Tại Sao Phải Thiền Định?
Một số người thắc mắc tại sao chúng tôi lại xem thiền định là quan trọng. Họ xem thiền định như là một thứ đam mê và con là ích kỷ nữa và họ thường hỏi: Nếu bạn chỉ ngồi và tận hưởng sự an lạc trong tâm của bạn thì bạn làm gì được cho xã hội? Làm sao bạn có thể nói là bạn quan tâm đến người khác?
Quả là đáng buồn khi một số người hiểu về thiền như vậy. Nhưng có lẽ chúng ta không nên ngạc nhiên vì không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy những lợi ích của thiền định.
Trên thực tế, bất kỳ điều gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận đều làm phát sinh một dấu ấn tích cực hay tiêu cực tương tứng trong tâm thức. Những tư tưởng vô ngã, an bình và hỷ lạc sẽ sinh ra những hình thái, âm thanh và tình cảm tốt đẹp nhất; những tư tưởng tiệu cực sẽ sinh ra quỷ sứ và những âm thanh khủng khiếp. Nhưng chỉ khi nào chúng ta rời bỏ xác thân thô kệch của chúng ta và đi vào thân trung ấm (theo dân gian thường gọi là “linh hồn”) thì chúng ta mới nhìn thấy, nghe thấy những hình ảnh và âm thanh đó được.
Thiền định là một công cụ rất mạnh mẽ để tạo ra những hình tướng, âm thanh và tình cảm linh diệu có thể giúp chúng ta và vô số những người nào khác sẵn sàng tiếp nhận chúng. Đặc biệt, chúng sinh trong thân trung ấm rất dễ tiếp thu thiền định và những lời cầu nguyện vì họ sống trong thế giới của niệm tưởng. Không có thân xác vật chất để neo buộc họ lại, khi họ nghĩ “New York” thì họ đã có mặt ở New York, nếu ngay sau đó họ nghĩ “London” thì họ có mặt ngay ở London, nghiệp lực cho phép xảy ra như vậy. Bị cuốn đi như thế, họ thường cảm thấy kiệt sức, sợ hãi và cô đơn.
Sự an bình, hỷ lạc và từ bi được chúng ta tạo ra bằng thiền định cung cấp một nơi ẩn náu an toàn và chúng sinh trong thân trung ấm có thể nghỉ ngơi và tìm lại được tin tưởng va an lạc. Thiền định là một phương cách mạnh mẽ để giúp đỡ nhưng chúng sinh này hơn là những ý nghĩa và tình cảm lan man thông thường của chúng ta, vì thiền định đến từ một tầng sâu hơn và an bình hơn trong tâm chúng ta. Giống như một thanh nam châm, tâm vững vàng thì lôi cuốn được những tâm thức trôi nổi và ổn định chúng. Chúng ta thiền định càng lâu thì càng có thể an ủi những chúng sinh lâu hơn và cơ may để cải thiện tương lai của họ cũng lớn hơn.
Thiền định cũng giúp ta đóng góp nhiều cho những người sống nữa. Khi tâm chúng ta chất chứa đầy những cảm xúc tiêu cực, nếu chúng ta muốn giúp đỡ những người khác, cho dù chỉ về mặt vật chất mà thôi thì chúng ta có thể làm cho họ nhiễm những điều xấu của chúng ta.
Thiền định là một phương cách để làm thanh khiết những bất tịnh của chúng ta, tăng cường những phẩm chất thiện lành và đánh thức bản chất thật sự của chúng ta. Thiền có thể là một trải nghiệm của những phẩm chất thiện lành chẳng hạn như sự tận tụy, sự an bình, tình yêu thương, và sức mạnh được tạo ra từ những tư tưởng và tình cảm chân thành. Đây là thiền định dựa trên khái niệm. Hoặc thiền định có thể là một trải nghiệm của tâm thái tỉnh giác. Đó là thiền phi khái niệm. Cả hai đều là một trải nghiệm, một sự chứng đắc giúp thanh tẩy và mang lại cho chúng ta những kho báu bất tận của tình yêu thương, an bình, hỷ lạc và tận tụy; do đó làm đời sống chúng ta tốt đẹp hơn và đồng thời giúp tăng cường khả năng phục vụ tha nhân của chúng ta. Khi tâm chúng ta tràn đầy những phẩm chất này, những ngôn từ và hành động của chúng ta tự nhiên sẽ biểu đạt và phản ánh những phẩm chất đó. Chúng ta trở thành một nguồn yêu thương, an bình và hỷ lạc đối với tất cả những ai gần gũi với chúng ta. Chỉ sự có mặt của chúng ta thôi cũng mang lại sự khuây khỏa cho người khác. Do đó chúng ta không thể thờ ơ với gốc rễ của một cái cây nếu chúng ta muốn thụ hưởng hoa quả của cây đó, vậy thì chúng ta cũng không thể thờ ơ với tâm của chúng ta nếu chúng ta muốn mang lại lợi lạc cho người khác.
Nhiều người trong chúng ta biết sự quan trọng của thiền định ít nhất là về mặt tri thức; nhưng chúng ta trì hoãn việc thực hành thiền định hoặc không thiền định một cách toàn tâm toàn ý. Lý do là thường thường chúng ta không đưa sự hiểu biết tri thức lên tới mức độ tình cảm. Nếu chúng ta gắn tình cảm của chúng ta vào thì không có gì có thể ngăn cản chúng ta thực hành thiền định. Vậy làm sao để chúng ta đến với việc thực hành thiền định.
Thông thường có hai thứ động cơ thúc đẩy ta đến với việc thực hành thiền định: một là ta được một người nào đó truyền cảm hứng cho; hai là khi ta bị một cú “sốc” hay một nỗi sợ hãi. Trong cuộc sống luôn có nhiều động cơ thúc đẩy như vậy. Ví dụ như gặp được một vị thầy mà ta thán phục có thể là một nguồn cảm hứng mang tính quyết định đối với ta. Hoặc đôi khi phải có một biến cố như ta bị bệnh nặng, hay một người thân đột ngột qua đời hay một bi kịch có quy mô rộng lớn như thảm họa sóng thần ở Nam Á, Đông Nam Á, hay bệnh dịch Covid để đánh thức ta ra khỏi những lôi kéo của đời sống hằng ngày.
Trích Chết An Bình Tái Sinh Hỷ Lạc