- Diệu Chỉ Phật Tâm Tông
- Mười Điều Tâm Niệm
- Con Đường Tự Thắng Mình
- Ngộ Là Huyết Mạch Của Thiền
- Tịnh Độ Nơi Ấy Bây Giờ Và Ở Đây
- Tích Truyện Pháp Cú – Phẩm Song Yếu. Phần 2
- Tỳ Ni Con Đường Thiền Tập: Bài 3 – Nghe chuông
- Tỳ Ni Con Đường Thiền Tập: Bài 2 – Minh chung (Thỉnh chuông)
- Tỳ Ni Con Đường Thiền Tập: Bài 1 – Tảo giác
- Tỳ Ni Con Đường Chuyển Hóa Nội Tâm
Làm Thế Nào Phát Bồ Đề Tâm
ĐĐ.Thích Khế Định thuyết giảng tại Úc 2011
I. DẪN NHẬP
Hôm nay hội đủ duyên lành, chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị về những điều mà Đức Phật đã chỉ dạy, nhằm giảm bớt những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời và tiến đến con đường hạnh phúc, giác ngộ giải thoát.Trước khi đi vào đề tài chính, tôi xin hỏi quý Phật tử một điều: Một số quý vị đi chùa, gặp người bạn cũng đi chùa rủ cùng phát bồ đề tâm làm việc bố thí, cúng dường. Vậy Phát Bồ đề tâm là gì? Có phải là bố thí, cúng dường hay làm các việc thiện pháp không? Cái đó chỉ đúng một phần thôi. Phát Bồ đề tâm ở đây là thấy những nỗi khổ của chúng sanh (khổ về tâm chứ không phải khổ về thân), chúng ta muốn cứu giúp cho họ hết khổ.
Nhưng nếu chúng ta còn là phàm phu, là chúng sanh như họ thì không cứu được, mà muốn chữa được tâm bệnh của chúng sanh, chúng ta phải có năng lực lớn. Muốn có năng lực này, chúng ta phải phát bồ đề tâm tu thành Phật để độ cho họ.Cho nên ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với quý Phật tử đề tài: “Làm thế nào phát khởi Bồ đề tâm?”.
II.LÀM THẾ NÀO PHÁT KHỞI BỒ ĐỀ TÂM
Chúng ta biết con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát là đi từ mê đến giác. Muốn phát khởi được Bồ đề tâm, quý vị phải luôn quán chiếu thứ nhất là mình có phúc duyên may mắn được làm thân người, sáu căn đầy đủ, duyên may thứ hai là chúng ta biết được chánh pháp mà Đức Phật chỉ dạy. Quán chiếu sâu sắc như thế thì tâm bồ đề của chúng ta phát khởi.
Vua Trần Thái Tông dạy: “Trong lục đạo, chỉ có người là quý, đến khi nhắm mắt đi rồi mờ mờ mịt mịt chẳng biết chỗ đến, hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, chẳng được làm người. Đây là cái khó thứ nhất”.
Cho nên chúng ta phải thấy rằng mình có phúc duyên may mắn được làm thân người để tu, còn nếu sanh vào 3 đường ác, khổ quá cũng không tu được.
