Thiền Con Đường Vô Sở Trụ
ĐĐ.Thích Khế Định thuyết giảng tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Hôm nay hội đủ duyên lành quý Phật tử về Thiền viện Trúc Lâm thăm Hòa thượng, chư Tăng và thỉnh quý Thầy nói chuyện. Thời gian vừa qua, tôi có duyên được nhập thất bốn tháng, sau khi ra thất, tôi có tâm đắc một vấn đề nay muốn chia sẻ với quý Phật tử về công phu tu tập. Chúng ta học thiền trong suốt cả bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Không phải chỉ có ngồi mới là thiền mà đi, đứng, nằm cũng là thiền.
Ngày xưa tôi cho rằng đi, đứng, nằm đều công phu được, nhưng thực ra thì mình cũng không biết công phu là cái gì, mặc dù tôi theo học Hòa thượng từ rất lâu, từ hồi còn là cư sĩ đến khi xuất gia. Cho nên, khi tu thiền thì chúng ta phải nắm bắt được tinh yếu của thiền để đi vào công phu thì mới có hiệu quả, ngay trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta đều rỗng suốt, thanh tịnh và biết rõ ràng tất cả các pháp. Vì vậy, ngày hôm nay tôi xin chia sẻ với quý Phật tử về chỗ tâm đắc này, đó là: Thiền – con đường vô sở trụ.
Bài pháp ngày hôm nay là bài pháp tinh yếu về thiền. Bởi vì nói đến thiền là nói đến con đường vô sở trụ. Vô là không, vô sở trụ là không trụ một chỗ nào. Vô sở trụ chính là lẽ sống đích thực của thiền, vô sở trụ là huyết mạch của thiền.
Vì sao nói vô trụ là huyết mạch của thiền? Nếu trong thân của mình mà không có máu thì chúng ta sống hay chết? Chết. Nói vô sở trụ tức là không trụ, mà không trụ thì tức là buông xả. Muốn đạt đến con đường vô trụ, chúng ta phải buông xả. Quý vị thử nghiệm lại trong cuộc đời của mình xem mình đã buông xả đến đâu.
Trong thiền thoại có ghi: Có một anh tiều phu vào rừng đốn củi, trong lúc bất ngờ bị rớt xuống vực thẳm, nhưng may có một nhánh cây ngay sát bờ vực nhô ra, anh nắm bắt được và luôn miệng kêu: “Mô Phật, cứu con”. Tâm thành thì có cảm ứng. Đức Phật hiện ra trên hư không và nói rằng: “Ta sẽ cứu con với điều kiện là ta nói gì con cũng phải nghe và làm theo lời ta. Con có tin hay không?”. Anh tiều phu nghĩ mình sắp chết nên rất tin. Đức Phật nói: “Nếu muốn được ta cứu thì con phải buông thả hai cánh tay ra”. Anh trả lời: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu con buông hai tay ra mà rớt xuống vực thẳm chết thì sao?”. Vừa lúc đó Phật biến mất.
Quý vị thấy anh chàng tiều phu đó có giống mình không? Mình cũng buông ra là sợ, sợ mình không có chỗ đứng, sợ mình chết mà không hiểu cảnh giới đó trong tinh thần của nhà thiền gọi là tuyệt hậu tái tô, tức là một lần chết đi để ngàn năm sống dậy. Cái ý thức hệ của mình phải chết đi thì mình mới chứng nghiệm được con đường của Thiền, lúc đó quý vị mới tin chắc rằng tức Tâm là Phật, còn chưa được như vậy thì mình công phu cũng cho vui thôi chứ chưa dám khẳng định tin vào pháp môn này.
Một hôm có một vị Tăng đến hỏi Bố Đại Hòa thượng: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Ngài liền buông cái bao đồ xuống.
Đó chính là đại ý Phật pháp, muốn biết được cái tinh yếu của Phật pháp thì phải buông xả.
Vị Tăng lại hỏi tiếp: “Như vậy diệu dụng của Thiền là gì?”. Ngài liền vác bao đồ mà đi.
Nhiều khi mình tưởng mình buông hết rồi, không còn gì nữa, mà nó có sức diệu dụng vô cùng. Cảnh giới này nhà Thiền gọi là: “Vô tác diệu lực”
Hòa thượng từng giảng: Buông tất cả là được tất cả. Được tất cả là được cái gì? Được cái diệu dụng trong cuộc đời này. Có những người còn phàm phu, khi gặp cảnh trái ý liền nổi sân hận, nhưng đối với người tu, nhờ biết đến Phật pháp, nhờ có sự chứng nghiệm về thiền, tâm thức của quý vị rung động, từ đó những hạt giống phiền não rơi rụng, vì vậy đối trước sự việc mình có sự bình ổn, thanh thản hơn người đời.
