TRẦN NHÂN TÔNG – ĐỜI VÀ ĐẠO VIÊN DUNG

DẪN NHẬP

Đời và đạo như là hai mặt của một bàn tay. Đời và đạo nương nhau mà tồn tại, nếu không có đời thì sẽ không có đạo, cũng như hai mặt của một bàn tay, có mặt này thì phải có mặt kia. “Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác”, do vậy không chỉ nói thiền, vô thường, vô ngã, tánh không, v.v… mới là Phật pháp, mà ngay cả những chuyện sinh hoạt trong đời sống như ăn, uống, ngủ nghỉ, gánh nước, quét nhà, v.v… cũng đều là Phật pháp.

Tu học không phải là để chạy trốn khổ đau, chạy trốn thế gian, tu học là để tỉnh giác, nhận ra những điều mà trước đây mình không hay biết. Tu là sửa, là chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp ác thành thiện, chuyển đau khổ thành an vui, từ ích kỉ, chiếm hữu thành ban bố vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật, thương thầy của mình, mà không biết yêu thương chúng sanh khác thì đó chưa phải là tu.

Để sống làm sao có một cuộc đời đáng sống, có ý nghĩa, có lý tưởng, có thương yêu hiểu biết thì đó là Đời Đạo. Vua Trần Nhân Tông là một tấm gương vĩ đại để chúng ta học hỏi và noi theo, vì Ngài đã sống một cuộc sống đời và đạo viên dung. Ngài đã hoàn thành vẹn toàn khi làm người con, làm vua cho đến một vị Tổ của một dòng thiền của nước Việt. Vì vậy, việc tìm hiểu về vua Trần Nhân Tông đối với cuộc sống đời và đạo sẽ giúp chúng ta thấy rõ các bài học quý giá từ Ngài để chúng ta noi theo, để sống một cuộc đời có giá trị và ý nghĩa khi có phước duyên làm thân con người.

CHƯƠNG 1. ĐỐI VỚI ĐỜI CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG

1.1 Sơ lược về tiểu sử

Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) tên khai sinh là Trần Khâm, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu. Trần Nhân Tông ra đời gắn liền với huyền sử – một hôm Thái Hậu nằm mộng thần nhân trao cho hai thanh kiếm và bảo: “Thượng đế có sắc, cho ngươi tự chọn lấy”. Thái Hậu chợt cười, bỗng được cây kiếm ngắn, và có thai. Ngài sinh ra có thân sắc như vòng ròng, nên vua Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Bên vai phải của vua có nốt ruồi đen như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói đứa bé này ngày sau có thể gánh vác việc lớn.

Năm 16 tuổi, được vua cha phong làm Hoàng thái tử, Ngài hai lần tha thiết xin nhường ngôi lại cho em là Đức Hiệp, nhưng vua cha từ chối lời cầu xin của Ngài, vì cho rằng Ngài có khả năng kế vị gánh vác việc lớn. Vua cha đã cưới trưởng nữ của Nguyên Từ quốc mẫu cho Ngài. Tuy được sống trong cảnh an nhàn hạnh phúc nhưng tâm ngài vẫn muốn từ bỏ hồng trần, xuất gia tu hành.

Một hôm vào nữa đêm, Ngài rời thành lẻn vào núi Yên Tử tu tập. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời hửng sáng. Vì đi đường xa mệt quá, Ngài ghé vào chùa nằm nghỉ trong tháp. Vị sư trụ trì gặp Ngài thấy tướng mạo khác thường, liền mời ngài dùng cơm. Vua cha biết tin Ngài trốn đi, nên sai các quan đi tìm và bắt gặp Ngài, nên bất đắc dĩ phải về lại cung.

Năm Ngài 21 tuổi, Ngài được Vua cha truyền ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiệu Bảo – là vị hoàng đế thứ ba của triều đại vua Trần nước Đại Việt, trị vì 14 năm. Ngài là bậc minh quân có biệt tài kinh bang tế thế, lãnh đạo toàn dân trong công cuộc hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, xây dựng đất nước an ninh, phồn thịnh.

