Tinh Thần Tiêu Sái Của Tuệ Trung Thượng Sĩ
I. Dẫn nhập
Phải nói rằng từ khi thái tử sĩ Đạt Đa lìa hoàng cung lánh xa thế tục. Và người quyết tâm tầm cầu chân lý sau năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh, 49 ngày đêm ngồi dưới cội cây bồ đề lúc sao mai vừa ló dạng, Ngài hốt nhiên trực ngộ ra nhân sinh quan và vũ trụ quan, rồi tuyên bố thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Cũng vào thời đó tại thành Tỳ Da Ly ở Ấn Độ có nhân vật đầy tính nhân bản bồ tát đạo đó là hình ảnh Ngài Duy Ma Cật. Mãi mãi về sau ở Trung Quốc có vị cư sĩ cũng đầy tính nhân bản bồ tát hạnh đó là ông Bàng Long Uẩn và ở Việt Nam vào thời nhà Trần lại xuất hiện Thầy Tuệ Trung Thượng Sĩ. Có phải chăng họ đều là những con người thực hành bồ tát hạnh lấy “Trời đất làm nhà, chúng sanh làm bạn hữu. Song một điều đáng ghi nhận là tinh thần tiêu sái của Thầy Tuệ Trung khác nào “Thần ưng vỗ cánh giữa tầng không, trăng soi xuống đầm nước”
Như câu nói của Thầy Tuệ Trung chẳng hạn:
“Vua Thánh Tông nghe danh Ngài đã lâu bèn sai sứ giả mời vào vào cửa khuyết. Ngài đối đáp với vua đều là những lời siêu thoát thế tục. Nhơn đó, vua Thánh Tông tông Ngài làm sư huynh, tặng hiệu là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài vào cung thăm, Thái hậu mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi. Dự tiệc Ngài gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt, đâu được thành Phật?”
Thương Sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh. Thái hậu không nghe Cổ Đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?”
Tuệ Trung Thượng Sĩ ông sinh ra nhằm vào lúc lịch sử triều Trần đang dẫn đến giai đoạn vàng son của đất nước, và thừa hưởng được tinh thần tiêu sái thiền học của dân tọc Việt, Thượng Sĩ lại từng đóng góp những công sức tích cực vào công cuộc chiến đấu vẻ vang nhất qua hình ảnh ba lần chống giặc ngoại xâm phương bắc.
Song một điều đáng chúng ta lưu ý, tuy ông giữ chức quan thượng thẩm triều đình nhưng cũng xin từ quan và lui về chốn dân dã lập ấp lấy “Thiền duyệt làm vui, mượn gió trăng làm bạn”. Ông thật xứng đáng được vua Thánh Tông tôn làm sư huynh, tặng hiệu là “Tuệ Trung Thượng Sĩ”.
Như bài thơ Thượng sĩ nói lên thói đời tạm bợ không có gì bền chắc.
THÓI ĐỜI HƯ DỐI
Vân Cẩu đổi thay lắm vẻ nhà
Mơ màng gửi trọng giấc Nam Kha
Sương vừa rửa hạ, sen đang nụ
Gió mới mời xuân, mai nở hoa
Trăng khuất núi tây, không còn bóng
Nước trôi đông hải, sóng đã qua
Anh xem đàn cá lầu Vương Tạ
Nay đến làm thân với mọi nhà.
Bởi ông đã từng trải cuộc đời và cũng ném mùi cay đắng của con người. Do đó, ông quán triệt sâu sắc lẽ thói đời hư dối của kiếp sống con người, nhận chân được sự biến thiên của hoàn vũ, và tính cách tạm bợ đổi thay của muôn sự muôn vật, tích cực cổ vũ tự thân của mỗi con người là Phật, là ánh sáng Bát Nhã, và ông tự đề cao tinh thần tự lực giải thoát của mỗi cá nhân, triệt để phá bỏ những lề lối quan niệm lưỡng phân nhị nguyên để rồi từ ấy nhận chân ra được bộ mặt thật của chính mình. Và vứt lên giữa từng không của hoàn vũ. Từ ấy tay trong tay, mắt trong mắt thong dong dạo chơi giữa chốn phù vân tử.
Như bài: VÀO CÁT BỤI
Xăm xăm cất bước vào bụi đời
Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi
Xóm bắc dong chơi vào bụng ngựa
Nhà đông cười nói nhập thai lừa
Roi vàng đánh đuổi trâu sắt chạy
Dây sắt lói đầu cọp đá về
Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài
II. Quán triệt sâu sắc lẽ vô thường
Từ xưa đến nay phải nói rằng các nhà lãnh đạo về tinh thần tâm linh đều thừa nhận kiếp người là vô thường tạm bợ, các pháp đều biến hoại theo năm tháng, muôn sự muôn vật trong chốn hoàn vũ này đều cùng chung số phận: “Hữu sanh hữu diệt”. Không có một sự vật nào mà “trường tồn vĩnh cửu”. Song Thượng Sĩ không chỉ là một nhà tư tưởng văn học đương thời, mà ông cũng là một bậc đại sĩ xuất trần, bởi lẽ đó Ngài đã lột tả hết bộ mặt giả dối vô thường của muôn pháp.
