Thông Báo: Tổ Chức Khóa Tu Thiền Tập – Tết 2020
KHÓA TU THIỀN TẬP 3 NGÀY
Chủ Đề: CON ĐƯỜNG CỦA SỰ TỈNH THỨC
Ngày 28,29,30 tháng 01 năm 2020
(Nhằm ngày 4,5,6 tháng 01, Canh Tý)
Lời Phi Lộ
Như chúng ta đã biết, thế giới càng văn minh, khoa học càng tiến bộ, vật chất càng đầy đủ, con người càng quên mất chính mình. Cũng vì quên mất chính mình nên từng giờ, từng phút chúng ta luôn luôn dính mắc vào trần cảnh, niệm niệm nối nhau không phút giây tỉnh thức. Nên Tuệ Trung Thượng Sĩ nói:
“Người đời mãi ngắm nhìn non đẹp
Ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm”
Mãi duyên theo ngoại cảnh, chúng ta vô tình hay cố ý đã lạc vào chốn rừng hoang đầy thú dữ.
Càng đi! Càng đi xa mãi! Càng quanh quẩn nhiều, càng lạc lối thêm. Ta giống như chàng cùng tử bỏ cha đi không khác.
Thật là!
“Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày cách quê xa muôn dặm trường”
Bởi vậy, nhân dịp nghĩ Lễ nhiều ngày, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện, sẽ tổ chức khóa tu 3 ngày với chủ đề “Con đường của sự tỉnh thức”, mong muốn tất cả mọi người cùng khám phá bộ mặt thật của mình là gì? Để rồi từ đây, đại lộ thênh thang mây trời một cõi, đâu đâu cũng là sắc Phật, nơi nơi đều là tiếng Phật.
Thế là từ đây, con đường sanh tử tạm dừng, mà con đường Đại nguyện rộng mở. Vậy chúng tôi mong muốn tất cả mọi người cùng nhau trở về Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện, lắng tâm trong 3 ngày để vơi bớt đi những niềm sầu khổ trong cuộc sống.
Nội quy về giới luật trong suốt khóa tu 3 ngày
Nền tảng của sự tu tập căn bản của thiền là giữ giới để tạo được sự định tâm và phát sinh trí tuệ, gọi chung là Giới – Định – Tuệ.
* Giới:
Tất cả mọi thiền sinh tham dự khóa thiền phải luôn tuân thủ 5 giới làm căn bản.
1. Không giết hại sinh vật
2. Không trộm cướp
3. Không quan hệ tình dục
4. Không nói sai sự thật
5. Không dùng chất gây say. Ma túy và chất gây nghiện khác.
* Tuân thủ nguyên tắc vị thầy hướng dẫn khóa tu và phương pháp thực tập thiền theo đường lối chỉ dạy của Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
1. Tuân thủ theo sự hướng dẫn của vị Thầy
Trong thời khóa thiền, thiền sinh phải hứa sẵn sàng tuân theo mọi sự hướng dẫn của vị Thầy phụ trách khóa tu. Đó là: tuân thủ theo đường hướng và sự tu tập theo con đường Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam không thêm cũng không bớt vào điều gì. Sự tuân thủ bằng trí tuệ chứ không phải bằng sự mù quáng. Chỉ với thái độ tuân thủ này thiền sinh mới có thể tu tập chuyên cần. Đặt hết sự tin tưởng vào vị Thầy và phương pháp thực tập thiền là yếu tố quan trọng cho sự thành công của khóa thiền trong 3 ngày.
2. Những phương pháp khác, nghi lễ, và hình thức thờ cúng
Trong khóa tu thiền, điều tối quan trọng là mọi hình thức cúng bái hay các nghi lễ về tôn giáo như: nhịn ăn, lần tràng hạt, hoặc tụng niệm, ca hát, nhảy múa, v.v…phải tạm ngưng, chỉ dồn hết sức lực phản quan lại chính mình là cốt tủy của Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
3. Im lặng của bậc Thánh
Mọi thiền sinh phải im lặng thánh thiện từ lúc bắt đầu khóa thiền cho đến buổi sáng ngày cuối, sự im lặng của các bậc Thánh là sự im lặng của thân – khẩu – ý. Mọi hình thức nói chuyện tạp với bạn đồng tu…đều không được cho phép.
Tuy nhiên, thiền sinh có thể nói chuyện vị Thầy hướng dẫn khóa tu và gặp ban quản lý có những vấn đề như: mùng, mền, gối và những vật dụng khác…Nhưng những điều này giảm bớt nói chuyện chừng nào là tốt chừng đó. Thiền sinh phải tâm niệm là chuyến đi tu tập kỳ này là sự cô liêu tuyệt đối.
“Thầy là đỉnh núi cô liêu ngàn đời tịch mặc
Trò là con sông dài cuồn cuộn chảy về khơi.”