Học thiền là phải có sự chứng nghiệm thì quý vị mới đi hết được con đường của thiền, còn nếu không nắm bắt được tinh yếu của thiền để công phu thì khó có kết quả, kể cả người tại gia lẫn người xuất gia cũng vậy. Có khi tu nửa đường nghe người ta nói tu thiền không được gì hết liền bỏ, không dám tu nữa. Ở đây tôi khẳng định luôn, buông tất cả là được tất cả, cho nên các bậc tiên đức nói: “Trung vô tận tạng, hữu qua, hữu nguyệt, hữu lâu đài”, nghĩa là trong kho tàng vô tận của mình tưởng không có gì, nhưng mà có trăng, có sao, có lâu đài, có hết tất cả. Mình cứ buông hết tất cả đi thì tự nhiên có hết tất cả. Nó có một diệu lực mầu nhiệm, chính Đức Phật thị hiện trong cuộc đời này nhằm khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Sau này Ngũ tổ Hoàng Nhẫn giảng đến đoạn “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm”, Lục Tổ bèn thốt lên: “Đâu ngờ tự tánh mình vốn thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh mình không sanh diệt, đâu ngờ tự tánh mình hay sanh ra muôn pháp…”, đó chính là sanh ra cái diệu dụng, diệu lực đi vào cuộc đời này, chứ không phải sanh ra phiền não như mình. Nhận được chỗ đó rồi, buông hết rồi thì mới thấy được.
Trong kinh Kim Cang, Phật dạy: “Này Tu-bồ-đề, Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà thực hành bố thí”, có nghĩa là Đức Phật dạy trong khi mình bố thí thì không trụ các pháp. Chẳng hạn khi quý vị cúng dường Thầy một cái đồng hồ rất quý, nhưng vị Thầy lại đem cho nó cho một người khác ngay trước mặt quý Phật tử, quý vị có buồn không? Khi mình buồn là mình đã trụ rồi, trụ vào cái đồng hồ, mà trụ vào đó thì phước chỉ có bấy nhiêu thôi, còn nếu không trụ thì phước đức rộng lớn như hư không. Quý vị thử nhìn lên trời, nếu không có một vệt mây nào thì hư không rộng lớn bàng bạc, nhưng khi nhìn vào một đám mây trên nền trời, dù đám mây đó có lớn đến mấy thì hư không cũng chỉ hạn cuộc trong đám mây đó mà thôi. Cho nên trong Kinh Niết Bàn, phàm phu nói khổ nhưng các bậc Bồ Tát lại thấy khổ là đệ nhất nghĩa đế. Ngay cái không trụ thì đâu có khổ, mà không khổ nghĩa là đệ nhất nghĩa đế, trung đạo đế. Khi quý Phật tử bố thí, cúng dường, đừng trụ vào một pháp nào cả thì rất an ổn, thảnh thơi.
Có người cúng dường xây dựng chùa hai chục ngàn mà không được ghi tên liền nổi tâm sân, nói: Tôi cúng dường hai chục ngàn sao không ghi tên tôi”. Nếu trụ vào hai chục ngàn đó thì bố thí tuy rằng có phước nhưng phước đó chỉ có chút xíu, còn nếu bố thí không trụ thì phước đức rất vi diệu.
Trong kinh Bản Duyên có kể lại câu chuyện: Nhân ngày rằm lớn, đích thân vua Ba-tư-nặc mua toàn bộ dầu đèn cúng dường Đức Phật. Có một bà già thấy thế liền hỏi Ngài Mục Kiền Liên, sau khi được Ngài giải thích về hội hoa đăng, bà cắt mớ tóc của mình bán được hai đồng xu, mua được chút dầu đến cúng dường Đức Phật và phát nguyện: “Nguyện đời đời kiếp kiếp con ra đời đều được gặp Phật pháp để chuyển hóa tâm thức của con.” Sau lời phát nguyện này, từ tối đến sáng, những ngọn đèn vua Ba-tư-nặc thắp đều tắt hết, chỉ còn cây đèn dầu của bà là vẫn sáng mãi, dầu không vơi mà cũng không đầy. Rất là vi diệu!
