Vô Thường Con Đường Đưa Đến Tuệ Giác
Giảng tại chùa Huệ Quang, Melbourne, Úc
I. DẪN NHẬP
Hôm nay hội đủ duyên lành, chúng ta cùng có mặt ở tại chùa Huệ Quang để trao đổi giáo lý. Quý vị ở xứ này, tuy rằng bận rộn nhưng với tâm quý pháp nên vẫn bỏ thời giờ đến để nghe pháp, đó là một điều đáng khích lệ. Hiện nay, trên thế giới chung quanh chúng ta xảy ra nhiều hiện tượng như sóng thần, động đất, lũ lụt …, những hiện tượng này, với cặp mắt giác ngộ của Đức Phật hơn hai mươi lăm thế kỷ về trước, Ngài đã thấy và chỉ dạy cho chúng ta các pháp là vô thường. Đức Phật nói như vậy không phải để chúng ta sầu, ưu, bi, khổ não, chán nản mà nói để giúp chúng ta thấy rõ được bản chất các pháp là vô thường, từ đó lo tu tập để chuyển hóa tâm thức, phát sanh tuệ giác. Cho nên ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị đề tài “Vô thường, con đường đưa đến tuệ giác”.
II. VÔ THƯỜNG CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TUỆ GIÁC
Vậy vô thường là gì? Trong cuộc sống này, nhờ có vô thường mà có sáng, có trưa, có chiều, có tối, rồi có một ngày cho đến một tháng, một năm, mười, hai mươi năm. Nhờ vô thường, đứa bé sanh ra đời rồi lớn lên, trưởng thành chứ không đứng yên một chỗ. Nhờ vô thường mà chúng ta gieo hạt lúa, hạt bắp xuống thửa ruộng thì có lúc mình gặt hái được để có cái ăn. Rồi quý vị thử nghiệm lại, trong cuộc đời này quý vị khóc nhiều hay cười nhiều? Khóc nhiều. Nhưng nhờ vô thường mà có lúc chúng ta buồn, khóc nhưng khi hết buồn, hết khóc rồi thì có những lúc chúng ta lại vui. Nếu không nhờ vô thường chắc quý vị khóc suốt luôn, tức là nhờ có vô thường mà những vết thương sẽ lành trở lại, những nỗi đau trong cuộc đời này được xoa dịu. Như vậy, chúng ta thấy vô thường chính là sự biến đổi. Cho nên cuối cùng chúng ta phải cảm ơn sự vô thường. Thấy rõ được bản chất vô thường thì cuộc đời mình sẽ vui, không còn thấy đau khổ như ngày xưa.
Bây giờ quý vị thử trả lời câu hỏi: “Pháp vô thường này là có sẵn hay do Đức Phật tìm ra, phát minh ra?”. Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn như cái ly này, trước khi Đức Phật ra đời, nếu tôi liệng cái ly này xuống đất thì nó có bể không? Bể. Mà đến khi Đức Phật ra đời, lấy cái ly này liệng xuống cũng bể. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, cái ly này liệng xuống cũng bể. Như vậy, cả ba thời bản chất của nó đều là vô thường, nhưng vì chúng sanh vô minh nên không thấy, vì không thấy nên sanh chấp ngã về thân, chấp ngã về tâm, từ đó chịu khổ. Nhờ Đức Phật ra đời, giác ngộ, thấy được các pháp là duyên sinh, duyên khởi nên chỉ dạy cho chúng ta để chúng ta thoát khổ. Quý vị nghe nói nhiều về vô thường, nói đến vô thường thì ai cũng biết nhưng thực sự chưa thâm nhập lý vô thường, không hiểu hết được bản chất của vô thường nên khi cảnh đến vẫn khổ.
Một lần sau khi nghe về tính Duyên Khởi, thầy A Nan thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, con thấy pháp duyên sinh, duyên khởi mà Thế Tôn nói thật hay mà cũng thật đơn giản và dễ hiểu”. Phật bảo: “Đừng nói như thế, đừng nói như thế, A Nan. Pháp duyên sinh duyên khởi đó rất sâu sắc và nhiệm mầu, ông chưa hiểu hết đâu. Người nào thấy được tính duyên khởi tức là thấy được Như Lai”. Chúng sanh sở dĩ chìm đắm trong biển khổ, trong tranh đấu hơn thua là vì không biết, không thâm nhập và chứng nghiệm được tính duyên sinh duyên khởi của các pháp nên bị ác ma dẫn vào con đường ác, giống như con thú bị vòng xích quấn vào cổ, ông chủ muốn dắt đi đâu cũng được.
Do đó, Thiền sư Huyền Giác dạy:
Buông bốn đại đừng nắm bắt
Trong tánh vắng lặng tùy ăn uống
Muôn vật vô thường thảy thảy không
Đó tức Như Lai đại viên giác.