4. Sự cách biệt giữa nam và nữ
Phải duy trì sự cách biệt hoàn toàn giữa nam và nữ, vợ chồng…không được liên lạc với nhau dưới bất cứ hình thức nào trong khóa tu thiền 3 ngày. Điều này cũng áp dụng cho bạn bè và gia đình.
5. Yoga và tập thể dục
Mặc dù phương pháp yoga rất gần gũi với thiền nhưng thiền sinh vào khóa tu phải tạm ngưng vì không có sẵn khu vực và phương tiện tại thiền viện, cũng không được phép chạy bộ. Thiền sinh có thể đi kinh hành trong khu vực dành riêng cho nam hoặc nữ.
6. Dụng cụ tín ngưỡng
Thiền sinh không được mang vào trung tâm thiền bất cứ một vật nào như: Hình tượng tôn giáo khác, dây đeo v.v…Nếu vô tình mang theo cần phải giao cho ban quản lý giữ giùm trong thời gian khóa thiền.
7. Chất gay say và ma túy
Thiền sinh không được mang ma túy, rượu, hoặc chất kích thích vào trường thiền.
Vì sức khỏe cho mình và bạn đồng tu, tất cả thiền sinh hút, nhai, ngửi thuốc lá đều bị cấm tuyệt đối trong khóa thiền.
8. Quần áo
Quần áo nên giản dị, lịch sự hoặc áo lam. Không nên mặc quần áo chật bó. Không được phép phơi nắng hoặc để thân thể không kín đáo, điều này rất quan trọng trong khóa thiền.
9. Tắm giặt
Vì không có máy giặt tập thể nên thiền sinh phải mang theo đầy đủ áo quần, chỉ có thể tắm giặt trong giờ nghỉ, không tắm giặt trong giờ thiền, thính pháp và sám hối.
10. Liên lạc bên ngoài
Thiền sinh phải ở trong phạm vi trường thiền trong suốt khóa tu ngắn hạn 3 ngày. Thiền sinh chỉ rời khỏi trường thiền với sự chấp thuận của vị Thầy hướng dẫn trong khóa tu. Thiền sinh hạn chế tối đa liên lạc bên ngoài khi khóa thiền chưa viên mãn. Sự liên lạc bên ngoài bao gồm: thư từ, điện thoại, khách khứa. Điện thoại di động, máy nhắn tin, và mọi thiết bị điện tử khác (máy nghe nhìn, máy ghi âm, chụp ảnh…) phải được giao cho ban quản lý giữ cho tới khi khóa thiền chấm dứt. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn hoặc người thân của thiền sinh có thể liên lạc với ban quản lý khóa tu, hoặc nhắn người nhà gọi vào số điện thoại […].
11. Đọc và viết
Không được mang theo sách báo, giấy bút vào khóa thiền, chỉ nghe pháp và ghi nhận, dồn hết năng lực vào con đường phản tỉnh lại chính mình. Hạn chế việc đọc và viết là để nhấn mạnh tính thực tiễn vào đời sống như thật của chính bạn. Đây là trực chỉ hay “Kiến tánh thành Phật”.
THỜI KHÓA BIỂU
THỜI GIAN | CÔNG TÁC | HIỆU LỆNH |
03 giờ 00 | Thức dậy buổi sáng | 3 hồi chuông – 3 tiếng |
03 giờ 15 | Ngồi thiền | 3 tiếng chuông |
05 giờ 15 | Xả thiền | 1 hồi chuông |
05 giờ 30 | Đi kinh hành | |
06 giờ 15 | Tiểu thực (Ăn sáng) | 3 tiếng chuông |
07 giờ 45 | Tụng sám hối | 3 tiếng chuông |
09 giờ 15 | Ngồi thiền | 3 tiếng chuông |
10 giờ 00 | Thính pháp | 3 tiếng chuông |
11 giờ 30 | Thọ trai (Ăn trưa) | 3 tiếng bảng |
13 giờ 00 | Nghỉ trưa | 3 tiếng chuông |
14 giờ 00 | Thức dậy buổi trưa | 1 hồi chuông – 3 tiếng |
14 giờ 20 | Thính pháp | 3 tiếng chuông |
16 giờ 30 | Ăn chiều (Ăn nhẹ) | 1 hồi chuông |
18 giờ 05 | Tụng sám hối | 3 tiếng chuông |
19 giờ 30 | Ngồi thiền | 3 tiếng chuông |
21 giờ 00 | Xả thiền | 1 hồi chuông |
21 giờ 30 | Nghỉ tối | 3 tiếng chuông |
Lịch giảng sư:
Mùng 4 | Mùng 5 | Mùng 6 | |
Sáng | Đại đức Bảo Tú | Ni sư Hạnh Huệ | – |
Chiều | Đại đức Khế Định | Ni trưởng Như Đức | Tham vấn – Bế mạc |
* Thiền sinh cần chuẩn bị mang theo các vật dụng cá nhân sau:
– Áo lạnh, bàn chải đánh răng, bồ đoàn (nếu có).
– Áo tràng, và ba bộ đồ lam, khăn lau mặt, khăn tắm.