Sáng sớm hôm sau Tôn giả Mục Kiền Liên quét dọn, thấy tất cả các ngọn đèn đã tắt, duy chỉ còn cây đèn của bà lão nọ là không tắt, Ngài bèn dùng tay áo để quẹt tắt nhưng dùng hết thần lực, thần thông mà vẫn không được. Ngài đến bạch Phật, Phật nói do năng lực, nguyện lực của bà, nên cho dù ông dùng hết thần thông vi diệu của ông, ngọn đèn cũng không bao giờ tắt. Phật thọ ký nhờ lời phát nguyện như vậy, đời vị lai bà lão sẽ thành Phật.
Chúng ta tu cũng phải phát nguyện lớn, chẳng hạn như phát nguyện: “Đời đời đời kiếp kiếp dù sanh ra ở đâu đều gặp Phật, gặp Pháp, gặp Tăng, được ở trong Pháp hội của Hòa thượng tôn sư tu để chuyển hóa nội tâm, tu đến khi nào thành Phật thì thôi”. Nguyện lực đó sẽ luôn đi theo chúng ta, giúp chúng ta có đủ sức mạnh để chuyển hóa nội tâm, vượt qua được những nghịch cảnh đến với mình. Còn nếu không có nguyện lực, tâm lực lớn thì quý vị tu nửa đường dễ bỏ cuộc, kiếp sau ra đời có thể làm bộ trưởng, tổng thống, thủ tướng… nhưng mà quên tu, mà quên tu thì tạo ác, tạo ác thì sa đọa. Nhờ nguyện lực từ đời trước mà mình nhớ lại, thức tỉnh và tìm đến chùa tu tập, dừng tạo các nghiệp ác. Tôi đảm bảo quý vị ngồi đây đã từng gieo những hạt giống thiện pháp rất nhiều cho nên ngày hôm nay mới đến đây tu học Phật pháp.
Phật nói: “Chẳng trụ sắc bố thí, chẳng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ tát chẳng trụ tướng mà bố thí thì phước đức đó chẳng thể nghĩ lường.”
Nghĩa là mình bố thí, cúng dường, và làm tất cả các việc với một điều kiện là không trụ tướng bố thí. Không trụ tướng, không phải là mình không biết, chẳng hạn sáng nay quý Phật tử đến đây cúng dường một bao gạo, có biết là mình đang cúng dường, nhưng suốt qua hết mà không trụ. Không trụ, chính chỗ đó là yếu chỉ của Thiền. Vừa phước mà có huệ, mà vừa có huệ tức là có nguyện lực. Giới, định, tuệ, tâm nguyện có đầy đủ. Như vậy một người biết Phật pháp rất thù thắng, chứ không phải chuyện đơn thuần. Chúng ta phải có duyên phúc lắm mới biết đến con đường thánh pháp này.
Nói như vậy nhưng thật ra việc này không phải là dễ làm. Khó như vậy nên chúng ta phải tu tập để chuyển hóa. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói: “Người nào muốn tụng đọc kinh Pháp Hoa thì phải đủ ba yếu tố:
Thứ nhất là Vào nhà Như Lai: Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với tất cả chúng sanh. Nghĩa là quý vị muốn tụng đọc kinh Pháp Hoa, ngộ nhập tri kiến Phật thì thứ nhất phải có tâm từ bi rộng lớn thương tất cả chúng sanh, lúc này quý vị sẽ quên mất ranh giới ta người, có vậy mới suốt được tri kiến, không trụ vào cảnh giới ta người nữa.
Thứ hai là Y Như Lai, chính là lòng nhu hòa, nhẫn nhục. Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy: “Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó chửi tôi cướp tôi
Ai ôm hiềm hận này
Chẳng phải người tu đạo.”
Nghĩa là biết hết, người ta đang đánh mình, biết người ta đang đánh, đánh đau biết đau, nhưng suốt qua chỗ đó mà không trụ chứ không phải là mình không biết chuyện gì. Thiện không biết, ác không biết, ăn không biết mình đang ăn gì thì đó không phải thiền. Biết suốt qua tất cả các pháp mà không trụ tất cả các pháp thì chính đó là thiền. Có nghĩa là quý Phật tử đang ăn, đang uống, đang ngủ, tất cả mọi hành động đi, đứng, nằm, ngồi đều biết suốt qua hết mà không trụ.
Thứ ba là Tòa Như Lai, chính là tất cả pháp Không .