Ngài là người rất thông minh ham học, đọc hết sách vở, thông suốt kinh luận và sách đời. Ngài tham học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ, và khi nhàn rỗi mời các thiền khách bàn luận về tâm thiền.

Năm 23 tuổi, Ngài lập một thiền am trên núi Yên Tử gọi là Ngự Dược Am và theo Thánh Đăng Lục trong năm này Ngài xuất gia tu hành, sáng lập ra Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Tóm lại, Ngài đã ở ngôi vị vua 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng hà ở Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về ở Đức Lăng.

1.2. Người con chí hiếu

Vua Trần Nhân Tông là một người con chí hiếu. Sự việc sau khi Ngài nằm mộng thấy mình là Phật hiệu Biến Chiếu Tôn, Ngài đã ăn chay đến nỗi gầy gộc, nên vua cha Trần Thánh Tông khóc bảo. Ngài đã vâng lời vua cha nối nghiệp, chấp nhận lên làm ngôi vua.

Đại Việt Sử Kí Toàn Thư khen Nhân Tông “thờ Từ Cung (thái hậu) làm sáng đạo hiếu”.

1.3. Quân vương

1.3.1. Nhà chính trị nhìn xa trông rộng

Vua Trần Nhân Tông là một nhà chính trị biết nhìn xa trông rộng. Sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông, Ngài đã công bố đại xá cho cả nước, miễn giảm tô thuế cho những vùng đã trải qua chiến tranh và các vùng khác nhau trong cả nước. Tiếp theo, Ngài tập trung vào việc xây dựng đất nước để ổn định dân sinh phát triển xã hội. Và thiết lập, củng cố luật pháp dựa trên quan niệm “lấy dân làm gốc”.

Ngài đã sử dụng một đường lối chính trị nhân đạo để ổn định đất nước sau chiến tranh, làm cho mọi người cảm thấy yên tâm lao động xây dựng đất nước.

Ngài đã tổ chức lại bộ máy hành chính dân sự, giới hạn lại số lượng phong quan tước, không để cho một bộ máy nhà nước trở thành một bộ máy cồng kềnh bòn rút máu mỡ của dân.

Vua Trần Nhân Tông thực hiện song song với việc tiến hành các biện pháp gầy dựng lại đời sống vật chất và tinh thần no ấm cho người dân sau chiến tranh, và chính sách ngoại giao mềm dẻo và khôn khéo nhằm vừa đè bẹp ý chính xâm lược của kẻ thù, vừa duy trì hòa bình cho đất nước.

Vua Trần Nhân Tông là một trong những người đi đầu việc sử dụng chữ quốc ngữ (Nôm) trong công việc triều chính, trong sáng tác văn học và đời sống xã hội. Việc sử dụng chữ quốc ngữ là để cho dân thường dễ hiểu vì đa số dân thường không biết chữ Hán, và để thể hiện ý nghĩa đề cao tiếng Việt, khuyến khích nhân dân biết giữ gìn tiếng Việt.

1.3.2. Nhà quân sự có tài

Vua Trần Nhân Tông là người anh hùng cứu dân, cứu nước. Ngài là một nhà quân sự có tài, đã đứng ra lãnh đạo toàn quân dân Đại Việt cùng nhau kháng chiến chống quân Nguyên Mông được thắng lợi huy hoàng. Sau khi thái tử Trần Khâm lên làm vua, Ngài đã có sự chuẩn bị trước về mọi mặt cho cuộc khán chiến bảo vệ giang sơn – chọn người tài, giao cho họ trọng trách quan trọng. Vua tiến cử Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm quốc công thống lĩnh quân đội cả nước, lập Thái úy Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư, Đinh Củng Viên làm Hàn lâm viện Học sĩ, Tràn Khánh Dư làm Phó đô Tướng quân.