Qua bài: Khuyên Đời Vào Đạo
Thời tiết xoay vần xuân lại thu
Xăm xăm tuổi trẻ đã bạc đầu
Giàu sang nhìn lại một trường mộng
Năm tháng ôm suông muôn học sầu
Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh
Sông yêu chìm nổi tợ bọt chùm
Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi
Muôn kiếp duyên lành chỉ thế thôi.
Và dưới con mắt của Tuệ Trung Thượng Sĩ, ngài thấy rõ cuộc đời con người có lúc thịnh, lúc suy, đó là quy luật tất yếu biến thiên của vũ trụ. Bởi vậy, Ngài thấy rõ cỏ cây, sông núi, xuân hạ, thu đông thời tiết bốn mùa, tất cả đều biến dịch không ngừng:
Người có thịnh chừ thì có suy
Hoa có tươi chừ thì có cũ
Nước có hưng chừ thì có vong
Vận có thái chừ thì có bỉ
Bởi vậy, dưới con mắt của Ngài, Tuệ Trung Thượng Sĩ thấy rõ trong cuộc tranh đua nơi chốn quan trường chẳng khác nào kiếp đọa đầy trâu ngựa, dẫu có bổng lộc vua ban, ân sủng trọng vọng nhưng tất cả chỉ là một trò đời ảo mộng.
Như bài: CHIẾU THÂN
Cháy đầu dập tráng mặc kim bào
Năm bảy năm qua kiếp ngựa mao
Ví thực siêu quần cùng xuất chúng
Một lần buông xuống một lần cao.
III. Muôn pháp từ tâm tạo
Như chúng ta đã biết muôn sự muôn vật trong thế giới này, đều biến dịch không ngừng theo một nguyên lý nhất định của chu kỳ nhân quả. Song trong sự biến chuyển ấy chúng đều phát khởi từ cơ cảm của nghiệp quả và trong chiều sâu thẳm tâm thức của chúng sanh.
Ngày ngày khi đối cảnh
Cảnh cảnh từ tâm sanh
Tâm cảnh xưa nay không
Chốn chốn ba la mật.
Bởi vậy, dưới con mắt của Tuệ Trung Thượng Sĩ, ông thấy rõ muôn sự muôn vật có mặt trong thế gian này đều từ tâm tạo tác. Song trong chiều sâu của đương niệm vẫn còn có cái gì hằng hữu vượt cái không và thời muôn thuở.
IV. Nêu cao tinh thần tự lực
Nói đến Thiền Tông tức là nói đến tinh thần tự lực của chính mình. Như trong kinh A Hàm, Phật dạy: “Này các Thầy Tỷ Kheo! Các Thầy hãy tự làm hòn đảo cho chính mình, hãy tự nương tựa chính mình đừng nương tựa một cái gì khác, hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp với cái gì? Thắp lên với chánh pháp”.
Do đó, trong tinh thần tiêu sái của Thượng Sĩ, Ngài luôn luôn cổ vũ tinh thần tự lực, vởi do vô minh điên đảo “bối giác hiệp trần” nên chúng ta đành xa cách quê hương muôn thuở của chính mình. Ngay đây, ngay trong cảnh giới thực tại. Ta hãy can đảm thừa đương thì pháp thân hiển lộ tức khắc đừng kiếm bên ngoài vô ích.
DẠY CHÚNG
Thôi tìm thiếu thất với Tào Khê
Thể tánh sáng tròn chẳng từng mê
Nào ngại xa gần trăng vẫn chiều
Thấp cao gió thổi chẳng ưa chê
Ánh thu đen trắng tùy duyên hiện
Sen nở hương nồng chẳng dính nhơ
Khúc nhạc xưa nay nên gảy hát
Chớ tìm Nam Bắc với Đông Tây
V. Phá triệt quan niệm lưỡng phân nhị nguyên
Trong cuộc sống hoạt dụng hàng ngày con người luôn luôn bị cấu xé bao thứ khổ đau và thù hận, bởi do tâm thái còn chấp thủ trên bình diện lưỡng phân nhị nguyên nào là: Thương ghét, có không, phải quấy… để rồi từ đây thuê dệt qua bao thứ vọng tưởng điên đảo.