Quý vị đọc Kinh Pháp Hoa đến Phẩm Hiện Bảo Tháp thì Đức Phật thấy Bồ tát từ lòng đất hiện lên, lòng đất này tiêu biểu cho đất tâm. Nhưng tại sao không trụ ở đâu mà lại trụ ở giữa hư không? Chẳng hạn như quý vị đang ngồi thiền hay đi kinh hành mà thấy bảo tháp đang lơ lửng trên hư không có dám ngồi không? Trụ giữa hư không nghĩa là vô sở trụ, là không trụ một pháp nào. Mà không trụ một pháp nào thì từ thân của của quý vị, đất, nước, gió, lửa, không kiến thức chuyển thành tháp bảo. Từ cái thức đại đó mà không trụ, suốt qua hết thì chuyển thành tháp bảo. Thấy được như thế rồi thì trong giờ phút thực tại này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn lên cái tháp đa bảo đó cũng phải trụ giữa hư không. Đại chúng muốn thấy Phật Đa Bảo cũng phải nhờ năng lực của Đức Phật, trụ giữa hư không, nghĩa là không còn tình chấp ở cõi đời này nữa. Tu một thời gian, quý vị phải tập buông xả, buông xả những tâm niệm trong cuộc sống phàm tình này thì mới thăng hoa được.
Ở bên Tây Tạng có một vị rất giỏi, có năng lực rất hay, chỉ cần dùng bàn tay đập vào lưng là mình tịch tại chỗ, thần thức mình sanh về cõi Tây phương Cực lạc. Vị này hỏi đại chúng là có ai muốn lên cõi Tây phương Cực lạc hay không. Ai cũng muốn lên. Ngài hỏi người thứ nhất là một bà lão: Bà có muốn lên cõi Tây phương không? Bà lão ngồi suy nghĩ rồi nói: Con cũng muốn lên lắm mà bây giờ con còn hai con bò, một chiếc xe, một cái nhà ở thành phố chưa bán được… – Vậy là chưa lên được rồi, còn nhiều quá vậy, sao lên được! Ngài lại xoay qua hỏi bà khác. Bà này cũng suy nghĩ rồi đáp: Con còn hai đứa con: một trai, một gái. Trai thì chưa lấy vợ, gái thì chưa lấy chồng. – Vậy là cũng chưa đi được luôn. Hỏi hết người này đến người khác, người nào cũng còn vướng mắc hết chuyện này đến chuyện khác. Cuối cùng Ngài nhìn xuống thấy một đứa nhỏ chừng 16, 17 tuổi bèn hỏi: Con muốn về Tây phương không? – Dạ con muốn. – Sao con muốn về bên đó? – Tại vì cha con chết, mẹ con chết, nhà bị cháy. Vừa nghe xong Ngài bèn dùng tay đập vào lưng đứa bé khiến thần thức thoát ra đi về Tây phương.
Qua câu chuyện trên để thấy quý vị phải buông xả hết, không còn chấp trước gì hết thì mới tương ứng với những cảnh giới của mười phương chư Phật. Nói như thế không có nghĩa là quý vị về nhà bán nhà bán cửa, không làm việc, không sinh hoạt hằng ngày… Phải nhớ tinh thần của Thiền là tinh thần từ khước, từ khước mọi tham đắm nhục dục của thế gian, từ khước những chấp ngã, tật đố, ích kỷ nhưng mà chúng ta không từ khước cuộc sống, nghĩa là suốt qua hết cuộc sống mà chúng ta không trụ thì mới gọi là người Phật tử tu thiền, tu về đạo Phật, đạo giác ngộ. Từ khước những cái gì còn dính líu đến cuộc đời nhục dục thì chúng ta mới được thăng hoa. Xa lìa tham, sân, si, tật đố, ích kỷ, nhưng không xa lìa bỏ cuộc sống này. Chúng ta vẫn yêu thương cuộc đời này, vẫn giúp đỡ hết tất cả , nhưng trong lúc giúp đỡ đó quý vị suốt qua hết tất cả, tức là vô sở trụ. Cái này đòi hỏi quý vị phải có công phu dần dần sẽ thấy.
Trong bài Tổ sư luận, Tổ Đạt ma nói: “Vừa có tâm trụ trước mà thấy Phật thời chẳng chấp nhận, Phật chẳng là Phật, chớ khởi cái hiểu Phật.” Có nghĩa là chúng ta làm việc gì, kể cả công phu, tu tập mà có tâm trụ trước, chấp trước thì Phật không có mặt. Thấy bất cứ cảnh giới gì chúng ta phải suốt qua hết.