Có nghĩa là nếu chúng ta thâm nhập được vô thường thì tuệ giác phát sinh, cuộc đời này chuyện đến chuyện đi, chuyện còn chuyện mất nhưng không ảnh hưởng gì đến tâm của mình hết.
Trong Kinh A Hàm kể lại câu chuyện như thế này: Một thời Thế Tôn ở thành Xá Vệ, vườn ông Cấp Cô Độc, buổi sáng Thế Tôn đang trên đường đi khất thực thì có một Tỳ kheo tên là Ba bi ca, đến trước Thế Tôn nói:
– Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn hiện hữu trong cuộc đời này rất là khó gặp, sẵn đây Thế Tôn chỉ dạy cho con một pháp yếu để con tu tập.
Phật bảo:
– Này Tỳ kheo, ông phải nói chuyện cho đúng thời. Ta đang đi khất thực làm sao chỉ dạy. Sau khi ta khất thực, thọ trai xong, ta sẽ chỉ dạy pháp yếu cho ông.
Thầy Tỳ kheo hỏi ba lần như thế, Thế Tôn cũng đều đáp lại ba lần như thế. Cuối cùng, Thầy Tỳ kheo nói:
– Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn có từng dạy các vị Tỳ kheo cuộc đời này là vô thường phải không?
Đức Phật xác nhận:
– Đúng, ta có dạy như vậy.
– Nếu như đợi Thế Tôn thọ trai xong mới về chỉ dạy cho con, biết đâu giữa đường con bị bò húc chết thì làm sao con học.
Đức Phật nghe ông nói có lý, không đi khất thực nữa mà ra chỗ gốc cây ngồi an tọa. Thầy Tỳ kheo Ba bi ca quỳ xuống nghe pháp yếu. Thế Tôn nói một bài pháp thế này: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe”.
Ngay lúc đó ông chứng quả A la hán.
Tức là trong cái thấy chỉ là cái thấy thôi, nhưng chúng ta đâu có chịu như vậy đâu. Mình thấy cái ly này rồi nhưng phải thêm, mà quý vị thêm nhiều hay ít? Nào là cái ly này đẹp thật, mua ở đâu, giá bao nhiêu… , rồi thấy người ta nói chuyện riêng với nhau mình cũng để ý xem người ta có nói gì mình không? Thêm rất nhiều cho nên mất đi cái thực tại trong giờ phút đó
Sau khi Ngài chứng A la hán rồi thì quả nhiên trên đường đi, Ngài bị một con bò húc chết tại chỗ. Sau khi chết, thần thức Ngài thể nhập vào cảnh giới Niết Bàn. Đức Phật sai Tôn giả A Nan thiêu và sau đó dựng tháp thờ xá lợi của Ngài. Tôn giả A Nan thắc mắc vị này chưa chứng quả vô sanh sao lại xây tháp, Phật mới kể lại câu chuyện vị Tỳ kheo chứng quả A la hán nhờ thấy được bản chất các pháp là vô thường. Qua đó để thấy nếu như chúng ta thấy được bản chất các pháp là vô thường rồi thì tự nhiên thấu thoát, buông rất dễ.
Tổ Quy Sơn dạy: “Vô thường già và bệnh không hẹn với người, sớm còn tối mất, chỉ một sát na có thể từ đời này chuyển qua đời khác”.
Có khi nào vô thường hẹn với quý vị không? Không. Nhìn quý vị tôi thấy lá thư thứ hai Diêm Vương đã gửi tới rồi đó (tức là tóc bạc).
Trong Kinh Pháp cú có kể câu chuyện: Vua trời Đế Thích khi năm tướng lìa thân, biết mạng mình sắp chết, sau khi chết sẽ đầu thai làm con lừa tại nhà ông thợ đồ gốm vì đã hưởng hết phước nên rất buồn. Một vị Thiên tử khuyên Đế Thích đến gặp Phật Thích Ca Mâu Ni xin quy y. Đế Thích bèn hướng về Phật Thích Ca quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Sau khi quy y xong, ông chết, thần thức vào bụng con lừa nhưng nhờ năng lực quy y Tam Bảo nên sáng hôm sau, ông thợ gốm nổi sân lấy cây gậy đập con lừa làm cho nó bị sẩy thai. Do vậy, thần thức thoát ra trở lại thân cũ. Sau khi trở lại thân cũ, Trời Đế Thích mừng quá xuống đảnh lễ Phật, Phật nói: “Nhờ ông hướng đến Tam Bảo cho nên ông mới thoát nghiệp súc sanh”, và nói bài kệ:
Các hành vô thường
Gọi pháp thịnh suy
Vừa sanh liền chết
Diệt ấy là vui
Thí như nhà gốm
Vừa nặn thành đồ
Tất cả đều bể
Mạng người cũng thế.