Vì biết được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân nên vua cho tổ chức hội nghị quân sự Bình Than (1282) họp tất cả vương hầu và bách quan bàn kế sách đánh giặc. Và triệu tập các vị bô lão đại diện cho nhân dân cả nước họp ở điện Diên Hồng (1284) để hỏi kế đánh giặc: “Các vị phụ lão đều nói đánh, muôn người cùng ủng hộ một tiếng”.

Qua hai sự kiện trên, ta thấy vua Trần Nhân Tông có vai trò vô cùng to lớn trong công cuộc kháng chiến hai lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288.

1.4. Nhà văn hóa

1.4.1. Nhà tư tưởng

Vua Trần Nhân Tông đã cống hiến một cuộc đời oanh liệt và hoành tráng, có những đóng góp vĩ đại và thiết thực cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Sở dĩ Ngài làm được như vậy là do Ngài có một số tư tưởng như sau.

Mặc dù vua Trần Nhân Tông tha thiết với việc tu Đạo, nhưng khi ở vị trí của một người nắm chính quyền đứng đầu một nước, thì Ngài cũng rất quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ được sống tự do và độc lập, làm sao cho dân chúng có được cuộc sống yên ấm. Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Ngài, toàn quân dân nước Đại Việt đủ các tầng lớp đã đồng lòng kháng chiến chống quân xâm lăng, kết quả là hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Sau khi đất nước được yên bình, Ngài đã có biện pháp phát triển đồng bộ nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp nhằm tạo cái ăn, cái mặc cho người dân.

Vua Trần Nhân Tông không chỉ coi trọng những tướng lĩnh lãnh đạo tài ba thuộc tầng lớp trên của xã hội, mà còn ngay cả những tầng lớp thấp kém nhất của xã hội cũng được xem trọng như vậy. Bởi vì đối với sự tồn vong của một quốc gia, ai cũng có thể chung tay đóng góp to lớn bằng chính sức lao động mồ hôi xương máu của chính mình. Đó là chính sách đoàn kết toàn dân mà Ngài thực hiện ngay trong đời sống hàng ngày của mình, cụ thể trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư có ghi: “vua từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường gặp gia đồng của các vương hầu, tất gọi rõ tên mà hỏi: “Chủ mày ở đâu? Răn bảo các vệ sĩ không được la đuổi. Khi về cung bèn gọi tả hữu bảo: Ngày thường thì có tả hữu chầu hầu, tới khi quốc gia nhiều khó khăn thì chỉ bọn ấy có mặt mà thôi”.

Một tư tưởng nữa của vua Trần Nhân Tông rất lạ kỳ trong đời sống của người xuất gia – đó là đi làm mai mối cho việc dựng vợ gả chồng giữa công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành (được xem là tên mọi, một giống người hạ cấp). Đây là việc làm trái với giới luật của một người xuất gia. Tuy là Ngài gặp nhiều sự chống đối của hầu hết những người thuộc tầng lớp tri thức thời bấy giờ, nhưng đối với một người như Ngài đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo cho nên Ngài mới có cái nhìn bình đẳng về con người như thế. Kết quả là công chúa Huyền Trân về nhà chồng và nhân dân Đại Việt không tốn một mũi tên, một người lính mà có thêm một dãi đất trên 200 cây số. Điều này cho thấy hệ tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập như thế đã giải quyết một loại các vấn đề đặt ra cho Phật giáo Việt Nam vào thời đó nhằm cơ bản thỏa mãn được các đòi hỏi dân tộc, mà trước đó chưa được thỏa mãn.