Nên Lục Tổ dạy: “Đạo là thường thông lưu, chớ có ngưng trệ.” Một hồ nước mà ngưng đọng lâu ngày thì nước hôi hám, thu hút nhiều ruồi muỗi nên nói nước tù đọng thì không phải nước tốt. Đạo cũng vậy, phải thông lưu, nghĩa là phải suốt hết mà không trụ một điểm nào hết, tức là không cho ngưng trệ. Đó chính là tinh thần của Lục tổ Huệ Năng.
Thiền sư Triệu Châu dạy: “Chỗ không Phật thì mau chạy qua, chỗ có Phật thì đừng lưu luyến.” Chỗ không Phật là gì? Khi quý Phật tử ngồi thiền thấy loạn động, vọng tưởng thì phải mau chạy qua, nghĩa là phải cố gắng thế nào đó để vượt thoát cảnh giới này nhưng chỗ có Phật thì cũng đừng có lưu luyến. Chỗ có Phật là có một lúc nào đó quý Phật tử ngồi yên tĩnh, tự dưng cảm giác rất khinh an nhưng nếu chúng ta trụ vào chỗ đó thì cũng là bệnh của Thiền, nên phải suốt qua luôn.
Trong Thiền thoại có ghi lại, có một vị Thiền sư tu trên núi có một vị đệ tử. Một hôm vị đệ tử này ngồi thiền xong đến bạch Hòa thượng:
– Bạch Hòa thượng, hôm nay con ngồi thiền loạn động, nhớ đủ thứ chuyện.
Hòa thượng bèn nói:
– Rồi tất cả sẽ trôi qua.
Sau hai hôm, vị này ngồi thiền lại đến trình Hòa thượng:
– Bạch Hòa thượng, hôm nay con ngồi thiền rất yên tĩnh, không dấy một niệm nào.
Hòa thượng lại nói:
– Tất cả rồi cũng sẽ trôi qua.
Nghĩa là cái gì thấy được loạn tưởng, vọng động, cái gì thấy được sự yên tĩnh đó? Vậy sao mình lại chạy theo cái loạn tưởng, cái yên tĩnh mà quên cái gì thấy được loạn tưởng, yên tĩnh đó?
Lục Tổ khai thị cho Thiền sư Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay đó cái gì là Bản lai diện mục của ông?”. Có người giải thích không nghĩ thiện, không nghĩ ác là không nghĩ gì hết. Có đúng vậy không? Không nghĩ thiện, không nghĩ ác có nghĩa là cái gì suốt qua được cái thiện và cái ác mà không trụ thiện và ác, đó chính là Thiền tối thượng thừa. Có nghĩa là quý vị phải suốt tất cả các cảnh giới thiện ác, có không, phải quấy…nhưng không trụ, chính đó là Thiền. Thiền rất là đơn giản như vậy chứ không có gì huyền bí.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai”, có nghĩa là mình không trụ vào pháp này, không trụ nghĩa là chuyển được. Khi mình thấy bình bông, ly tách… thấy đủ hết tất cả mà suốt qua hết, không trụ vào cảnh giới nào hết, thì đó là đồng với cảnh giới của Phật. Lưu ý là chỉ đồng chứ không phải là giống như Phật. Đồng có nghĩa là mình cũng còn phải đang tu nữa. Đồng là đồng cái nhân của Phật, thấy biết rõ ràng chứ không phải đồng cái quả của Phật. Nếu thấy được thế rồi thì quý Phật tử công phu một ngày bằng ngày xưa mình công phu hai hoặc ba tháng, có khi một năm luôn. Biết được pháp yếu đó rồi, mình tu sẽ rất nhanh và an ổn.
Trong Thiền thoại có ghi lại rằng, có hai vị huynh đệ tu lâu năm ở trên núi. Một hôm xuống núi, đi qua một con suối thì gặp một cô gái. Cô này sợ ướt áo nên nhờ vị sư huynh bồng qua suối. Trong giới luật của Tỳ kheo, nếu bồng một cô gái mà có tâm ý gì thì là phạm giới. Do vậy mà vị sư đệ tỏ vẻ không vui trong suốt quãng đường còn lại cho đến tận khi về nhà. Sau đúng một tháng không nói chuyện với sư huynh, vị này liền được sư huynh khai thị : “Anh đã bỏ cô gái bên bờ sông rồi, sao em vẫn còn ôm cả tháng vậy?”. Có nghĩa là người sư huynh này bồng cô gái nhưng không trụ vào các pháp, còn người sư đệ, tuy không bồng mà trụ vào các pháp, mà trụ vào các pháp là khổ.
