Hoằng Pháp Thời Hiện Đại
I. Thực trạng đạo đức thời hiện đại
1. Tuổi trẻ và vấn đề đạo đức
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành tựu đạo quả giác ngộ tối thượng, Ngài buộc miệng thốt lên: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả mỗi chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ Như Lai không khác”. Song do một niệm bất giác vọng động nên che lấp bản tâm nên tạo vô lượng nghiệp khổ. Thật vậy, từ khi nước Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường hội nhập năm châu, việc giữ gìn và phát huy đạo đức của dòng giống Lạc Việt là điều thiết yếu. Thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội hiện nay xem nhẹ truyền thống đạo đức dân tộc, chạy theo nếp sống không lành mạnh. Cuộc đấu tranh tư tưởng giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tối và cái sáng đang xâm nhập vào đạo đức của tầng lớp mọi người, đặc biệt là lớp trẻ thanh thiếu niên.
Với tư cách là nhà hoằng pháp thời hiện đại chúng tôi xin nêu lên một vài vấn đề đạo đức lối sống của thanh thiếu niên trong thời hiện đại.
Khi nhắc đến hai chữ “thanh niên” mọi người đều biết đó là tầng lớp tri thức là nhựa sống của mỗi quốc gia, là tương lai của đất nước.
Trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.”
Muốn được vẻ vang, muốn được năm châu bốn bể kính nể, không những chúng ta trang bị cho mình một sức học vấn mà còn phải có đạo đức truyền thống của dân tộc Việt. Cổ đức nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” là lẽ đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài làm gì cũng khó”.
Thật vậy, tài và đức giống như chim hai cánh, gãy một cánh là không thể bay được, con người cũng phải cần hai yếu tố tài và đức.
Nhân loại sẽ đi về đâu? Khi giới trẻ có một lối sống thực dụng chỉ chạy theo những vật chất xa hoa phù phiếm mà quên mất đạo đức của các bậc hiền nhân chỉ dạy. Tình trạng này không những ở xã hội, gia đình mà còn len lỏi trong các học đường và tầng lớp tri thức. Bằng chứng trong những sách báo, những thông tin mạng internet đã đăng tải và phản ánh về các thực trạng nhức nhối này. Chúng lôi bè kéo đảng đánh nhau, chửi bới những lời thô tục, thậm chí đến trường học đều có mang theo vũ khí, khi một cơn giận dữ nổi lên chúng có thể giết cha mẹ, anh em, vợ chồng, thân tộc v.v… Những hành vi tàn bạo này được đăng tải trên báo chí mạng xã hội, chúng chỉ là một lớp băng nổi, thực tế còn rất nhiều hơn thế nữa. Cách đây không lâu người ta choáng váng vì một đoạn clip trên mạng internet nữ sinh đánh bạn đăng tải. Trong clip này, một cô bé đang bị nữ sinh tóc ngắn vừa đánh tới tấp vừa chửi tục với kiểu anh chị chợ búa. Trong khi đó một số khác ngồi trên ghế đá thản nhiên nhìn vụ đánh này với thái độ vô cảm. Không thể ngờ được đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng không những ở gia đình mà còn thâm nhập vào học đường của giới trẻ.
2. Nguyên nhân đạo đức xuống cấp và bạo lực gia tăng
– Do gia đình thiếu sự quan tâm chưa kết hợp với nhà trường giáo dục đạo đức con em mình chặt chẻ.
– Do sự phát triển nền kinh tế phim ảnh, game bạo lực chiến tranh v.v… những thông tin hạt giống này rớt trong tạng thức của giới trẻ.
3. Bạo lực gia đình
Bạo lực giữa vợ chồng với nhau, giữa cha và con, giữa anh và em, v.v… Song bạo lực gần đây chồng có thể giết vợ, vợ có thể giết chồng do một câu nói, do một hành động thiếu sự hiểu và thương dẫn đến cơn sân hận nổi lên có thể giết chồng hoặc là vợ, nên dẫn đến cái kết thật đắng lòng sau bao năm tháng chung sống.
Sở dĩ có những tình trạng này là do hàng ngày chúng ta gieo những hạt giống không lành mạnh vào trong tâm thức của chúng ta, nào là sách báo không lành mạnh, đầy tính chất bạo lực, rồi những băng đĩa phim ảnh không tốt trao cho nhau một cách quá dễ dàng. Chỉ cần chúng ta lên mạng xã hội không thiếu những thứ đồi trụy và bạo lực này. Đức Phật dụ như một con bò bị lột da bị vô số ruồi và muỗi hút máu.
4. Xã hội thời hiện đại
Sự điên loạn trong xã hội, con người ngày nay phải nói là vô tiền khoáng hậu nó biểu hiện như sau:
a- Các vụ thảm sát, khủng bố xảy ra liên tục ngày càng nhiều khắp nơi trên thế giới.
b- Tranh chấp và chiến tranh giữa các quốc gia này hay quốc gia khác liên miên bất tận, cũng là con người với nhau. Vậy mà khi đối diện nhau, họ nhìn với ánh mắt giống hình của một viên đạn. Đức Phật đã từng dạy: “Máu ai cũng cùng đỏ, nước mắt ai cũng cùng mặn”. Tại sao vì một chút lợi nhỏ cho dân tộc mình, cho cá nhân mình mà tàn hại lẫn nhau.
c- Con người ngày nay quá coi trọng kim tiền vật chất với mức độ điên rồ đáng báo động, miễn sao có lợi cho mình thì bất chấp tất cả như sản phẩm giả, sản phẩm độc hại, vũ khí hạt nhân, v.v…mục đích chỉ có tiền là đủ.
d- Nhân loại ngày nay đang trên đà xuống cấp trầm trọng, mang trong mình một căn bệnh quái ác đó là bất an và khổ não trong cuộc sống.
