Đâu Là Hạnh Phúc Chân Thật

Thường trong cuộc sống mỗi người cảm nhận hạnh phúc khác nhau, như đang đói mà được ăn là hạnh phúc, lạnh mà được ấm là hạnh phúc, cuộc sống no đủ, gia đình êm ấm là hạnh phúc, gia tài đồ sộ, công danh tột đỉnh là hạnh phúc. Nhưng với cặp mắt giác ngộ của nhà Phật thì những hạnh phúc đó đều vô thường, khổ không vô ngã, đến một lúc nào đó cũng đi đến con đường hoại diệt.

Tham dục càng nhiều khổ càng nhiều, giống như nước biển, càng uống càng khát. Ái dục không chỉ là ái dục về nam nữ mà còn cả ái dục về danh lợi, tiền tài, sắc đẹp, tất cả những thứ mình ham muốn.

Phật dạy các vị Tỳ kheo nếu không khéo sẽ bị ngọn lửa tham, sân, si thiêu đốt. Chẳng hạn nếu thấy cái gì đẹp muốn lấy là bị ngọn lửa tham thiêu đốt con mắt. Nếu nghe ai đó chửi mắng mà mình chạy theo tiếng, nổi sân là bị ngọn lửa sân thiêu đốt lỗ tai. Còn nếu nghe chửi mà mình không chửi lại là quý Phật tử đang bố thí lỗ tai. Thấy danh lợi, tiền tài sắc đẹp mà không chạy theo, không dính mắc là bố thí con mắt. Công đức thành tựu ngay chỗ đó. Muốn thành Phật đều phải đi qua con đường Bồ tát đạo này. Tu là như vậy chứ không tìm cầu ở đâu mà trong cuộc sống hàng ngày, mọi hành động đi đứng nằm ngồi đều phải chánh niệm tỉnh giác.

Ví dụ như có ai đó chửi mắng mình, mình biết rằng đây là vô thường, sẽ có ngày hoại diệt thì tự nhiên mình hết sân hận.

Thứ tư: Gia đình sum họp, đàn ca xướng hát là hạnh phúc. Vua Phổ An nói thế này: “Chỗ luận của các ông đều là gốc của sự khổ não, là nguồn của sự lo buồn, trước vui sau khổ, lo buồn muôn mối, đều là do những thứ ấy, không bằng tịch tĩnh, chẳng cầu chẳng muốn, đạm bạc giữ mực. Đó là hạnh phúc chân thật”.

Phật nói bài kệ:

Yêu thích sanh lo

Yêu thích sanh sợ

Nếu không yêu thích

Nào lo nào sợ.

Vui đẹp sanh sợ

Nếu không vui đẹp

Nào lo nào sợ.

Tham dục sanh lo

Tham dục sanh sợ

Cởi bỏ tham dục

Nào lo nào sợ.

Yêu thích vật gì thì sợ mất. Như có vợ con đẹp thì đó cũng là hạnh phúc nhưng là hạnh phúc mong manh vì có ngày sẽ mất. Quý Phật tử học đạo, đến đây nghe pháp, trước là thấy khổ, nhưng trong giờ phút này, nếu chánh niệm lắng lòng nghe pháp, gieo duyên với quý Thầy thì mai kia ra đời không bị sa vào ba đường ác đạo.

Trong chuyện Góp nhặt cát đá, có 1 vị tướng quân đánh trăm trận trăm thắng, ông có một chiếc ly ngọc rất yêu thích, một hôm ông đang uống nước thì tuột tay làm rơi chiếc ly khiến ông hoảng hốt. Sau đó ông nghĩ: Tại sao mình ra trận đánh trăm trận trăm thắng mà không hề sợ, nay chiếc ly ngọc suýt bể lại làm mình sợ. Ông nhận ra cái gì mình thích mà bị hư, mất thì mình lo buồn sầu khổ. Cuối cùng ông đập bể luôn chiếc ly.

Nhà Phật nói, trong cái vô thường có cái thường. Nếu như mình cũng vô tình làm bể cái ly mà ngay lúc đó không tiếc nuối, chấp thủ thì sẽ nhận được cái thường tại trong tâm thức của mình.