Trong lúc quý Phật tử công phu, chuyển hóa nội tâm, quý vị phải biết nhìn lại về chính mình. Tôi xin kể câu chuyện về ông Liễu Hạ Huệ.
Ông Liễu Hạ Huệ được người đời tôn là Á thánh. Một hôm trên đường đi, ông gặp một cô gái mười tám tuổi bị lạnh gần chết cóng. Ông ẵm về nhà, không có lửa sưởi ấm, ông ôm cô suốt một đêm. Nhờ vậy cô này thoát chết. Khi ông làm vậy, ông không dấy một niệm dâm dục, ái nhiễm.
Có một anh chàng nhà ở sát cạnh một cô gái. Một hôm trời mưa to, sập nhà cô gái nọ, cô muốn xin tá túc nhờ một đêm, nhưng anh nhất định không cho, vì “nam nữ thọ thọ bất thân”. Cô bèn nói: “Sao anh không bắt chước như ông Liễu Hạ Huệ vậy?” Anh này bèn nói: “Ông Liễu Hạ Huệ thì được nhưng tôi thì chưa được”. Sau này câu chuyện đến tai Khổng Tử, Ngài nói: “Hai người đều là bậc thánh. Ông Liễu Hạ Huệ là bậc thánh, và anh thư sinh này cũng là bậc thánh vì biết được mình”. Biết mình, biết ta thì trăm trận trăm thắng.
Nghe nói không trụ vào các pháp không phải là quý vị mặc tình uống rượu, ăn thịt, chơi bời… mà phải biết chỗ đứng của mình, đừng có chấp, đừng có trụ. Thấy được điều đó rồi, chúng ta tu rất an ổn.
Ông Bàng Long Uẩn có nói một bài kệ:
Thường nghe Phật A Súc
Nghĩ hướng phương đông cầu
Hôm nay xét nét kỹ
Bất động tự nhiên đến.
Nghĩa là: Ông nghe trong Kinh Duy Ma Cật nói đến cõi Phật A Súc ở phương Đông, ông muốn làm cách gì đó hướng đến cõi này, nhưng hôm nay ông nghĩ kỹ, khi bất động, không trụ một pháp nào thì tự nhiên đến cõi Phật A Súc. Rất đơn giản. Muốn vậy chúng ta phải tu hàng ngày, phải chuyển hóa hàng ngày. Quý Phật tử cứ chịu khó đào giếng đi, nếu giếng có nước thì trăng sẽ hiện. Chỉ cần tâm lặng đứng, có một nước vi diệu cam lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm thì trăng tự tánh tự nó ứng hiện ra. Khi chúng ta chết, nếu chưa giải thoát thì cũng sanh về miền của mười phương chư Phật. Khi tâm bất động, tự khắc chúng ta đã đến cõi Phật A Súc.
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi: Có một vị tăng hỏi Thiền sư Cốc Ẩm Thông:
– Nếu hay chuyển được vật, tức đồng với Như Lai. Muôn tượng là vật, làm sao mà chuyển được?
Đáp rằng: – Ăn cơm, uống nước xong rồi thì tiệt không có ý chí, như có ý chí tức là bị vật chuyển.
Nói cho dễ hiểu là trong lúc quý vị ăn cơm, uống nước, mà bị dính mắc vào ngon hay dở thì bị vật chuyển. Còn nếu ăn, uống bình thường, không trụ, suốt qua hết thì quý vị đã chuyển được vật. Sau khi thẩm thấu được điểm này rồi, quý vị mới thấy được rằng đọc kinh cũng vậy. Nếu mình chấp trước vào lời kinh của Phật, không suốt được nghĩa đó thì chúng ta bị kinh chuyển, còn ngược lại mình suốt qua được là mình chuyển được kinh.
Cũng trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi: Học sĩ Trần Tú Ngọc xem kinh Di Lặc Thượng Sanh, trong đó có nói: “Không khởi tu thiền định, không vọng trừ phiền não, Phật thọ ký cho người này, thành Phật không có nghi”.