Trong Thiền môn cảnh tỉnh truyện có ghi: Có một vị thánh tăng ở núi Kế Tân, dù có thể tọa thiền nhập định rất lâu nhưng Ngài thường phát tâm xuống bếp nấu cơm cho đại chúng. Một hôm, có hai vị Tăng từ xa nghe tiếng tăm của Ngài nên muốn đến gặp, thấy một vị Tăng đang chụm lửa đốt lò ở hang dưới. Hai vị khách tăng hỏi thăm về vị thánh tăng, Ngài chỉ lên hang thứ ba ở phía trên. Họ liền đi lên tìm. Ngài dùng thần thông bay trở về chỗ phòng mình. Hai vị tăng vừa vào gặp thấy đúng là người vừa nãy ở dưới bếp chụm lò nấu cơm, ngạc nhiên liền hỏi tại sao Ngài đã nổi tiếng mà vẫn còn phải tự mình làm bếp nấu cơm như vậy? Ngài nói nếu chặt cả tay chân làm củi nấu cơm cho đại chúng ăn Ngài cũng làm, vì Ngài nhớ lại 500 kiếp về trước đều làm thân chó thường bị đói khát, khổ sở, chỉ có hai lần được no đủ nhưng đều bị mất thân mạng. Lần thứ nhất là có người uống rượu say, ói mửa ra, con chó ăn xong bị bệnh chết. Lần thứ hai làm chó trong một gia đình hai vợ chồng nghèo, một hôm hai vợ chồng nấu cháo để trong nồi rồi đi ra ngoài, con chó vì đói quá nên chui đầu vào trong nồi, ăn no nhưng sau đó không rút đầu ra được. Ông chồng về tức giận lấy dao chém đứt đầu. Cho nên Ngài quán chiếu lại các kiếp trước của mình đã từng phải làm súc sanh, chịu khổ vô cùng nên giờ được làm người, được tu tập chứng quả nên xả bỏ thân này ngàn vạn lần cho chúng sanh Ngài cũng không tiếc.
Bây giờ chúng ta chưa được như Ngài, nhưng chúng ta nương câu chuyện này để biết rằng biết đâu trong thời quá khứ, chúng ta đã từng làm bò, làm heo, làm chó. Do một túc duyên may mắn nào đó mà hiện nay được làm thân người, cho nên chúng ta phải tranh thủ phát khởi tâm bồ đề, làm các thiện pháp, tu tập chuyển hóa nội tâm để thành Phật độ chúng sanh.
Vua Trần Thái Tông dạy tiếp: “Đã được thân người lại sanh nơi mọi rợ, tắm thì đồng sông, ngủ thì chung giường, trật tự tôn ti không có, nam nữ lẫn lộn, chẳng được phong tục nhân thuần, chẳng nghe chư Thánh giáo hóa, đây là cái khó được thứ hai”.
“Đã được sanh nơi phồn thịnh mà sáu căn không đủ, thân thể tật nguyền, mù, điếc, câm ngọng, què, thọt, còng gù, miệng mũi hôi tanh, thân hình nhơ nhớp, Thầy chẳng được gần, chúng chẳng được thân, tuy ở nơi phồn thịnh, dường thể ở ngoài quê vắng. Đây là cái khó thứ ba”.
Quý vị thử kiểm lại nơi mình, có bị mù không, có bị điếc không, có bị câm ngọng, què, gù không… nếu không thì đó là duyên may của quý vị.
Trong Nghệ thuật sống có kể một người thanh niên làm ăn thua lỗ, tuyệt vọng muốn tự tử chết. Trên đường đi ngang một khúc sông, anh gặp một ông cụ già thấy anh bộ dạng thất thểu nên hỏi thăm. Ông cụ sau khi nghe xong câu chuyện của anh, nói: “Nếu anh có can đảm thì bán cho tôi cặp mắt của anh ra, tôi sẽ trả anh 1 triệu đô la”. Anh này suy nghĩ một triệu đô la thì rất nhiều, có thể giúp anh lúc đang khó khăn này nhưng nếu không có cặp mắt thì làm được gì, cho nên không bán. Ông già lại tiếp tục đề nghị anh bán hai cánh tay với giá 2 triệu đô la, anh này nghĩ có hai triệu đô la mà không có tay cũng chẳng làm được gì nên không bán. Ông già tiếp tục đề nghị mua hai chân của anh với giá 4 triệu đô la, anh nghĩ số tiền đó rất nhiều nhưng nếu không có chân để đi lại thì cũng khó khăn nên cũng không đồng ý bán. Lúc này, ông già hỏi anh thanh niên tự tính trong con người mình có bao nhiêu tiền và anh kêu nghèo là nghèo chỗ nào? Nghe xong, anh thanh niên sực tỉnh, không tìm tới cái chết nữa.