Do đó, trong Kinh Niết Bàn, Đức Phật dạy:
Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp.
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt quy lạc.
Có nghĩa là các hành vô thường là pháp sanh diệt, mà cái sanh diệt này diệt rồi thì cái tịch diệt là vui. Đây là nói về chỗ công phu, có nghĩa là thấy các pháp vô thường, chẳng hạn ngồi thiền thấy từng niệm, từng niệm là vô thường, mà từng niệm lặng rồi thì tịch diệt là vui. Tức là cái biết thì không có sanh không có diệt, nó viên mãn, tròn đầy nhưng chúng ta luôn luôn đồng hóa nó với cái pháp vô thường này. Chẳng hạn như cái ly bằng ngọc, nếu lỡ rớt xuống thì chúng ta buồn, khổ bởi vì chúng ta đồng hóa cái ly này của mình mà không nhận diện được còn một ông chủ bên trong là cái tánh biết. Sống với cái tánh biết thì hết khổ. Đây gọi là tịch diệt là vui.
Vua Trần Thái Tông có một bài kệ, trong đó có hai câu:
Vạn sự nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng.
Tức là muôn sự ở thế gian này đều trôi đi như dòng nước, và chúng ta sống trên cõi đời này mấy chục năm phải luôn nhắn nhủ với lòng mình là mình làm được gì cho mình và cho người khác, mình có làm gì cho người khác phải đau khổ hay không?
Cho nên một hôm Khổng Tử đứng trước dòng sông Dịch Thủy nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ”, có nghĩa là “Chảy mãi, chảy mãi ư. Ngày đêm không ngừng nghỉ”. Quý vị nghiệm lại có thấy tâm mình chảy suốt, không ngừng nghỉ không? Ngay cả ngồi đây mà tâm mình có khi chạy đâu đâu.
Tuệ Trung Thượng Sĩ có làm một bài thơ “Khuyên đời vào đạo” như sau:
Thời tiết xoay vần xuân lại thu
Xanh xanh tuổi trẻ đã bạc đầu
Giàu sang nhìn lại một trường mộng
Năm tháng ôm suông muôn hộc sầu
Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh
Sông yêu chìm nổi tợ bọt chìm.
Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi
Muôn kiếp duyên lành chỉ thế thôi.
Được làm người là rất quý, lại được gặp Tam Bảo, có cơ hội thoát khổ sanh tử luân hồi đã chịu từ bao kiếp thì tại sao chúng ta không chịu chuyển hóa tâm thức của mình? Trăm ngàn kiếp chúng ta mới gặp được Phật pháp, nếu như quý vị tưởng dễ là lầm, một khi mất thân người thì muôn kiếp khó mà gặp được. Cổ đức nói: “Ngàn năm cây sắt trổ hoa còn dễ, một phen mất thân người muôn kiếp khó được lại”.
Sơ Tổ Trúc Lâm nói:
Thân như hơi thở ra vào mũi
Đời tợ mây trôi đỉnh núi xa
Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng
Nào phải tầm thường qua một xuân.
Vầng trăng sáng tức là tâm thanh tịnh chân thật, tĩnh lặng, rỗng suốt, ngay chỗ động tịnh mà chúng ta thấu thoát được thì không uổng một kiếp người. Nhờ biết được các pháp vô thường, chúng ta mới có sức định tĩnh, tự tại trong cuộc đời. Cho nên cổ đức có nói: “Một kiếp không tu muôn kiếp khổ, một đời không ngộ vạn đời sầu”.
Tế Công đời nhà Tống có làm bài thơ về sự vô thường:
Tiếc thay người đời chẳng biết không
Mê hoa đắm rượu tỏ anh hùng
Nhọc nhằn rốt cuộc về chầu Tổ
Số hết đến kỳ rũ tay không
Khéo léo nào hơn mèo bắt chuột
Thời gian thấm thoắt tựa tên bay
Thảng như lực kiệt tinh thần hết
Thây chết đành vùi chốn huyệt sâu
Suy đi nghĩ lại tỏ tường
Nam kha giấc mộng cũng dường ấy thôi
Trăm năm cuộc thế xoay vần
Lên voi xuống ngựa cũng nhọc nhằn thôi
Tỉnh ra nào có ai đâu
Vui buồn cảnh mộng chỉ là rỗng không.
III. BẢN CHẤT VÔ THƯỜNG CỦA VẠN PHÁP
Nói đến sự vô thường này, chúng ta đi vào ba cấp độ. Thứ nhất là thân vô thường, thứ hai là tâm vô thường, thứ ba là hoàn cảnh vô thường.