1.4.2. Nhà thơ

Công ơn của Trần Nhân Tông đối với dân ta rất sâu đậm vì sự nghiệp và con người của Ngài, một sự nghiệp văn trị lớn lao, đến nỗi qua thời gian và sự phá hoại của kẻ thù vẫn không làm mờ đi được trong tâm thức của những người dân Việt. Nhờ thế mà những tác phẩm như Cư trần lạc đạo phú Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca đã được trân trọng và giữ gìn. Hai tác phẩm này sở dĩ được trân trọng và giữ gìn không phải chỉ vì công ơn và uy tín cá nhân của vua Trần Nhân Tông, mà do hai tác phẩm này có giá trị nội tại rất thâm sâu, tiêu biểu là Cư trần lạc đạo phú. Giá trị lý luận của tư tưởng Cư trần lạc đạo có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo, chi phối hàng triệu Phật tử Việt Nam thời vua Trần Nhân Tông và những thế kỉ sau cho đến ngày nay.

Theo Toàn tập Trần Nhân Tông của tác giả Lê Mạnh Thát, toàn bộ thơ văn của Trần Nhân Tông được chia làm 6 bộ phận. Đó là thơ, phú, bài giảng, ngữ lục, văn xuôi và văn thư ngoại giao.

Trong đó tổng số thơ có 32 bài, cộng với ba đoạn phiến chủ yếu là dựa vào Việt âm thi tập là bản in năm 1792, và một số bài khác thì dựa vào truyền bản Thánh đăng ngữ lục, Thượng sĩ ngữ lục Thiền tông bản hạnh in vào các năm 1790, 1745, và 1930.

Về phú có hai bài Cư trần lạc đạo phú Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca theo bản in truyền bản năm 1745 do Sa di ni Diệu Thiền thực hiện dưới sự chỉ đạo của thầy Liễu Viên.

Về bài giảng của Trần Nhân Tông thì có hai bài: Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm vào năm 1304 thì căn cứ vào bản Thánh Đăng ngữ lục năm 1750 và bài giảng tại viện Kỳ Lân vào năm 1306 thì căn cứ vào bản Tam Tô thực lục in năm 1905.

Về văn xuôi, hiện có bản viết về tiểu sử của Tuệ Trung với nhan đề Thượng sĩ hành trạng in vào cuối sách Thượng sĩ ngữ lục cùng với những bài tán tụng của môn nhân mà bộ Việt Nam Phật điển trùng san khắc in vào năm 1943 có chép lại.

Về văn thư ngoại giao, căn cứ vào bốn nguồn chính: An Nam truyện ở Nguyên sử, Biểu chương của An Nam chí lược, Thiên Nam hành kí và phần Phục lục của Trần Trương Cung thi tập.

Nhìn chung, toàn bộ tác phẩm của Trần Nhân Tông xoay quanh các đề tài phản ánh sinh hoạt Thiền Phái Trúc Lâm và ý thức tự chủ của dân tộc Đại Việt qua văn học, ngôn ngữ chữ Nôm và những xúc cảm chân thành trước quê hương đất nước.

CHƯƠNG 2. ĐỐI VỚI ĐẠO

Ở chương 1, chúng ta thấy sự vẹn toàn của vua Trần Nhân Tông đối với đời – đã hoàn thành rất tốt của một người con có hiếu, một ông vua minh quân hết lòng lo cho dân cho nước, và đã để lại cho nền văn hóa Việt Nam các tác phẩm rất có giá trị cho đời sống tốt đời đẹp đạo. Tiếp theo, chúng ta đi vào tìm hiểu sứ mệnh của vua Trần Nhân Tông đối với Đạo khi Ngài thị hiện ở thế gian.

2.1. Tóm lượt các giai đoạn tầm đạo

Quá trình tầm đạo để giác ngộ đạt được trí tuệ và từ bi của Trần Nhân Tông cũng trải qua các giai đoạn căn bản giống như các bậc đại giác ngộ khác, gồm các giai đoạn căn bản sau:

– Giai đoạn nhân duyên tầm đạo: Năm 16 tuổi, Ngài đã trốn lên núi Yên Tử để tìm con đường tu nhưng giữa đường bị vua cha bắt trở lại thành; nằm mộng thấy mình trở thành vị Phật Biến Chiếu. Từ đó Ngài tham học với các thiền sư để tìm đường lối tu học giác ngộ, và song song Ngài cũng đọc các kinh Phật, ăn chay.