II. Hoằng pháp thời hiện đại
Như chúng ta đã biết Đức Phật là bậc “Đại y vương” là vua thầy thuốc. Chúng ta có bệnh chắc chắn rằng phải cần uống thuốc, mà bệnh gì? Đó là tâm bệnh -bệnh tật đố, bệnh ích kỷ, bệnh cống cao, bệnh chấp ngã v.v…Thú thật với các bạn những phương thuốc mà để trị các loại bệnh này, dẫu bạn có hàng trăm tỷ đồng cũng không mua được, dẫu bạn có đi các siêu thị khắp thế giới cũng không có các loại thuốc này.
Với tư cách là nhà hoằng pháp thời hiện đại, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn các loại thuốc mà chỉ có bậc xuất trần, thượng sĩ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại. Đó là những phương thuốc quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ, mà ở đâu? Xin mách nước cho các bạn, nó nằm ở trong tinh xá, thiền viện, chùa chiền v.v…
Vì vậy, các tinh xá, thiền viện, chùa,… cần có nhiều khóa tu, các buổi sinh hoạt để Phật tử có điều kiện đến nghe pháp và chứng nghiệm giáo pháp và uống tận đầu nguồn của sự an lạc và giải thoát mọi thống khổ trong cuộc đời.
Giáo sư Donala K.Swarer đã nói: “Thiền định Phật giáo chắn chắn thu hút mọi người bởi nhiều lý do. Đối với một số người, nó tạo một nơi trú ẩn yên tỉnh xa rời thế giới hỗn độn phức tạp ngày nay. Với những người khác có thể là phương tiện phản quan nội tâm để hiểu được chính mình.”
Có thể minh chứng được rằng phương tiện truyền thông giáo pháp của Đức Phật ngày này có phần thuận lợi như: Chư tăng hoằng pháp từ tỉnh này đến tỉnh khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác chỉ trong một thời gian rất ngắn. Có những trường hợp người Phật tử đang bệnh nặng sắp từ bỏ cuộc đời này muốn nghe lời khai thị từ vị thầy, bằng phương tiện điện thoại là họ có thể thực hiện được tâm nguyện của người hấp hối dù rất xa – ở Mỹ, Canada, Đức, Pháp,…Chúng tôi đã từng thực hiện các truyền thông khai thị này.
III. Làm thế nào để chuyển hóa nỗi thống khổ của con người
Sau khi chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề. Đức Phật thấy rõ tính bình đẳng trí tuệ và đức tướng Như Lai không khác trong mỗi chúng sanh, chỉ vì chấp ngã mà chúng sanh có sai biệt nghiệp lực tạo vô số nghiệp chủng. Do đó suốt 49 năm hoằng pháp, Ngài chỉ mong cho tất cả chúng sanh thấy rõ lại con người thật của chính mình. Trong nhà thiền gọi là kiến tánh. Về sinh hoạt của Tăng đoàn thời Đức Phật ngoài giờ đi khất thực và thiền định, chư Tăng tỏa ra khắp nơi để hoằng pháp. Đức Thế Tôn đã từng dạy các đệ tử: “Vì lợi ích cho chúng sanh, các thầy hãy đi khắp nơi, không đi hai người một chỗ”. Đức Phật muốn tất cả chúng sanh khôi phục lại tánh giác có sẵn nơi chính mình để thấy rõ giá trị cao quý của kiếp người. Ngài bảo: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.
Tóm lại qua bức thông điệp của Đức Phật, chúng ta thấy rằng điều thiết yếu hiện nay cần phải có một cái nhìn thấu triệt. Muốn được xã hội và gia đình có được sự hạnh phúc và an lạc thì mỗi người cần phải có sự tu tập và chuyển hóa nơi nội tâm nơi chính mình. Như trong Kinh Cưu La Đàn Đầu Đức Phật đã từng nói cho vị bà-la-môn Kutadanta rằng: “Muốn phát triển kinh tế trong làng của mình thay vì sát sanh tế lễ để đối phó các tệ nạn xã hội như: trộm cướp, giết người… thì ông phải tạo ra nhiều công việc làm, đời sống được cải thiện thì tệ nạn xã hội tự biến mất”. Như vậy sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã mang nhiều lợi ích cho nhân loại, nhưng trong sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật vẫn còn thiếu vắng một cá gì đó, đôi khi sự tiến bộ ấy sẽ đưa nhân loại đến hiểm họa diệt vong. Song có một yếu tố tinh thần có thể khôi phục lại những sức mạnh nội tâm mà khoa học không thể nào tìm ra được, yếu tố tinh thần ấy là con đường chuyển hóa nội tâm. Vị thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đã từng nói: “Từ xung đột và chiến tranh, người ta không thể tìm ra một con đường mới để cứu độ nhân loại ngoại trừ con đường ngày xưa một bậc Đạo sư vĩ đại nhất đã chỉ cho thế giới. Vị Đạo sư ấy là ai? Chính là Đức Phật Gotama bậc thầy của chư thiên và loài người.”
Viết tại Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Thiện
Thích Đạt Ma Khế Định
Trụ trì TV. Trúc Lâm Chánh Thiện
Ủy Viên Ban HP Tỉnh Bình Thuận
Trưởng Ban HP Huyện Hàm Tân
Thành viên Trung Tâm Nghiên Cứu và Ứng Dụng
Thiền học Bắc truyền tại Viện Nghiên Cứu Phật Học TP.HCM