Chúng ta có cặp mắt thấy hết tất cả thiện, ác, thiện chúng ta làm, ác chúng ta tránh, rồi mình còn có may mắn được nhìn thấy hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, đã chỉ ra con đường hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh. Rồi chúng ta có hai bàn tay để làm các việc thiện pháp. Cho nên đôi khi chúng ta thấy những đau khổ dồn dập đến với mình, nhưng thực ra trên cuộc đời này còn có rất nhiều chúng sanh phải chịu đau khổ gấp trăm, gấp ngàn lần mình. Quán tưởng sâu sắc như vậy thì mình không còn khổ nữa, mà còn thấy mình may mắn vì đã được làm người, biết đến Chánh pháp và lợi ích của việc phát bồ đề tâm, để mình sống một ngày có giá trị của một ngày, sống một tháng có giá trị của một tháng.
Khi làm các thiện pháp như bố thí, cúng dường…, chúng ta không mong cầu phước báo trời, người mà phải phát nguyện lực lớn là nhờ việc bố thí, cúng dường… ngày hôm nay làm trợ duyên để thành tựu quả vị tối thượng, quả vị Phật. Đó là phát bồ đề tâm chân chính.
“Nay đã làm thân người, được sanh nơi phồn thịnh, lại đầy đủ sáu căn đâu chẳng là quý sao? Người đời luôn đuổi theo con đường danh lợi, luống nhọc xác tổn thần, đem thân mạng quý báu này làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh”.
Có những người làm ăn bất chính, kiếm tiền một cách phi pháp rồi sau đó mang tiền đi bố thí, cúng dường, quý vị nghĩ họ có phước không, có chuộc lại tội họ đã làm không? Cũng có phước, nhưng mai này tái sanh vào loài thú, và vì có phước nên cũng được ăn sung mặc sướng, hưởng mọi thứ đầy đủ nhưng mang thân thú, không có cơ hội tu tập.
Chúng ta không có nhiều tiền cũng được, nhưng biết ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, sám hối rồi hồi hướng cho chúng sanh cũng đủ, đâu cần mình phải làm việc này, việc nọ làm nhọc xác tổn thần, rồi tạo bao nghiệp xấu để tự mình gánh chịu.
“Sánh với người ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên môi nào có khác gì. Tuy thân mạng thật là quí trọng, vẫn chưa quí trọng bằng đạo tối cao. Cho nên Khổng Tử nói: “Sớm nghe đạo chiều chết cũng vui. Lão Tử nói: “Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân.” Thế Tôn thuở xưa cầu đạo xả thân cứu cọp đói. Đâu chẳng phải ba bậc Thánh nhân đều khinh thân mà trọng Đạo đó sao? Than ôi! Thân mạng thật là quí trọng còn phải xả để cầu Vô thượng Bồ-đề, huống là vàng ngọc, tiền của đáng khinh mà lại tiếc sao?”
“Đã nghe lời này, cần phải gắng học, chớ nên nghi ngờ chậm trễ. Kinh nói: “một phen mất thân người, muôn kiếp chẳng được lại”, thật là thống thiết. Cho nên Khổng Tử nói: “Người không chịu làm, tôi chẳng làm gì, cam đành thôi vậy.”
Một khi mất thân người rất khó được trở lại, giống như rùa mù gặp bọng cây. Quán chiếu như vậy để chúng ta phát bồ đề tâm, làm các thiện pháp và cố gắng tu tập để chuyển hóa nội tâm.