1. Thân vô thường
Trong Kinh Tăng chi bộ, có một vị Tăng đến trình kiến giải, nói thế này: “Bạch Đức Thế Tôn, sắc là vô thường, cái gì vô thường là khổ, những gì là vô thường ắt phải chịu sự biến hoại”
Quý vị có tin sắc này là vô thường, là hoại diệt không? Nếu mà thường còn là phải đủ ba yếu tố: một là chủ tể, hai là đồng nhất, ba là bất biến. Chủ tể tức là làm chủ được thân mình. Ví dụ như buổi sáng quý vị có công việc phải đi xa, trước khi đi vô tình ăn phải món đồ không hợp với mình nên bị đau bụng, lúc ấy, quý vị bảo nó đừng có đau bụng, nó có không đau không? Răng mình bị đau nhức, mình bảo nó không được đau nhức có được không? Hay như quý vị bảo cái thân này phải trẻ mãi không già liệu nó có nghe mình không hay nó vẫn cứ già? Như vậy thì đâu có làm chủ được. Còn nếu mà bất biến thì phải không thay đổi, nhưng cơ thể mình mỗi giây, mỗi phút nó sanh ra không biết bao nhiêu tế bào, chết rồi sống, sống rồi chết liên tục, mình không làm chủ được. Rồi cái gì là đồng nhất? Thân mình bao gồm đất, nước, gió, lửa, đất là xương thịt, móng tay, móng chân, tóc…, nước là máu, là các chất lỏng trong cơ thể, hơi ấm là lửa, gió là khí lưu thông trong cơ thể, bốn thứ này khác nhau, trong nhà Phật gọi là bốn con rắn tranh giành lẫn nhau trong thân ngũ uẩn này. Cho nên chúng ta thấy được nó khác nhau, không đồng nhất. Như vậy cái nào là vô thường chính là khổ, là sự biến hoại.
Ngài nói: “Do đó, con không có lòng tham, không có lòng dục, không có lòng sân, không còn lưu luyến đối với sắc thân nữa. Bạch Thế Tôn, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, cái gì vô thường là khổ, những gì vô thường là khổ, ắt phải chịu sự biến hoại, con không còn nghi ngờ gì về vấn đề này nữa. Do đó, con không có lòng tham, không có lòng ham muốn, không ưa thích, không lưu luyến đối với năm ngũ uẩn”.
Ngay trong giờ phút đó, Ngài chứng A la hán.
Nếu quý vị cũng quán chiếu sâu sắc được như thế thì lòng dục, lòng ham muốn sẽ giảm. Chẳng hạn ngày xưa mình có một chiếc xe vừa đủ để đi, nếu mình thấy người ta đi chiếc xe mới hơn mình thì tâm mình rộn rạo, muốn một ngày nào đó sắm chiếc xe đẹp hơn, mới hơn nhưng bây giờ, nhờ thấy được các pháp là tạm bợ, mỏng manh, vô thường, chỉ cần dùng đủ để sống thôi thì tự nhiên lòng ham muốn của mình dừng bớt. Những người sở dĩ không dừng được ham muốn là vì họ không thấy được bản chất các pháp là vô thường, nên sẵn sàng làm tất cả mọi việc, dù cho việc đó có làm người khác đau khổ. Thấy được tính duyên sinh duyên khởi của các pháp thì buông bỏ dễ dàng, nếu không thấy được thì lòng tham chấp, lòng dục tăng trưởng, giống như uống nước biển, càng uống càng khát mà không thỏa mãn được.
Đức Phật lấy ví dụ, có một ngôi làng trong đó một số người bị phong cùi, ngứa quá chịu không nổi nên nghĩ ra cách đào một cái hầm, nhóm lửa lên rồi hơ lửa gãi, càng gãi càng đã, nhưng qua cơn đã rồi thì lại thấy rát (ai mà chiêm nghiệm rồi mới thấy dục cũng như thế). Sau đó, có một người được vị lương y đến chữa lành bệnh cùi, một hôm người đó đi qua chỗ những người bị cùi đang hơ lửa gãi, những người này rủ ông vào hơ lửa cùng, ông từ chối và nói hết bệnh rồi. Đức Phật ví như một người xưa giờ lặn hụp trong biển ái, trong sự ham muốn, nhưng giờ nhờ học Phật pháp, biết cái này là dục, trước vui nhưng sau khổ, vui thì ít mà khổ thì nhiều, sau khi biết được như thế tức khắc lìa tham dục.