Chúng ta đến đây để tu thiền định, có đến tu là có khởi. Chúng ta lại tìm đủ cách để trừ phiền não. Đó chính là bệnh rồi. Còn nếu một hôm nào chúng ta đến Thiền viện Trúc Lâm hoặc ngồi ở nhà, chỉ như ngồi chơi. Còn nếu ráng cố gắng ngày hôm nay tôi ngồi thiền, tôi phải diệt trừ cái này, diệt trừ cái khác. Có nhiều người ngồi thiền, trợn mắt “đi, đi, sao lỳ quá vậy”. Thế là bệnh rồi. Nhiều khi người ta còn tưởng mình điên nữa. Nếu chúng ta thấy được vọng tưởng hoặc phiền não, bản chất tự tánh nó là không, là rỗng. Nhờ vậy chúng ta suốt hết không trụ, thì nó qua. Một lúc thì vọng tưởng này hết, với điều kiện như Tổ Lâm Tế dạy: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Hồn nhiên mặc áo xiêm.”
Nghĩa là Quý Phật tử đừng huân tập thêm nghiệp mới nữa. Như hàng ngày quý vị đến sám hối, tụng kinh, ngồi thiền nhưng lại liên tục huân tập thêm nghiệp mới như chửi mắng người, hay sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu… Nghiệp trong thời quá khứ mình tiêu dung nó, chuyển hóa nó, không huân nghiệp mới nữa, thì nghiệp này sẽ lần lần hết. Thế mới gọi là tu. Còn ở đây hàng ngày quý vị cứ liên tục huân suốt thì làm sao tu? Bản thân chúng tôi vào thiền viện tu cũng tránh duyên, không huân nghiệp mới nữa. Nói thế để thấy rằng quý Phật tử còn va duyên rất nhiều, nhưng ở đây tôi nói là bớt. Chẳng hạn ngày xưa quý vị buôn bán, nói là đây con bán vốn, không lấy lời. Không lấy lời làm sao sống? Như vậy là mắc vào tội nói dối. Giờ chúng ta chuyển đi, cứ nói thật: Cái này con mua 5 đồng, giờ con bán 6 đồng. Mình cứ nói thẳng đi, đừng có sợ. Đó là mình đã từ từ chuyển hóa nghiệp cũ của mình, không huân thêm nghiệp mới nữa.
Trở lại phần trên, học sĩ Trần Ngọc Tú sau khi xem đoạn kinh đó xong, đến Thiền sư Vạn Tùng hỏi rằng: “Bồ Tát Di Lặc vì sao chẳng tu thiền định, chẳng dứt trừ phiền não?”
Đáp rằng: “Chơn tâm vốn tịnh, chẳng tu thiền định, vọng tưởng vốn không, nên chẳng dứt trừ”.
Vị học sĩ này chưa tỏ, lại đem câu này đến hỏi Thiền sư Hương Sơn Đại Nhuận. Thiền sư đáp: “Tâm thiền vốn định, chẳng trở lại tu. Phiền não tịch diệt, chẳng cần phải đoạn”. Ngay tức khắc vị học sĩ này đốn ngộ.
Sau khi đốn ngộ rồi, ông đem câu hỏi này hỏi Thiền sư Trúc Lâm Hải Cự. Sư mới đáp: “Vốn không có thiền định, phiền não”. Ngay tức khắc ông triệt ngộ luôn. Từ tiểu ngộ, đến đốn ngộ, triệt ngộ.
Bản chất vốn là “vô nhất vật”, do vậy mà suốt qua hết không trụ.
Trong Kinh A Hàm có ghi lại một đoạn: Có một vị tăng tu học trong rừng ba tháng. Một hôm vị này đến trình Đức Phật:
Luôn luôn chế ngự ý
Trong tất cả mọi thời
Chỗ nào chế ngự ý
Chỗ ấy được an vui
Đức Phật trả lời rằng: Ông tu như thế thì trói buộc càng ngày càng nặng, chứ không có giải thoát.
Sau khi vị tăng tha thiết, Đức Phật khai thị:
Luôn luôn chuyển hóa ý
Trong tất cả mọi thời
Chỗ nào chuyển hóa ý
Chỗ ấy được an vui.
Từ chỗ chế ngự chuyển sang chuyển hóa. Chuyển hóa nghĩa là không trụ. Thấy biết ý niệm của mình mà mình không trụ. Khi biết được là trong đó có giới, định, tuệ đầy đủ. Chuyển hóa nhưng không chế ngự bởi khi chế ngự là có một sức ép đè nó xuống, ở đây chỉ cần nhìn nó thôi. Nhìn nhưng suốt qua hết, chỗ đó được an vui.
