đạo giải thoát? Với cái nhìn của Phật, đây đều là nhân duyên quá khứ thúc đẩy chớ không phải là việc ngẫu nhiên. Việc này lại rất khế hợp với Đức Phật, lúc còn là thái tử Tất Đạt Đa khi dạo qua bốn cửa thành chứng kiến cảnh già, bệnh, chết… Ngài quyết rủ sạch cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ… quyết tìm ra con đường giác ngộ giải thoát cho chính mình và nhân loại. Đây đúng là khúc nhạc hòa tấu giữa hai con tim thấy nỗi thống khổ của nhân sinh mà tìm phương thuốc cứu giúp. Song với vua Trần Nhân Tông, lúc ấy vua cha cho người tìm gọi về, Ngài bấc đắc dĩ phải trở về.
Năm 21 tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng Đế (1279) tuy ở địa vị cửu trùng mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập, đây để chứng minh bậc Đại Sĩ vào đời có cái tâm siêu thoát trần tục hóa hiện phương tiện thiện xảo để dìu dắt tất cả chúng sanh còn đắm chìm trong sông mê biển khổ.
Thật là:
Bóng trúc quét thềm bụi chẳng động
Vầng trăng xuyên biển nước không chao.
Cho nên, lúc rảnh việc Quốc sự Ngài đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập. Một hôm nghỉ trưa Ngài thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có Đức Phật vàng, có người đứng bên cạnh chỉ Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là Đức Phật Biến Chiếu”. Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên vua cha, vua Thánh Tông khen là việc kỳ đặc.
Như vậy, qua những hành động của Ngài như nhường ngôi cho em, sống trong cảnh cao sang mà tâm hoàn toàn thanh tịnh, đến giấc mộng kiến Phật cũng đủ chứng minh chất Phật đã có sẵn trong Ngài từ thời quá khứ rất sâu đậm, cho nên tuy ở địa vị tột đỉnh Ngài thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha, Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của Tổ tiên? Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt. Đây quả thật là hạt giống từ bi đã ẩn chứa trong con người của Ngài từ vô lượng kiếp. Như trong Kinh Viên Giác Phật dạy: “Này thiện nam tử! Bậc Đại Sĩ biến hoá thị hiện ở thế gian chẳng phải do tâm ái làm gốc, mà chỉ do lòng từ bi khiến nhổ hết gốc ái của tất cả chúng sanh. Các Ngài mượn cảnh tham dục mà vào trong sanh tử.
Như vậy, sự có mặt của Ngài trong thế giới Ta bà khổ đau này, không phải vì nghiệp lực chiêu cảm mà vì bi nguyện, hạnh nguyện, đại nguyện của bậc xuất trần Thượng Sĩ đi vào trong dị loại để hoàn thành Phật đạo nhiếp hoá chúng sanh.
Thật là:
Tóc bạc đầy đầu lìa hang núi
Đêm tối xuyên mây vào xóm làng.
II/ Con Đường Xuất Thế Của Vua Trần Nhân Tông:
Sau hai lần lãnh đạo dân quân Đại Việt đánh thắng giặc Mông Nguyên giải phóng đất nước, năm 1293 Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm và chuẩn bị con đường xuất thế cho chính mình bước đầu Ngài ở Vũ Lâm như trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Bấy giờ Thượng Hoàng ngự đi Vũ Lâm dạo chơi hang đá, cửa núi đá hẹp Thượng Hoàng đi chiếc thuyền nhỏ, Thái hậu Tuyên Từ ở đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên đằng mũi thuyền. Chỉ cho một phu chèo thuyền mà thôi khi Thượng Hoàng sắp ra đi, bèn mời Đạo Tải vào điện Dưỡng Đức, cung Thánh Từ ban cho ngồi ăn đồ biển làm thơ rằng:
Chân rùa bóc đỏ mọng
Yên ngựa nướng vàng thơm
Sơn tăng giữ giới sạch
Cùng ngồi chẳng cùng ăn
(Hồng thấp bác quy cước
Hoàng hương chá mã yên
Sơn tăng trì tịnh giới
Đồng toạ bất đồng san.)
(Trích toàn tập Trần Nhân Tông)
* Non thiêng Yên Tử:
Dù ai quyết chí tu hành
Có về Yên Tử mới đành lòng tu.