– Giai đoạn nhân duyên ngộ đạo: Được gặp bậc minh sư là Tuệ Trung Thượng Sĩ, dạy cho yếu chỉ Thiền qua câu “Phản quan tự kỉ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Đây là câu kim chỉ nam định hướng cho Ngài bước vào niềm vui đạo.

– Giai đoạn phát triển sự ngộ đạo qua đời sống thực tiễn:Trong thời kì làm vua, Ngài đã ứng dụng tinh thần đạo đức của đạo Phật.

Giai đoạn hoàn thiện sự ngộ đạo qua đời sống thực tiễn: Từ khi làm Thái Thượng Hoàng đến khi xuất gia hoàn toàn.

2.2. Nhà lãnh đạo Phật giáo

Ngài trở thành một nhà lãnh đạo Phật giáo nước nhà thông qua hai công việc mà Ngài đã thực hiện là thống nhất ba dòng thiền thời đó và thành lập giáo hội Phật giáo Trúc Lâm.

2.2.1. Thống nhất ba dòng thiền

Giới thiệu sơ lược nguồn gốc của ba dòng thiền (Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường) truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam đã tồn tại và phát triển qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và đến khoảng giữa đời nhà Trần.

Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi: Người khai sáng là Vinitaruci, ở Nam Thiên Trúc (Nam Ấn Độ), dòng dõi Bà-la-môn. Sư được tổ Tăng Xán khai thị, tâm có sở đắc. Sư được tổ Tăng Xán bảo qua phương Nam giáo hóa. Đầu niên hiệu Đại Tường năm thứ hai nhà Chu (580), Sư sang Việt Nam trụ trì chùa Pháp Vân. Sư có người đệ tử nói dõi dòng thiền là ngài Pháp Hiền, rồi truyền đến đời thứ 19 – Thiền sư Y Sơn.

Dòng thiền Vô Ngôn Thông: được khai sáng bởi thiền sư Vô Ngôn Thông. Sư họ Trịnh quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm xứ Vũ Châu. Tánh sư điềm đạm ít nói mà thông minh, nên mọi người thời đó gọi là Vô Ngôn Thông. Sư tìm đến Bá Trượng Hoài Hải để học đạo. Một hôm sư nghe câu trả lời – đất tâm nếu không, mặt trời tuệ tự chiếu – của Bá Trượng cho vị tăng tham vấn, sư bỗng nhiên đại ngộ. Năm 820, Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ là Phù Đổng, huyện Tiên Du Bắc Ninh. Sư ở đây ngồi xoay mặt vào vách mấy năm mà không ai biết, và Thiền sư Cảnh Thành (trụ trì chùa này) hết lòng kính trọng tôn thờ Sư làm thầy. Sư truyền pháp cho Thiền sư Cảnh Thành, và tiếp tục truyền đến đời thứ 15 – Cư sĩ Ứng Thuận Vương.

– Dòng thiền Thảo Đường: được khai sáng bởi Thiền sư Thảo Đường ở Việt Nam. Sư là người Trung hoa, đệ tử của Thiền sư Trùng Hiển ở Tuyết Đậu nhằm đời thứ ba phái Vân Môn. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem binh chiếm Chiêm Thành. Sư trở thành nô bộc của một vị Tăng lục. Do vị Tăng lục phát hiện lai lịch của Sư, và trình lên vua Lý Thánh Tông. Từ đó, Lý Thánh Tông thường hay thưa hỏi Phật pháp nơi Sư và phong Sư làm quốc sư, mời ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Đến 50 tuổi, Sư bệnh ngồi kiết-già thị tịch. Phái thiền của Sư được truyền cho Lý Thánh Tông và tiếp tục truyền đến đời thứ năm – Phạm Phụng Sự.