Trong Thiền thoại có kể: Có một vị Thiền sư tu hành rất tinh tấn, có một ông bạn làm ăn rất giàu có tên là Trương Tổ Lưu. Một hôm, ông xuống thăm người bạn của mình, nói: “Tôi thấy anh cũng lớn tuổi rồi, giờ anh buông xả bớt đi, hàng ngày đến tu tập với tôi”. Ông Trương Tổ Lưu nói: “Tôi cũng muốn lắm, nhưng mà tôi còn ba việc chưa làm. Thứ nhất con trai lớn chưa gả vợ, thứ hai con gái út chưa gả chồng và thứ ba là căn nhà này tôi chuẩn bị xây lại. Làm xong ba việc này tôi mới đến chỗ ông tu tập được”. Một tháng sau, ông Trương Tổ Lưu bị bệnh chết. Sau khi ông chết, vị Thiền sư đến viếng, không có tụng kinh hay khai thị gì, chỉ lấy một tờ giấy và viết như thế này:
Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông tu Phật, hẹn ba điều
Ba điều chưa vẹn, vô thường đến
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau.
Đúng duyên là đến chứ không có nể nang, hẹn trước gì cả, không chỉ có người già mà người trẻ cũng chết, dù cho giàu có hay nhiều uy quyền như tổng thống, thủ tướng, vô thường cũng đến. Diêm Vương không nể bất cứ ai cả.
Đời vua Anh Tông có vị Trạng Nguyên là Mạc Đĩnh Chi, ông đi sứ qua triều Nguyên nhằm lúc Nguyên Thế Tổ có một người con gái rất đẹp mất. Trong ngày đó, người đi sứ của các nước lân bang đến rất nhiều. Ông vua muốn thử những người đi sứ xem ai là người thông minh nhất nên đến lúc điếu tang, ông ghi lên chỉ một chữ “Nhất” rồi đưa cho các vị sứ giả các nước nhưng không ai đọc được hết. Chỉ có Mạc Đĩnh Chi liền ứng khẩu thành thơ, nên sau này được phong là Lưỡng quốc Trạng Nguyên (Trạng Nguyên hai nước):
Thiên thanh nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Diêu trì nhất phiến nguyệt.
Ô hô!
Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết
Tức là trên bầu trời xanh chỉ có một đám mây rất đẹp, tiêu biểu cho một người công chúa tài sắc vẹn toàn, nhưng dù cho đám mây đẹp cách mấy cũng bị gió thổi tan mất. Một lò lửa hồng điểm một hạt tuyết, hạt tuyết dù rất đẹp nhưng gặp lò lửa thì cũng tiêu mất. Vườn thượng uyển rất rộng nhưng chỉ có một đóa hoa duy nhất, nhưng hoa thì sớm nở tối tàn. Rồi cái ao ẩn hiện một vầng trăng rất đẹp, nhưng than ôi, mây thì tán, tuyết thì tan, hoa thì tàn, trăng thì khuyết, đều cho chúng ta thấy sự vô thường dù có đẹp đến mấy. Bây giờ biết được như vậy, chúng ta phải tỉnh cơn mộng đi, quý vị đừng ngủ mê, đừng tiếp tục vùi sâu trong lớp màn vô minh nữa. Nhiều khi mình nói mình thức chứ thực ra mình vẫn đang ngủ. Do đó, ông Ôn Như Hầu nói:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử sinh kinh cựu làm nao mấy lần.
Ai bày ra cái trò bãi bể nương dâu? Chính là nghiệp của chúng ta. Chính chúng ta đã bày ra các cảnh thế gian này, do nghiệp mê nên chúng ta gá vào đó, gá vào thì sanh cảnh, cảnh từ đó sanh tình, từ đó chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ trong vòng luân hồi, sinh đi tử lại biết bao lần.
Trong Kinh Tạp A Hàm quyển 8, Đức Phật dạy: “Bậc trượng phu qua bờ giải thoát có bốn pháp vi diệu. Thứ nhất, nghe ở trong xóm có kẻ nam người nữ nào bị bệnh khổ đau đến sắp chết. Nghe như vậy rồi đối với các pháp thế tục vô cùng nhàm chán, do vì nhàm chán nên hết lòng tu thiện, chuyển hóa nội tâm. Đây là bậc thượng”.
Tức là nghe trong xóm có người nam, người nữ bệnh sắp chết thì giật mình, thấy một lúc nào đó mình cũng chết, về gắng tu thiện, gắng bố thí, cúng dường, tu tập, tụng kinh, sám hối, niệm Phật, ngồi thiền…,
“Thứ hai, trong xóm chính mắt mình thấy có kẻ nam người nữ lâm bệnh nặng khốn khổ sắp chết, thấy đó rồi sanh tâm nhàm chán, do vì nhàm chán nên hết lòng tu thiện. Đây là bậc trượng phu điều thuận mà được độ”.