Đến tháng mười năm Kỷ Hợi (1299) Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ở đây, Ngài chuyên cần công phu tu tập thiền quán từ khước sự hưởng thụ của thế gian, thực hành 12 hạnh đầu đà, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đầu Đà. Nơi non thiêng Yên Tử Ngài sẵn sàng khước từ công danh phú quý, sống ẩn mình nơi hoang dã, để buông bỏ tình chấp ngã nơi thân tâm mà đoạn đường gay go nhất của các hành giả phải vượt qua, do buông bỏ tình chấp ngã nên Ngài đột phá vào cửa thiền chóng nếm mùi đạo vị, mà trong bài Đắc Thú Lâm Tuyền thành đạo ca Ngài đã bộc lộ chỗ thấu thoát của mình qua câu:
Học đòi chư Phật
Cho được viên thành
Xướng khúc vô sanh
An thiền tiêu sái.
* Vô Sư Trí Vi Tôn.
Nhờ vào năng lực công phu hành thiền miên mật cộng với núi rừng non thiêng Yên Tử, ngài đã phát minh tâm địa thấu thoát bản lai diện mục của chính mình, khơi lại nguồn sáng tạo sống động “Vô sư trí” trong con người của Ngài, vượt thoát sự đối đãi nhị nguyên thường tình của nhân loại, đã thể hiện trong bài “Xuân vãn” Ngài đã nói lên một niệm mê là chúng sanh, một niệm giác tức Phật.
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Dịch:
Thuở bé chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Nệm cỏ giường thiền ngắm hồng rơi.
Thật vậy, lúc còn niên thiếu ở trong ngôi vị quyền quý của một ông Hoàng chưa thấm nhuần lý đạo, mỗi độ xuân về hoa khoe sắc thắm. Sắc hương hoa là hình ảnh xao xuyến, quyến rũ tâm hồn trẻ dại của Ngài khi mỗi độ xuân về. Nhưng khi khôn lớn tìm thấy được dấu đạo, Ngài quyết dấn mình vào cửa thiền, qua bao năm tháng gia công tu tập, Ngài đã khám phá ra chân lý của vũ trụ, thấu tột “bản lai diện mục” của chính mình. Đến đây Ngài không bị sắc, hương, hoa quyến rũ nữa, mà tâm hồn luôn lắng đọng trong niềm cô tịch, từ đây đâu còn đuổi bướm hái hoa nữa, ngồi lặng lẽ trên nệm cỏ giường thiền nhìn hoa nở, tàn rơi rụng một cách an nhiên tự tại. Trước mắt Ngài, mỗi sự mỗi vật cứ trôi đi mãi, chuyển dịch đổi dời không phút giây dừng nghỉ, sự sinh diệt nơi các hiện tượng như một dòng sông trôi chảy đến vô tận, mà không thoát ngoài sự định vị của pháp giới. Đó là hình ảnh:
Thị pháp trụ pháp vị
Thế gian tướng thường trụ
Bởi vậy, dưới con mắt của người đã thấu thoát pháp giới vẫn thấy có cái gì luôn luôn hiện hữu, thoát ngoài sự sinh diệt không gian và thời gian muôn thuở.
Thế nên, người tu theo tinh thần thiền tông là không huỷ hoại đến các pháp, mà trả các pháp về bản vị của chúng, hoa vẫn nở, chim vẫn hót, suối vẫn reo, gió vẫn đùa trên tùng thông ngàn cội; hoa và chim, suối và gió, tùng và thông là một sự nhiệm mầu bất biến sinh động. Chúng vốn có mặt từ vô thuỷ đến vô chung, mà vô thuỷ và vô chung chỉ có mặt trong sát na thực tại bất động.
Vì vậy, thiền không thể lìa ngoài ảo ảnh đổi thay của muôn pháp, mà riêng tìm thực tại chân không, nhờ “Không” mà muôn pháp được hiện bày, nhờ “Không” mà muôn pháp được hoạt dụng. Vì sao? Vì “Không” vốn là tự thể của muôn pháp, là mẹ đẻ của muôn loài, là cội nguồn của chủng tánh hàm linh, là sự hiện sinh của tất cả pháp giới, ba đời chư Phật cũng từ “Không” mà lưu xuất. Nhưng “Không” lại không hình, không tướng, không phải quấy, hơn thua, lành dữ, tốt xấu…nên không sờ mó và nắm bắt được.