Phật nói thương là khổ, nhưng trong cuộc sống này, nếu thiếu tình thương thì rất khó sống. Nhưng tình thương trong đạo Phật là tình thương vô ngã, vị tha, thương hết tất cả nhưng không dính mắc tất cả. Bồ Tát vào cuộc đời này, vô tình với tất cả nhưng có tình với tất cả.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng phải thương tất cả mà không đắm nhiễm, tức là từ bi phải có trí tuệ.

ẢO TƯỞNG VỀ HẠNH PHÚC

Trong kinh Tăng Chi bộ, có một vị Tỳ kheo một hôm trời nóng xuống tắm sông. Có một vị tiên nữ thấy bèn hỏi: “Tại sao Ngài lại bỏ đi cái hạnh phúc hiện tại mà đi tìm cái hạnh phúc vị lai xa xôi?”. Vị Tỳ kheo không trả lời mà đưa cô đến Đức Phật.

Đức Phật nói bài kệ:

“Không thấy rõ ái dục

Mới vướng vào ái dục

Ảo tưởng về ái dục

Đưa người về nẻo chết.

Thấy chân tướng ái dục

Tâm ái dục không sanh

Tâm ái dục không sanh

Ai cám dỗ được mình”.

Thấy được chân tướng của ái dục, tự nhiên mình sống tri túc (sống biết đủ). Sống tri túc không có nghĩa là phải sống nghèo, sống khổ mà sống biết đủ với cái mình hiện có, không quá mong cầu thêm nữa.

Hạnh phúc của người tu đó là thấy được thực tướng của các pháp, đó là hạnh phúc chân thật.

Sở dĩ chúng ta đau khổ vì luôn chấp thân ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) này là thật. Năm uẩn này giống như năm dòng sông sanh diệt. Nếu nói ngã là thật thì phải đủ 3 yếu tố: chủ thể, đồng nhất, bất biến. Nhưng cái gì là chủ tể? Ví dụ mình đau bụng mà bảo là nó đừng đau nữa có được không? Rồi trong thân mình có đất, nước, gió, lửa, bốn cái đối nghịch với nhau, không đồng nhất. Bất biến là thường tại, nhưng các tế bào trong mình từng sát na sanh diệt liên tục.

Cho nên quý Phật tử ngày hôm nay tu tập Phật pháp, chúng ta ngồi thiền, niệm Phật là dừng tâm vọng tưởng. Mình ngồi đây nghe pháp mà chú tâm nghe thì tăng trưởng công đức, còn ngồi mà nhớ chuyện năm trên, năm dưới thì có ngồi cũng vô ích. Khổng Tử nói có ba bậc nghe pháp, bậc hạ dùng thân nghe pháp, bậc trung dùng thức nghe pháp, mà bậc thượng thì dùng thần nghe pháp.

Thiền sư Minh Chánh cảm được chỗ này bèn có bài kệ:

“Hay lắm Thuần Đà, hay lắm Thuần Đà

Chẳng nói ngắn, chẳng nói dài

Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai

Tìm hay khéo bị người chê vụng

Bắn sẻ ai dè sói chực ngay

Công danh cái thế màn sương sớm

Phú quý kinh nhân giấc mộng dài

Chẳng biết bản lai vô nhất vật

Công phu luống uổng một đời ai”.

Trong cuộc sống, chúng ta làm ăn tích góp, thậm chí lừa dối người nhưng một khi vô thường đến mất tất cả. Con chó sói tượng trưng cho sự vô thường. Nghe nói về vô thường để cảm nhận được cuộc đời là vô thường, để không chấp thủ, tật đố, ganh ghét mà sắn sàng làm tất cả mọi việc vì lợi ích của mọi người. Biết của cải vô thường, nên thấy ai nghèo khổ mình sẵn sàng giúp đỡ thì nhờ của cải đó mình tăng trưởng được phước đức.

