Câu Chuyện Thiện Xà – Hoằng Pháp Úc Châu 10-2017
Đây là lần thứ ba Thiền sinh Trúc Lâm chúng tôi trở lại đảo Milson. Khó mà có thể tìm được một nơi hoang vắng ,yên bình và thanh tịnh như vậy ngay trong lòng Sydney. Vậy mà nơi đây đã dung nạp chúng tôi ba năm liên tiếp.
Như thường lệ, khi mọi loài vẫn còn say giấc,thiền sinh của bốn liêu lẳng lặng sắp hàng đi lên thiền đường. Khí trời tháng mười vẫn còn hanh hanh lạnh,ánh trăng tròn ngày rằm vằng vặc sáng, soi bước chân của thiền sinh, từng bước đều và nhẹ dẵm trên những chiếc lá vàng khô. Một giờ tọa thiền trôi qua thật nhanh. Hôm nay là ngày cuối cùng của khóa tu.
Sáng đi xuống phòng ăn, ông Craig chỉ cho chúng tôi một chú rắn đang tung tăng uốn lượn trên cành cây, ông nói chú này là rắn kim cương (diamond snake), thấy một số thiền sinh sợ hãi, ông cười và nói rắn trên đảo không có nọc độc, chúng rất hiền . Nhân viên rất quen thuộc với tất cả thú hoang bản địa như: trăn, rắn,gà rừng, vịt trời, chim muông …. trên đảo. Nơi đây người và thú sống chung hòa bình, không ai phiền ai và cũng không đụng chạm gì nhau.
Một số thiền sinh chúng tôi cũng đã quen với khung cảnh này nên không có cảm giác lo sợ khi đi ngang qua “liêu” của mấy chú trăn và rắn này hoặc khi gặp mấy chú trên đường lên thiền đường hay xuống phòng ăn.
Có một chú trăn cứ lẩn quẩn quanh thiền đường, không đến gần quá mà cũng không quá xa để mọi người thấy được sự hiện hữu của mình. Khi thấy nhân viên của đảo chú lảng ra chỗ khác .Chỉ đến gần khi có bóng dáng của Tăng Ni và thiền sinh.
Một buổi sáng chú được quý Thầy quy y và được cho Pháp danh Thiện Xà.
Thật là lạ lùng, chỉ sau ngày được quy y và có Pháp danh, Thiện Xà dường như không còn e dè nữa, chú trở nên dạn dĩ hơn, lân la đến gần cánh cửa đang khép kín của thiền đường, trườn lên khung cửa kính và cố tìm đường để vào b ên trong. Dường như chú đã tìm được một nơi chốn quen thuộc. Một nơi mà không có khoảng cách giữa người và thú vật. Phật pháp thật mầu nhiệm dẫn chúng sanh lại gần với nhau mà không cần ngôn ngữ vì chúng sanh nào cũng có cái BIẾT.
Ngày chúng tôi rời đảo Thiện Xà nằm khoanh tròn trên đường ra bến phà như một lời nhắn nhủ chia tay. Một sự chia tay thật nhẹ nhàng không cần phải nói ra mà giữa người và vật đều cảm nhận.
Biết đâu trong một kiếp nào đó Thiện Xà cũng là một thiền sinh!
Một thiền sinh hoặc trong quá khứ biết mà cố phạm hoặc trong tương lai là một thiền sinh đã trải nghiệm được hai lối sống: bò sát và đi bằng chân , nên sẽ thực chứng được sự cảm thọ một cách chính xác và nhanh chóng.