Tức là chính mắt mình thấy trong xóm người này người kia đang lâm bệnh nặng khốn khổ thì sợ, nghĩ rằng một lúc nào đó mình cũng như vậy, do đó tỉnh lại mà tu tập, làm thiện.
Ngài Hàm Sơn nói:
Một mai vô thường đến
Mới hay mộng huyễn thân
Muôn việc đem chẳng được
Chỉ nghiệp theo thức thần.
Tức là một mai vô thường già bệnh đến thì mới hay cuộc đời này là mộng, là huyễn. Có nhiều người khi sắp chết khóc, nói bây giờ mới thức tỉnh vô thường, nhưng lúc còn khỏe thì họ không chịu nghĩ tới điều đó. Quý vị thấy trong những pháp hội ít có người trẻ là vì họ thấy họ còn sung sức, còn nhiều năng lực, thấy chuyện vô thường, tu tập này mơ hồ nên cứ để từ từ. Còn những người lớn tuổi sở dĩ đến đông hơn là bởi vì họ đã đi qua phần lớn chặng đường đời, thấy rõ được những khổ vui, vinh nhục trong cuộc đời nên thức tỉnh tìm đến nương tựa nơi Tam Bảo. Chỉ có sự tỉnh thức của Đức Phật mới cho mình chỗ để nương tựa chứ không phải vì già, chán ngán cuộc đời mà đến. Đến lúc chết, muôn việc đem theo chẳng được, chỉ có nghiệp đi theo. Nói đến đây, quý vị phải nghiệm cho kỹ, không phải nghe nói vô thường rồi về mình không chịu làm gì thì không ổn. Đức Phật dạy rất rõ là từ khước sự tham chấp, tật đố, ngã mạn, ích kỷ chứ không từ khước cuộc đời. Chúng ta vẫn làm ăn, vẫn sinh hoạt nhưng làm đến đâu thì bớt chấp đến đó, để cho tâm mình nó rỗng, an ổn.
Trong Kinh Tạp A Hàm có kể câu chuyện như thế này: Ngày xưa ở thành Xá Vệ có anh chàng rất nghèo, nghèo đến mức độ không có quần áo để mặc, quanh năm chỉ thui thủi ở trong nhà chứ không dám đi ra ngoài đường, tối đến mới đi bắt cua, bắt cá kiếm ăn. Một hôm anh nghe nói ở thành Xá Vệ tổ chức một buổi hội rất lớn nên anh quyết định đến từng nhà hàng xóm mượn áo mới, quần mới, mượn xe, mượn ngựa rồi thắng yên đến dự buổi hội. Đến thành Xá Vệ, mọi người đều trầm trồ khen ngợi anh là người giàu sang, sang trọng. Nghe vậy xong, khi về anh không còn muốn trả đồ đã mượn cho hàng xóm nữa.Vì đòi mà không trả nên hàng xóm kiện anh, quan xử án xong bắt anh phải trả đồ cho hàng xóm nên anh không còn gì cả. Đức Phật ví chúng ta như anh chàng này, khi sanh ra đời không mang theo bất cứ cái gì, sống trong cuộc đời chỉ là mượn tạm tứ đại bên ngoài, sau khi chết cũng phải bỏ tất cả lại, không đem theo được gì hết. Nghiệm ra được như thế rồi thì cuộc đời này không có gì làm cho mình phải đau khổ nữa.
2. Tâm vô thường
Tâm vô thường là tâm vọng tưởng lăng xăng, lúc nghĩ thế này, lúc nghĩ thế khác, niệm niệm không ngừng nghỉ. Mình tuy thân ngồi ở đây, nhưng có khi tâm lén lút chạy đầu này đầu kia, nhớ nghĩ đến người này người nọ, nghĩ những điều không phải. Trong ca dao Việt Nam thường nói từ “đồng sàng dị mộng”, đó cũng là một dạng tâm vô thường, nhiều khi mình có chồng, có vợ rồi nhưng sống mà lại nghĩ đến người khác, đó là tâm tà dâm, rồi tâm lén lút đi đầu này đầu kia cũng là tâm ăn trộm. Nhiều khi mình nói thân mình ở đây, đâu có phạm gì, nhưng thực ra tâm duyên theo nghĩ đến người khác là phạm rồi. Chỉ có tu, mình mới thấy được những niệm đó để chuyển hóa.