Trong Thiền môn cảnh tỉnh truyện có ghi, có một vị thánh tăng ở Tây quốc tên là Xà dạ đa, một hôm Ngài dắt đồ chúng vào trong thành. Khi đến cửa thành, ngài bỗng buồn, không được vui. Giây lát đi tới trước, trên đường gặp một con quạ, bỗng dưng ngài mỉm cười. Đệ tử lấy làm lạ thưa hỏi, nhân đó Ngài thuật lại chuyện để nói nguyên do:
Ban đầu ở dưới cửa thành ngài thấy một con ngạ quỷ con đói quá mệt lả, nó đợi mẹ vào thành kiếm thức ăn đến nay đã 500 năm rồi, bụng đói trống trơn rất khốn khổ, mạng chẳng còn bao lâu. Đến khi vào thành Ngài gặp quỷ mẹ. Quỷ mẹ nói: Tôi từ biệt vào thành đã lâu để tìm thức ăn mà chẳng được, khi được chút ít đồ khạc nhổ thì bị các con quỷ mạnh cướp đi. Mới ngày hôm nay gặp một người ói mửa mà không có con quỷ nào khác, tôi định muốn đem về cho con, nhưng ở dưới cửa thành lại có nhiều quỷ thần, sợ bị giành đoạt mất nên chẳng dám mang ra. Nguyện Tôn giả từ bi ngầm đem tôi ra khỏi thành để mang những đồ người ói ra cho con cùng ăn. Ngài lại hỏi rằng: Từ khi sanh đến nay được bao lâu rồi? Quỷ mẹ đáp: Tôi thấy thành này bảy lần thành rồi lại hoại. Ngài nghe nó nói rất đau buồn cho việc sanh tử không có bờ mé do đó lộ vẻ buồn bã chẳng vui.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Làm tất cả các thiện pháp mà quên mất tâm bồ đề đều là hành động của ma”. Chẳng hạn như bố thí, cúng dường, làm các thiện pháp mà quên mất bồ đề tâm thì đó là ma sự chứ không phải Phật sự, vì trong các việc đó có ngã, có nhân, có chủ có khách, có hơn có thua, làm đến đâu chấp đến đó. Trên tinh thần nhân quả, làm các việc thiện đó cũng có phước, nhưng là phước hữu lậu, phước sanh diệt. Còn làm với tâm bồ đề là làm tất cả các thiện pháp mà tâm không có trụ, không chấp trước.
III. TÍNH CHẤT CỦA BỒ ĐỀ TÂM
Bồ đề tâm có ba đặc tính:
1. Trực tâm: tâm chánh niệm chân như, tâm hướng thẳng về Phật tánh sáng suốt của chính mình. Chẳng hạn quý vị đến chùa lạy Phật, nghe pháp thì chỉ biết lạy Phật, nghe pháp chứ không thêm bớt gì, thân ở đâu thì tâm ở đấy, không vọng tưởng lăng xăng. Lái xe cũng chỉ biết lái xe, làm bất cứ việc gì chỉ biết việc đó, từ tánh biết này lưu xuất ra các pháp mà không trụ các pháp. Tánh biết vọng thì vọng lên tự tiêu, tự mất.
Trực tâm một khi phát khởi sẽ khiến trí tuệ Bát Nhã hiển lộ và đạt đến cảnh giới vô ngã. Ban đầu nhiều vọng tưởng, chấp trước, chúng ta phải nương vào văn tự Bát Nhã. Một thời gian quán chiếu về tính chất duyên khởi của các pháp, đó là quán chiếu Bát Nhã, cuối cùng thâm nhập vào thật tướng Bát Nhã. Như thiền sư Duy Tín nói: “Trước khi gặp thiện hữu tri thức, ta thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, ta thấy núi sông không phải là núi sông. Ngày nay, sau ba mươi năm, ta lại thấy núi sông là núi sông.”
Cho nên một hôm vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Thế nào là đệ nhất thánh nghĩa đế?”. Ngài đáp: “Rỗng rang không có thánh”.
Trong cảnh giới “vô nhất vật” không có thánh, không có phàm, không có nhân, không có ngã, sở dĩ nói thánh vì có phàm, nói phàm vì có thánh, nói bồ đề vì có phiền não.
Trực tâm tức là tâm chân thật. Tâm chân thật tinh tấn đoạn các điều ác, làm các điều lành. Chúng ta phải phát nguyện “Một đời làm thiện cũng chưa đủ, một ngày làm ác thì quá dư”. Ngài Duy Ma Cật nói: “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh Độ”.
2. Thâm tâm: tâm thường thích làm các việc lành để gieo trồng các công đức, phát huy bồ đề, tâm không để tạp niệm xấu tham, sân, si chen vào.