Dựa vào nội dung được ghi trong quyển Tam Tổ thực lục, Tam Tổ hành trạng, Thiền Tông bản hạnh, Thánh đăng lục, ta thấy quá trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm có một chiều dài lịch sử. Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông là những bậc thiền gia đắc pháp, đặt nền móng tư tưởng và kết nối cho Thiền phái này ra đời.

Trần Nhân Tông là người có sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm trong quá trình vận động của lịch sử về mặt xã hội và tôn giáo. Thiền phái mới này được thành lập trên cơ sở kết hợp ba dòng thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường.

Trong bối cảnh đó, Thiền phái mới ra đời nhằm thể hiện các mục đích sau:

1. Cho biết dân tộc Đại Việt có tính độc lập dân tộc.

2. Khắc phục các nội dung tiêu cực và sự hướng ngoại.

3. Tạo thành duy nhất một ý thức hệ – Phật giáo nhất tông.

4. Khoác cho mình chiếc áo của một tôn giáo mới.

2.2.2. Sáng lập Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm

Trần Nhân Tông là người có công đưa Thiền phái Trúc Lâm đi vào đời sống sinh hoạt Phật giáo Thiền từ mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức cho đến nội dung tu tập và cách thức thực hành. Ông là Sơ Tổ của Thiền phái, tiếp nối là Pháp Loa là tổ thứ hai. Và tổ thứ ba được truyền thừa là Huyền Quang. Người đời tôn vinh ba vị này là Tam Tổ Trúc Lâm.

Các thành tố thành lập nên một Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm:

Theo các nhà nghiên cứu tôn giáo, đạo giáo hình thành phải đầy đủ các thành tố: Giáo chủ, hệ thống giáo lý, tôn chỉ, tín đồ, hình thức nghi lễ.

Giáo chủ: Vua Trần Nhân Tông, hiệu Hiệu Biến Chiếu Thiên – là người Việt, đại diện người Việt, do cha mẹ sinh ra, tu hành thành Phật giữa cõi đời. Trần Nhân Tông có công đưa dòng thiền mới vào trong thực tiễn dựa vào kinh điển của Trần Thái Tông.

Hệ thống giáo lý: Lấy tư tưởng Đại thừa làm giáo lý. Dòng thiền này chủ trương Thiền-giáo song hành – khác với các dòng thiền đương đại. Học kinh điển để làm cơ sở lý thuyết cho thực hành thiền.

– Tôn chỉ: Hẳn nhiên là kiến tánh thành Phật như các thiền phái khác.

Điểm khác biệt là Thiền phái xuất phát từ nhận thức Phật tại tâm, do đó ai cũng có thể thành Phật ngày giữa cõi đời. Một chủ trương như thế, bất cứ ai cũng có thể trở thành viên của Thiền phái để chuyển hóa thân tâm và đóng góp tích cực cho đời. Trúc Lâm khuyến cáo mọi người sống ở đời thế tục mà tạo phúc đức để độ mình và người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, không giúp đời thì thật đáng trách.

Tùy duyên nhập thế trong tinh thần “Cư trần lạc đạo” – sinh ra ở đời mà không bị nhiễm đời, thành Phật ngay giữa cõi đời.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

 “Tâm tính như tri, thị danh chân Phật” – tôn chỉ thành Phật của Thiền phái.

Tín đồ: Thiền phái Trúc Lâm đáp ứng mọi nhu cầu của nhân dân thời bấy giờ. Tiêu chí trở thành tín đồ là mở. Trong Khóa Hư Lục, Trần Thái Tông viết, bất luận đàn ông hay đàn bà, bất luận già hay trẻ, bất luận tại gia hay xuất gia, chỉ cần biết tâm thấy tánh là thành Phật. Điều kiện thành Phật – lòng lặng mà biết đó là Phật. Nên bất kì người dân nào cũng là tín đồ – tín đồ đông nhất trong các thiền phái.