Trong Kinh kể lại, có một vị Tỳ kheo vào rừng, thấy một con quỷ đang đánh một cái thây chết, bèn hỏi tại sao. Con quỷ nói, cũng vì cái xác này mà tôi phải sanh làm ngạ quỷ (vì khi sống do ích kỷ, tham lam, bỏn xẻn). Vị Tỳ kheo đi một lúc nữa thấy một vị Thiên tử đang rải hoa trên một xác chết, bèn hỏi tại sao. Vị Thiên tử nói, nhờ cái xác này mà tôi bố thí, cúng dường, kính tin Tam Bảo nên giờ tôi sanh về cõi trời. Cũng là một con người, nhưng nếu đi chệch hướng thì sanh về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, còn nếu cũng thân ngũ uẩn này mà biết tu tập thì chưa được giải thoát cũng sanh về cõi trời, sau khi xuống cõi đời này cũng biết được Phật pháp để tu tập.

Như vậy, cái gì là hạnh phúc chân thật? Nghe, học hiểu và tu tập theo Phật pháp chính là hạnh phúc chân thật, sống trong cuộc đời này khác hơn ngày xưa, luôn làm lợi ích cho mọi người, là mình đang đi trên con đường của Phật, của Tổ. Mình chưa thành Phật, thành Tổ nhưng mình đang đi trên con đường của các Ngài, con đường này là con đường Từ Bi và Trí Tuệ, thương xót tất cả mọi người. Một người biết được Phật pháp sống rất an ổn và hạnh phúc.

Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy:

“Ai sống một trăm năm

Ác giới, không thiền định

Tốt hơn sống một ngày

Trì giới, tu thiền định”.

“Ai sống một trăm năm

Ác tuệ, không thiền định

Tốt hơn sống một ngày

Có tuệ, tu thiền định”.

Bảo đảm ở đây, ai cũng có trí huệ hết. Nếu không có trí huệ về Thánh pháp trong thời quá khứ thì ngày hôm nay, quý vị không bao giờ đến đây nghe Phật pháp. Mình phải gieo trồng căn lành trong rất nhiều kiếp nên ngày hôm nay mới đến đây, chịu thời tiết nóng nực, ngồi đây nghe Phật pháp.

Khổng Tử nói: “Sáng nghe đạo, chiều chết cũng vui”.

Cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp, cái nào quan trọng? Tích lũy là chứa nhóm.

Chuyện tốt mình làm, khi chết ít khi mình nhớ, toàn nhớ những chuyện đâu đâu nên hay tái sinh vào cảnh giới xấu. Cho nên trong cuộc đời này, nếu lỡ làm điều gì xấu, sám hối xong là buông luôn, đừng nhớ nữa.

Trong Kinh Pháp cú, có một vị giảng sư nói rất hay, nhưng một lần đến Đức Phật, Đức Phật nói đây là ông sư rỗng, có nghĩa là nói được nhưng hành chưa được. Ông buồn bã, một hôm vào rừng nhiếp niệm tu thì có một vị Sa di chỉ bày cho ông nhiếp phục sáu căn. Lúc này, Đức Phật nói bài kệ:

“Tu thiền, trí huệ sanh

Bỏ thiền, trí huệ diệt

Biết con đường hai ngả

Đưa đến hữu, phi hữu

Hãy tự mình nỗ lực

Khiến trí huệ tăng trưởng”.

Trí huệ tăng trưởng, đó là hạnh phúc chân thật, là tài sản quý không ai cướp được của mình.

Nếu quý Phật tử ngồi thiền, chịu khó chánh niệm. Uống ly nước, ăn cơm cũng chánh niệm, tỉnh giác. Mọi hành động đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, động tĩnh đều thúc liễm thân tâm thì lúc ngồi thiền được tịch tĩnh, đó là hạnh phúc chân thật.

Trong cuộc sống, ai muốn có hạnh phúc xuất thế gian?

Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy:

“Nhìn đời như ảo ảnh

Nhìn đời như bọt nước

Ai nhìn đời như thế

Sẽ không bị thần chết”.

Tóm lại, muốn có được hạnh phúc chân thật, chúng ta đừng đắm mê ngũ dục trong cuộc đời này nữa mà phải sống biết đủ. Quyền làm chủ là do quý vị chứ không có vị thần linh nào định đoạt. Muốn hết đau khổ, được hạnh phúc là quyền của quý Phật tử. Đạo Phật trả hết quyền tự do cho mỗi con người chúng ta. Phật chỉ là một bậc Thầy dẫn đường, còn đi hay không là do mình. Lên thiên đường hay xuống địa ngục đều do mình.

Các bài khác...