Trong Kinh Pháp cú có kể: Có một ông Thầy Tỳ kheo tên là Tăng Hộ, đi tu với người cậu ruột là Tỳ kheo đã chứng A la hán. Một hôm đi khất thực, ông được thí chủ cúng dường một sấp vải. Ông suy nghĩ, muốn đem sấp vải quý cúng dường cho Thầy, đồng thời là cậu mình. Nhưng khi mang đến thì người cậu nhất định không nhận. Thầy Tỳ kheo buồn, suy nghĩ: “Cha mẹ mình đã chết, giờ chỉ còn cậu mà giờ cậu vô tình không chịu nhận đồ cúng dường, chắc không còn thương mình. Giờ phải làm sao, hay là về đem sấp vải này bán đi, mua một bầy gà nuôi, sau khi lớn bán đi mua tiếp một bầy dê, sau bán đi mua tiếp một bầy bò. Có nhiều tiền mình sẽ cưới một người vợ rồi sanh con. Sau khi sanh con thì nhân ngày nghỉ dẫn vợ và con đến thăm cậu. Đi giữa đường hai người giành đứa con để bế, giành qua giành lại đứa nhỏ rớt xuống đất, bực mình quá sẵn cây gậy gõ lên đầu mụ vợ”. Vừa gõ xong, nghe thấy tiếng ông Thầy: “Con không gõ vào đầu mụ vợ của con mà gõ lên đầu của ta rồi”. Mới thấy có một chút, chỉ vì Thầy không nhận cúng dường sấp vải mà tâm của người cháu đã vọng tưởng xa như vậy mà ngay trong giờ phút thực tại đó không thấy lại được chính mình. Ông Thầy đã chứng A la hán, thấy rõ tâm của đệ tử nên nói vậy, đệ tử nghe xong hoảng sợ co giò chạy, các vị sa di khác liền đuổi theo. Đức Phật nghe thấy tiếng ồn ào liền gọi Ngài A Nan đến tìm hiểu. Sau khi nghe trình bày xong, Đức Phật nói bài kệ:
Tâm đi xa một mình
Ẩn hang sâu vô hình
Ai bình tâm khéo giữ
Thoát vòng ma kiết sử.
Ngay cả chúng ta cũng vậy, nhiều khi quý vị thân ngồi đây nghe pháp mà tâm cũng vọng tưởng đi tận đâu đâu, dạo chỗ này chỗ kia, làm việc này việc nọ.
Có người làm bài kệ như thế này:
Loay hoay đã nửa kiếp người
Thu bay trên nửa nụ cười xanh xao
Rõ ràng mở mắt chiêm bao
Biết như mộng huyễn vẫn đau xé lòng.
Chúng ta dù biết rằng cuộc đời này là mộng huyễn, là vô thường nhưng có khi vẫn phải chịu những nỗi đau đến xé lòng, bởi vì chúng ta chưa có một lần nào mở mắt hết. Khi mở mắt, thấy rõ thực cuộc đời là mỏng manh, là vô thường, tạm bợ thì chúng ta mới tỉnh giấc.
Bây giờ qua phần công phu, có một vị Tăng đến hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm:
– Đại đức khổ nhọc tu hành đã trải qua nhiều năm, đối với sáu thông của Phật, Ngài đã được mấy thông?”
Tổ đáp:
– Cũng được sáu thông.
Vị Tăng nói:
– Năm thông kia gác qua, thế nào là tha tâm thông?
Tổ nói:
– Đầy cả quốc độ, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lại đều biết, Như Lai đều thấy.
Nhiều khi mình thấy ai đó biết được sự vận hành ý niệm của mình thì mình khen người đó tu giỏi. Nhưng đối với nhà Phật thì không dính dáng gì cả. “Đầy cả quốc độ” chính là tâm thức mình, trong tâm thức đó có bao nhiêu thứ tâm, tâm ganh ghét, tâm tật đố, tâm ích kỷ, …., tất cả mọi thứ tâm vọng niệm khởi lên, ai thấy? Chính cái biết của mình thấy. Đó là “Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy”. Đó chính là pháp tu thiền của chúng ta, nhìn lại tâm thức của mình, thấy để chuyển hóa, thấy mà không theo duyên, không đồng hóa mình với nó thì mình không có khổ. Có như vậy thôi mà chúng ta không chịu tu, cứ thấy cái gì lạ là chạy theo.
Có ai ở đây khi ngồi thiền thấy chuyện này chuyện kia mà cho đó là chỗ cứu kính không? Dù cho quý vị có thấy được những kiếp xa xưa của mình hay nhìn thấy được bất kỳ cái gì bên ngoài thì đối với nhà Thiền cũng chưa dính dáng gì. Bởi vì đó là tướng sanh diệt, vô thường, tướng ảo, tướng phù du. Chỉ có nhìn lại tâm mình, thấy rõ tâm vô thường để chuyển hóa thì mới không uổng một kiếp người.