Nét độc đáo của “Thiền” là phát minh “Vô sư trí”. Vì vậy, người tu thiền khi nào ánh sáng giác ngộ bùng vỡ từ vùng sâu thẳm của tâm thức, khi một nguồn sống tâm linh được tuôn trào, thì lúc ấy chúa xuân liền vén mở cho ta những ẩn mật của kiếp người. Muốn khám phá ra được bộ mặt thật của chúa xuân, muốn trở về nguồn cội của pháp giới, thì mỗi người phải tự thể nhập vào vạn pháp. Chúa xuân ấy chỉ nằm trong sự đổi thay của muôn pháp, trong cái chuyển biến vô thường ảo vọng, hoa nở, hoa tàn của chúa xuân, trong sự vận hành của pháp giới nhân sinh, còn có cái gì ẩn mật thầm kín trường tồn miên viễn. Đó là hình ảnh:
Mây vốn không mây
Gió vốn không gió
Xưa nay không mây gió
Trời xanh! Mãi trời xanh!
Cuối cùng, chỗ dụng công đắc lực của hành giả tham thiền là: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”, việc làm này là việc của chính mình đâu tìm cầu bên ngoài mà vô ích. Nên nói là: “Bổn phận sự bất tùng tha đắc”. Vì thế, người tham thiền luôn luôn lúc nào cũng tỉnh thức và hằng xét soi lại chính mình, đừng để sáu căn đuổi theo sáu trần. Đến khi nào công phu chín muồi, thời tiết nhân duyên đến hoa lòng bỗng nhiên bừng nở, một tiếng nổ vang, mười phương thấu suốt, mới hay ra rằng: “Chúng sanh xưa nay vốn đã là Phật, sanh tử – Niết bàn như giấc mộng đêm qua”.
III/ Tóm Kết:
Nhìn chung Sơ Tổ Trúc Lâm – Phật hoàng Trần Nhân Tông, quả là một con người quá là siêu thoát nổi bật trong đạo Phật nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng, một nhân cách sáng ngời cho hàng hậu học phải noi theo; nói về mặt lãnh đạo, là một nhà lãnh đạo tài ba xuất cách qua hai lần chống Nguyên Mông, về văn hóa là nhà văn hóa lớn trong lịch sử của dân tộc Đại Việt, về tôn giáo là nhà tôn giáo xuất trần Thượng Sĩ đi vào cuộc đời như một áng mây huyền thoại… Do đó, để nhận định về Ngài, chúng ta không thể lấy thức tâm phàm tình phân biệt được. Và hơn thế nữa, Ngài lại là bậc “Tùng lâm tông tượng” là bậc Đại Sĩ xuất trần, muốn biết về Ngài chúng ta lại phải một phen nhào nặn công phu đến khi nào “hoa lòng bừng nở” thì mới cùng Ngài tay trong tay dạo khắp mười phương chỉ trong một niệm.
Tóm lại, Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là bậc Tổ Sư tôn kính đối với tất cả con cháu của dân tộc Việt Nam, và tinh thần “Vui đạo sống tùy duyên” của Ngài cần được phát huy đúng mức với người tu Phật, chúng ta phải biết trân quý, giữ gìn gia tài vô giá mà bậc Đại Sĩ Phật Hoàng để lại, chính đó là nền tảng để xây dựng một đất nước dân chủ, tự do ngày càng vững mạnh. Ý thức được trách nhiệm đó, chúng ta phải luôn luôn đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp… mà xưa kia Phật Hoàng Nhân Tông đã từng dung hợp “Tam giáo đồng nguyên”.
Nhân ngày Đại hội PG Huyện Hàm Tân tổ chức, chúng con tạm viết vài dòng thành kính tưởng niệm đến Ngài cùng đốt nén tâm hương dâng lên Ngài, một bậc “Tùng lâm tông tượng” hoá hiện đại phương tiện thiện xảo thể nhập nơi chốn “Cung vàng điện ngọc” mà vẫn ung dung tự tại siêu thoát như một áng mây huyền thoại trên bầu trời của dân tộc Đại Việt. Đó là hình ảnh:
Người về qua cửa phù vân
Nghiêng vai trúc gánh phong trần đổ đi.
Cuối cùng chúng con thành kính hướng về Tổ phát nguyện cố gắng tu tập như Ngài, dẫu đời này không được một bậc “Tùng lâm tông tượng” như Ngài. Song chúng con vẫn cố gắng làm viên thuốc bổ cho đời hòng xoa dịu những nỗi khổ đau của kiếp người trong vòng vô minh tăm tối và để cùng nhau tay trong tay hòa quyện trong cõi vô thường đầy ảo mộng này.