Trong Kinh diễn tả Tôn giả A Na Luật bị mù mắt, một lần muốn may lại cái y bị rách nhưng không biết nhờ ai xỏ kim hộ, Đức Phật bèn đến xỏ kim hộ Tôn giả. Ngài nói: Thế Tôn đã đầy đủ vô lượng công đức rồi, sao còn làm việc này? Đức Phật nói: Ta nhờ bòn mót từng chút ít công đức nên mới thành tựu được pháp tối thượng.
Tổ Quy Sơn dạy: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”, nghĩa là: về chỗ lý tánh chơn thật thì không nhận, không dính mắc dù chỉ là một mảy bụi, nhưng về cửa muôn hạnh thì việc gì cũng phải làm, không bỏ một việc nhỏ.
Ví như quý vị có một mảnh vườn, nếu không trồng cây, trồng hoa thì chắc chắn cỏ dại sẽ mọc, cũng vậy, nếu quý vị không gieo trồng tạo các thiện pháp trên mảnh vườn tâm thì cỏ dại tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến sẽ mọc.
Chúng ta thường phát nguyện “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, tất cả các chúng sanh tâm tham, tâm sân, tâm tật đố, ích kỷ…, mình phải phát nguyện độ hết chứ không để nó độ lại mình.
“Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” tức là phiền não nhiều vô tận vẫn thệ nguyện đoạn hết, không bỏ dang dở rồi thôi.
“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, quý vị hiểu như thế nào? Có phải là tám vạn bốn ngàn pháp môn mình đều học hết không? Học là học làm sao?
Thiền sư Thạch Củng lúc chưa xuất gia làm nghề thợ săn, một hôm đi ngang qua chỗ Ngài Mã Tổ. Mã Tổ hỏi: “Ông làm nghề gì?”.
– Con làm nghề thợ săn.
– Một mũi tên ông bắn được mấy con?.
– Một mũi tên con bắn được một con. Còn Hòa thượng một mũi tên bắn được mấy con?
– Một mũi tên ta bắn được cả bầy”.
Có bao nhiêu phiền não thì có bấy nhiêu pháp môn để đối trị, một niệm san tham khởi, quý vị dùng một mũi tên bố thí để bắn, một niệm tật đố khởi, dùng một mũi tên tùy hỷ để bắn. Nhưng dùng mũi tên như Ngài Thạch Củng thì biết bao giờ mới thành đạo tối thượng, mà mình phải dùng mũi tên của Thiền sư Mã Tổ, biết vọng tưởng không có thật, biết vọng tưởng không có tự tánh. Biết được như thế thì bao nhiêu niệm khởi lên mặc kệ, nó không lừa mình được nữa, các pháp lìa hết tức là một mũi tên bắn được một bầy. Lục Tổ nói: “Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm, ta không tâm nên không cần tất cả pháp”.
“Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”: con đường Phật đạo phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp, nhưng giờ này quý vị không còn sợ sanh tử, cũng không ưa thích Niết Bàn, trong cảnh giới “vô nhất vật” không còn khái niệm không gian và thời gian, mà chỉ còn một niệm duy nhất là chánh giác. Trong Kinh Pháp Hoa, Ngài Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất sau khi được Phật thọ ký, các Ngài rất vui vì biết chắc sẽ thành Phật. Tin chắc được như thế, chúng ta không còn sợ.
Có một cư sĩ đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Sau khi chết, Ngài sanh về đâu?”.
– Ta sanh vào địa ngục.
– Hòa thượng là thiện tri thức, sao còn sanh vào địa ngục?
– Ta không vào địa ngục thì ai cứu ông?
Mình thì sợ địa ngục nhưng các Ngài không sợ, vì thấy địa ngục và Niết bàn là một, giống như người cai tù thì ra vào tù như vào công viên, khách sạn, không có khổ.
3. Đại bi tâm: lòng từ bi vô hạn, “từ nhãn thị chúng sanh”, thương và làm tất cả để giúp tất cả chúng sanh mà không có sự phân biệt đây là những người thân của mình, những người theo đạo giống mình, còn kia là những người mình không ưa.
Cuối cùng, chúc Quý Phật tử luôn gắn chặt với Bồ Đề Tâm cho đến ngày thành Phật