Song muôn trở về tâm thái uyên nguyên của đạo nhà Thiền chủ xướng con đường thực tại tối hậu, do đó phương pháp của Tuệ Trung Thượng Sĩ là làm cho hành giả không vướng mắc vào hai thái cực lưỡng phân của đương niệm, mà phải siêu thoát cảnh giới của đương niệm và dấn mình vào cảnh giới thực tại, bởi vì thực tại vốn là cảnh giới viên dung giữa đối tượng chủ và khách, năng và sở…nếu ta chia chẻ thực tại làm hai thái cực, thì tâm thái ta sẽ có sự xung đột lưỡng phân. Nếu chúng ta phủ nhận ta đang đứng bên bờ của phiền não, hận thù và si mê và ảo vọng, thì tâm thái của ta sẽ có khuynh hướng chối bỏ vị trí mê lầm để bước sang bến bờ giải thoát. Như vậy, chúng ta vô tình phân ranh giữa đối tượng nhận thức và người nhận thức. Và bến bờ ấy dường như là ngưỡng cửa bên ngoài của đương niệm. Do đó, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã chỉ bày cho người học đạo cần phải thấu suốt tính chất bất nhị của các pháp, là ngay trong dòng sông sanh diệt của ý thức, mà nhận chân ra cái không sanh diệt
Như BÀI VĂN TRỮ TỪ TỰ RĂN
Điên đảo nhị kiến
Là đem lưới bủa cá đầu non
Tịch diệt nhất như
Cỡi ngược lừa tiến lên bờ giác
Trong lòng nếu không thiên không đảng
Tai mặc nghe người mắng người chê
Cầm lửa đốt trời luống tự nhọc
Mắt được thấy là xót là thương
Cầu chân như mà đoạn vọng niệm
Dường la to để át tiếng vang
Bỏ phiền não mà giữ niết bàn
Tợ sợ bóng chạy vào nắng trốn
Chợt vậy theo tâm viên ý mã
Khó tránh khỏi lợi buộc danh ràng
Không về tổ vức đạo tràng
Đêu tránh khỏi Diêm Vương ngục tốt.
Và trong cái thấy quán triệt muôn pháp tinh thần tiêu sái và sắc vận của Tuệ Trung dường như bay bổng giữa từng không của hoàn vũ. Và trong tinh ba ấy khái niệm nhơ sạch, có không, phải quấy, tốt xấu…đều quét sạch chỉ còn lồ lộ bản chất thật tướng của nó.
Tăng hỏi:
Thế nào là pháp thân thanh tịnh
Thầy đáp:
Ra vào trong nước đái trâu
Chui rúc trong đống phân ngựa
Lại nói:
Thế ấy thì chứng nhập đi vậy
Thầy bảo:
Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh. Nghe tôi nói kệ:
Xưa nay không nhơ sạch
Dơ sạch thảy tên suông
Pháp thân không ngăn ngại
Nào sạch nào lại dơ.
VI. Từ không đến có. Từ có đến không
Trong cái vũ trụ bao la này muôn sự muôn vật đều tùy theo duyên mà biến hiện, đủ duyên thì thành, hết duyên thì hoại. Không những con người mà cho đến muôn pháp cũng chung chịu số phận như nhau, do đó Tuệ Trung Thượng Sĩ khẳng định rằng tất cả muôn pháp biến thiên trong hoàn vũ này, đều do nhân duyên mà có mặt, không do một đấng tạo hóa nào quyết định.
THỜI TIẾT AN ĐỊNH
Sanh tử do đâu chớ hỏi han
Nhơn duyên thời tiết tự nhiên thành
Mây núi nào không thế mây núi
Nước khe đâu có tiếng đổ ghềnh
Năm tháng hoa tùy xuân nở nụ
Đêm đêm gà gáy lúc canh năm
Ai hay nhận được gương mặt mẹ
Mới hiểu trời người thảy giả danh.
Bởi vậy nói đến đạo Phật tức là nói đến tinh thần khai phóng tri kiến bát nhã. Cũng là ngoại cảnh đó, mà khi mê thì sắc sắc hiển bày, còn khi ngộ rồi thì không không bát nhã. Do đó Ngài nói:
Khi mê thấy không sắc
Lúc ngộ hết sắc không
Sắc không và mê ngộ
Xưa nay một lẽ đồng
Chỉ cần bỏ nhị kiến
Pháp giới sẽ bao dung.
VII. Tóm kết
Tóm lại qua bài tinh thần tiêu sái của Tuệ Trung đã cho chúng ta thấy rõ Ngài đã hoàn toàn lột sạch hết những cái cù cặn còn vương vấn trong tâm thức, do đó mỗi lời dạy mỗi lời khai thị của Ngài đều ẩn chứa một sức sống nội tại vô ngại, qua những từ, những câu những chữ.
ĐĐ Khế Định