– Nghi lễ: Đáp ứng đầy đủ mọi nghi lễ tôn giáo: Truyền thọ Tỳ kheo, Bồ tát, Tam quy ngũ giới cho Phật tử được tổ chức thường xuyên. Các lễ cầu an, cầu siêu cũng được tổ chức, gọi là “Diệm khẩu thí pháp hội”, có nghĩa là đại hội Phật pháp để bố thí cho loài quỷ đói.

Các cuộc đại tham về Thiền thường xuyên được tổ chức theo một nghi thức trang trọng. Mở đầu là phần niệm hương, kế đó là thiền sư đăng tòa, có lời sách tấn và sau đó trả lời các câu hỏi của các thiền sinh. Việc xây chùa, đúc tượng phục vụ cho việc hoằng pháp qua các Phật sự như nghi lễ thiền giáo, thuyết pháp được chú trọng.

2.3. Thiền sư lỗi lạc chuyên xiển dương thiền tông

2.3.1. Phật tại tâm

– Với quan điểm nhìn nhận Phật thể (Phật và chúng sinh không khác) mà Thiền phái chủ trương sẽ cung cấp cho con người một lý tưởng, lẽ sống cao quý đủ để tạo một cảm hứng sáng tạo, vươn lên không những cho một đời mà nhiều đời, thậm chí, cho đến khi mỗi con người đều trở thành một vị Phật. Sự thành Phật ở đây lại không gì khác là nhận chân con người thật của mình ngay chính cõi lòng.

– Tự tính giác ngộ luôn sẵn có trong mỗi con người. Chính sự bình đẳng giác ngộ sẽ là cơ sở cho mọi người xích lại hiểu nhau để có thể chung lòng đóng góp và xây dựng cho quốc gia, dân tộc, trong đó có chính bản thân và gia đình mình sống. Khi mọi người sống theo tinh thần như Thiền phái kiến giải “Không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm” để cùng nhau tu tập và xử lý các vấn đề cá nhân, quốc gia, dân tộc thật chu toàn, như chủ trương Thiền phái đã vạch định.

– Dưới sự tác động của thiền phái, con người càng phải ý thức có thái độ sống vô tham, vô sân, vô si để tập trung trí lực và tài lực xây dựng đất nước phồn thịnh.

Phật giáo nhà Trần với quan điểm Phật tại tâm nên ai cũng có thể là thành viên của thiền phái này và ai cũng có khả năng thành Phật. Tư tưởng này cũng được vận dụng trong 3 cuộc chiến chống quân Mông Nguyên và dùng để khôi phục nền văn hóa Đại Việt. Và Tam tổ Huyền Quang có bài Vịnh Vân Yên Tự Phú ca ngợi thế giới Phật quốc Đại Việt chẳng khác gì thế giới Phật quốc Trung Hoa.

2.3.2. Nhập thế

Tinh thần tùy duyên nhập thế được vận dụng tích cực khi Trần Nhân Tông chủ trương xây dựng hệ thống Thiền – Giáo song hành. Khi Ngài chứng đạo ở núi, Ngài trở lại thôn quê, thành thị để truyền đạo. Ngài từng “đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ dâm từ (đền miếu thờ các thần sằng bậy) dạy dân thực hành thập thiện”.

Mục đích của Thiền phái Trúc Lâm là ai cũng có Phật trong lòng, ai cũng có thể thành Phật tại đời này. Đây là một đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm – tùy duyên, an lạc cho chính mình và mọi người – tùy duyên mà vui với đạo.