Thiền sư Phổ Chiếu khai thị:
“Thanh văn tâm tâm đoạn hoặc, tâm ngăn đoạn là giặc, chỉ quán sát một cách đúng đắn rằng: sát, đạo, dâm, vọng từ tánh mà khởi”. Có nghĩa là mình sân hận, từ đâu mà khởi? Ích kỷ, tật đố từ nơi đâu? Tất cả đều từ tâm. Sóng nếu không có biển thì có nổi được không? Nó phải nương nơi biển. Thấy được chỗ đó rồi thì “khởi tức chẳng khởi, ngay nơi đó liền lặng, cần gì phải đoạn”. Biết nó khởi lên, mình theo dõi, nhưng không kháng cự, thấy được, nó qua thì nó hết. Bản chất vọng tưởng là vô thường. Nếu nó thường chắc chúng ta chết quá. Sáng mình giận ai đó, mình có tu một lúc là nó hết. Bản chất nó vốn là vô thường, khổ, không, vô ngã. Nhờ biết được như thế nên “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm, lại nói niệm khởi liền giác, giác nó liền không, nên người ngộ tuy có khách trần phiền não, nhưng đều thành cam lồ hết”. Nghĩa là hôm nay quý Phật tử nghe bài pháp này, tuy rằng có vọng tưởng, nhưng “đều thành Cam lồ” hết, đều biến thành diệu dụng.
Hàng Thanh văn cố gắng diệt vọng tưởng, tức là diệt hành ấm. Còn hàng Bồ Tát lấy cái hành ấm này làm chủng trí Bát Nhã đi vào cuộc đời này dìu dắt chúng sanh.
Hiểu điều này rồi ta thấy, một niệm vọng tưởng là một niệm giác, ngàn niệm vọng tưởng là ngàn niệm giác, còn sau đó thì toàn giác. Pháp tu của Hòa thượng chỉ cho đến hết ruột gan luôn, chỉ cho đến giai đoạn thấy biết chân tâm rồi mà quý Phật tử còn thắc mắc, không nắm bắt được, từ đó mà khởi đủ thứ chuyện. Một niệm mê thì một niệm giác. Hết mê thì toàn giác, chứ có gì đâu. Thấy rõ điều đó rồi, đường tu của quý vị sẽ rất an ổn.
Lục Tổ dạy: “Này thiện tri thức, pháp môn của ta đây, từ trước đến nay, trước lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm bổn”.
Vô tướng là đối với tướng mà lìa tướng, ví dụ bố thí, cúng dường là có tướng, nhưng mà lìa tướng, suốt qua hết. Vô niệm là đối với niệm mà không niệm. Thiền sư Thần Hội khai thị “Vô niệm niệm giả tức niệm chân như. Vô sanh sanh giả tức sanh thật tướng”. Không có niệm nào nhưng chúng ta biết hết chứ không phải ngơ ngơ ngáo ngáo. Biết hết mà mình không khởi niệm, đó là niệm chân như.
Vô sanh mà sanh, tức là các pháp đều là thật tướng Bát Nhã. Thấy cái bình bông, cái hoa…đều là Bát Nhã. Đó là suốt qua hết mà không trụ.
“Vô trụ là bản tánh của người đời ở thế gian nào là thiện ác, tốt xấu, cho đến những việc quán cùng thân, ngôn ngữ, xúc chạm, hư dối, tranh đua, thảy đều đem về không. Không nghĩ trả thù lại.”
Nghĩa là khi ai đó làm mình xúc não, ngày nay mình đã biết tu tập rồi, đem niệm sân hận đó đưa về không. Không nghĩ trả thù lại. Đó là vô trụ.
“Trong mỗi niệm không nghĩ cảnh trước, nếu niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, trong mỗi niệm tương tục không dứt, gọi là hệ phược. Đối trên các pháp, mỗi niệm không trụ tức là không bị trói buộc. Đây gọi là lấy vô trụ làm gốc.”
Nghĩa là suốt qua hết các cảnh giới: bố thí, cúng dường, làm tất cả các thiện pháp mà không trụ một pháp nào thì người này chính là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng. Thấy được như thế rồi thì mình làm hết tất cả mà không dính dáng gì thì tu hành rất là an ổn.
Đó là tinh thần “Vô Sở Trụ” của nhà Thiền – Chúc quý Phật tử được hạnh phúc lâu dài trong chánh pháp.