Trong Thiền thoại có kể câu chuyện: Có một anh chàng bán đậu hũ, một hôm đi ngang qua Thiền viện của Thiền sư Bạch Ẩn, thắc mắc tại sao các Thầy lại ngồi im nhắm mắt vậy. Sau khi biết được là các vị Tăng đang ngồi thiền, anh cũng thích và muốn được ngồi giống như vậy. Sáng hôm sau, anh đến ngồi thiền cùng các vị Tăng, ngồi một lúc, bỗng anh la lên mừng rỡ: Thấy rồi, thấy rồi. Mọi người nghe ngạc nhiên, tưởng anh ngộ đạo hỏi anh thấy cái gì. Anh trả lời: Pháp thiền này hay quá, nhờ ngồi thiền con nhớ được có người thiếu con mấy chục ngàn tiền đậu hũ mà từ trước tới giờ con quên. Chúng ta tu thiền không phải giống như vậy, không phải để nhớ chuyện này chuyện kia trong quá khứ. Đó đều là tướng sanh diệt, đối với nhà Thiền không dính dáng gì cả.
Trong Kinh Người biết sống một mình, Đức Phật nói bài kệ:
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút thực tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Hãy tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người biết sống một mình.
Thường những người lớn tuổi hay duyên về quá khứ, ta đã từng hạnh phúc như thế này, từng có địa vị như thế kia…, còn người trẻ thì hay nghĩ đến tương lai, sau này mình làm gì… mà không hay rằng chính những cái đó đang giết mình, làm cho mình không sống được trong giờ phút thực tại.
Chúng ta tưởng về quá khứ cũng làm cho mình đau khổ, tưởng tới tương lai cũng làm cho mình đau khổ. Ngay trong hiện tại, quý vị cứ làm hết tất cả các điều thiện, cố gắng tu tập thì không cần phải đi coi bói ở đâu cả, cứ làm hết sức mình trong giờ phút thực tại thì tương lai có mặt, làm tốt thì tương lai tốt, làm xấu thì tương lai xấu.
3. Cảnh vô thường
Ở bên ngoài có rất nhiều cảnh vô thường hàng ngày diễn bày một cách rõ ràng trước mắt chúng ta. Trong sự vô thường biến đổi đó, nếu chúng ta không thức tỉnh, không chịu tu tập thì dễ bị những ngũ dục đời thường quyến rũ, dẫn dắt mình đi.
Trong Thiền thoại có kể câu chuyện: Ngày xưa có vị vua tên là Sa-lô-mông, có một vị quan cận thần rất là thân tín, một hôm vua đến tìm vị quan nói: “Khanh hãy tìm cho trẫm một cái vòng đeo tay mà ai đang hạnh phúc nhìn cái vòng này thì khổ đau, ai đang khổ đau nhìn cái vòng này thì được hạnh phúc”. Ông quan đi tìm suốt một thời gian mà không tìm được nên rất buồn. Một hôm ông đi vào một thành rất cổ xưa thì gặp một ông cụ già. Sau khi nghe ông kể hết sự tình thì cụ già đưa ra một cái vòng, hỏi: “Có phải là cái vòng này hay không?” Đang buồn vì không tìm được chiếc vòng nên nhìn thấy chiếc vòng, ông vui liền. Trên cái vòng này ghi một dòng chữ: “Tất cả rồi cũng sẽ trôi qua thôi”. Có nghĩa là có những niềm đau nỗi khổ trong cuộc đời này rồi cũng sẽ trôi qua. Sau khi đem chiếc vòng trở về cung thì bá quan văn võ đều đến xem. Vua rất đắc ý vì tin rằng không có chiếc vòng nào như vậy cả, vừa cười vừa hỏi ông quan: “Đã tìm thấy chiếc vòng chưa?” Vị quan đại thần đưa chiếc vòng ra, nhìn thấy dòng chữ trên chiếc vòng, ngay lập tức sắc mặt vua sa sầm xuống, thấy tất cả những gì mình đang có, cung điện, phi tần… tất cả rồi cũng sẽ qua, không còn gì, tự nhiên hết tâm kiêu mạn,
Qua câu chuyện này để quý vị thấy rằng Đức Phật nói về vô thường không phải để cho chúng ta buồn, bi lụy, khổ đau mà nhờ vô thường chúng ta có một sức sống mới, xưa giờ có làm cho mọi người đau khổ, giờ tu học, hiểu Phật pháp rồi thì không còn muốn làm ai buồn khổ nữa vì biết rằng sẽ có lúc tất cả đều chết, giờ cố gắng làm tất cả các thiện pháp, tu tập để chuyển hóa tâm thức.
Qua bài pháp ngày hôm nay, chúng tôi mong rằng sau khi nghe được bài pháp vô thường này thì quý vị “vạn sự nước trôi nước, trăm năm lòng nhủ lòng”, đời đời phát tâm bồ đề, tu hành cho đến ngày thành Phật theo đúng con đường chánh pháp mà quý vị đã từng thấy, từng nghe, từng tu tập.