Bài phú “Cư trần lạc đạo” thâu tóm toàn bộ tư tưởng của Thiền phái:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Tinh thần bài kệ là tôn chỉ của sơ Tổ và cũng là tư tưởng nhất quán của Thiền phái được thể hiện các điểm:

– Hãy sống hòa mình với đời, không câu chấp. Ngay nơi mà mình đang sống, tại mỗi tình huống mà mỗi người đối mặt, ở bất cứ nơi nào, nếu mình khéo léo tùy duyên vận dụng sống hòa và vui với đạo lý giác ngộ thì mới có được niềm vui thanh cao, vĩnh cữu.

– Hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên. Cho dù duyên là thuận là nghịch, hay dù thế nào đi chăng nữa, mình cũng uyển chuyển tùy duyên một cách dễ dàng và nhẹ nhàng như những việc hằng ngày mà mỗi người thường làm – đói ăn mệt ngủ – để đạt được mục đích cuối cùng là “vui với đạo”.

– Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không cầu tha lực. Nếu chúng ta không coi trọng những thứ bên ngoài thì việc tùy duyên này không khó. Vì sao những thứ bên ngoài là không quan trọng, là vì chúng chỉ là những thứ tạm bợ, không thiệt, không bền chắc. Hễ khéo tùy duyên, không để tâm chạy ra ngoài tìm kiếm, thì tâm chúng ta rỗng lặng mà tự biết trùm khắp. Thì lúc đó mới biết rằng bảo bối có ngay trong nhà mình, ngay chính nơi mỗi người, không thể tìm cầu ở đâu khác mà được.

– Không nô lệ vào bất kì cái gì, dù là Thiền hay Phật. Nhận và sống được bằng tâm thiền vô giá trong mỗi con người chúng ta đó rồi, thì sinh hoạt tới lui tự tại, không ngăn ngại. Ở ngay trong cảnh trần chúng ta đang sống mà vốn tự vượt thóat, tâm không dấy động mà thấy biết rõ ràng.

Cụ thể hơn, Trần Nhân Tông đã cho chúng ta thấy rõ mối tương quan giữa đạo và đời trong đoạn thơ sau, trích trong Cư trần lạc đạo phú.

Mình ngồi thành thị

Nết dụng sơn lâm

Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính

Nửa ngày rồi tự tại thân tâm

Tham ái nguồn dừng

Chẳng còn nhớ châu yêu quý ngọc

Thị phi tiếng lặng

Được đầu nghe yến thốt oanh ngâm.

Đoạn thơ trên cho chúng ta thấy rằng tuy Ngài sống trong chỗ phố thị, ồn náo, nhiều gia duyên, nhưng thân và tâm của Ngài vẫn tự tại ung dung như ở núi rừng. Vì khi đã giác ngộ rồi, thì đâu có sự phân biệt gì sự khác nhau giữa sơn lâm và thành thị, giữa đạo và đời, giữa cuộc sống tĩnh lặng trong rừng núi và công việc xô bồ ở phố phường.

KẾT LUẬN

Khi tìm hiểu sự nghiệp đời và đạo của vua Trần Nhân Tông chúng ta thấy Ngài đã đóng góp to lớn cho đất nước, cho lịch sử rất nhiều mặt, mà thế hệ con cháu hôm nay và mãi mãi về sau ghi nhớ và biết ơn. Cụ thể Vua đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân ta đẩy lùi quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn, mở rộng biên cương của tổ quốc. Vua đã dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chánh chính thức của triều đình, đây là một sự kiện hết sức trọng đại, làm cho nhiều tác phẩm văn học Tiếng Việt ra đời. Ngài đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn thiền đặc sắc, giúp thế hệ sau nương theo đó mà tu hành theo đường lối thiền Tông. Và Vua đã thành lập dòng thiền Trúc Lâm thuần túy Việt Nam với chủ trương Phật tại tâm và nhập thế, để chúng ta ai cũng có thể noi theo gương Ngài vừa tu tập đạo giác ngộ, và vừa phụng sự cho đời một cách tốt đẹp.

Các bài khác...