Thông Báo: Khóa Tu Thiền Tập 3 Ngày tại TVTL Chánh Thiện

KHÓA TU THIỀN TẬP 3 NGÀY ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI TVTL CHÁNH THIỆN

Vào ngày 31/8, 1/9, và 2/9 năm 2018

(Nhằm ngày 21-22-23/7, Mậu Tuất)

I. Giới thiệu phương pháp và nội quy khóa thiền

1. Thiền tông còn gọi là Phật Tâm Tông, là loại thiền chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo điển, thiền này chủ trương chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật cho nên cũng có thể gọi là “kiến tánh thành Phật thiền”.

Quá trình lịch sử phát triển của thiền sơ khởi cũng là y kinh giáo mà tu, đến Ngài Đạt Ma sang Đông Độ mới thành Thiền tông độc lập. Rồi đời sau mới chia ra làm Tông làm Giáo, thành Tông môn của Thiền Đạt Ma.

Thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma này riêng có một hệ thống truyền thừa bắt đầu từ bảy Đức Phật quá khứ, truyền đến Phật Thích Ca Mâu Ni cầm cành hoa sen đưa lên ở hội Linh Sơn. Tôn giả Ca Diếp mỉm cười được Phật truyền tâm ấn làm sơ Tổ. Tôn giả Ca Diếp truyền xuống cho Tôn giả A Nan làm nhị Tổ cho đến tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma làm sơ Tổ Đông Độ, đến Huệ Năng làm lục Tổ.

Phật Phật thầm trao, Tổ Tổ truyền thừa, mỗi vị đều có một bài kệ truyền pháp. Nhơn vì trọng khẩu truyền của Đạt Ma như thế mà chẳng y theo giáo điển cho nên gọi là Đạt Ma Tông Môn Thiền.

2. Thiền Tông không phải là:

a. Nghi lễ nghi thức dựa trên lòng tin mà không có trí tuệ Bát-nhã.

b. Đến với Thiền tông tu học trong 3 ngày không phải để nghỉ mát hay là một dịp để gặp bạn bè tán chuyện.

c. Không phải để trốn tránh sự phiền toái trong cuộc sống gia đình và bạn bè.

d. Chủ đích tu học thiền trong 3 ngày là:

– Để nhận rõ con người thật của mình.

– Để thanh lọc tâm và chuyển hóa tập khí tham ái, sân hận và mê lầm.

Cuối cùng của thiền là hướng đến mục đích duy nhất là kiến tánh thành Phật, vì mục đích tu học trong 3 ngày hay cả đời không phải là để chữa bệnh. Tuy nhiên nhờ thanh lọc thân tâm mà nhiều thứ bệnh cũng được thuyên giảm. Vì thiền loại trừ ba thứ bệnh ham muốn, ghét bỏ và vô minh. Với sự thực tập và sám hối liên tục trong 3 ngày thiền sẽ giải phóng những căng thẳng áp lực trong cuộc sống hằng ngày gây ra.

II. Thiền tập và kỷ luật tự giác ngay nơi chính con người bạn.

Trong tiến trình thanh lọc tâm chắc chắn không bao giờ dễ chịu, tất cả thiền sinh phải tu tập cần mẫn và tinh tấn bằng sự nổ lực của tự thân, thiền sinh sẽ đạt được sự chứng nghiệm của tự thân. Do đó, thiền chỉ thích hợp những người dám buông bỏ và tuân theo nội quy của khóa thiền. Những nội quy này nhằm làm lợi ích của thiền sinh và bảo vệ thiền sinh, là một phần rất quan trọng trong việc hành thiền trong suốt 3 ngày.

Tuy rằng thời gian 3 ngày rất ngắn, song bằng sự nổ lực của bạn, thiền sẽ đem đến cho bạn những hoa trái bất ngờ mà bạn chưa bao giờ nếm đến, khi bạn hành thiền ở nhà hay ở công sở.

III. Nội quy về giới luật trong suốt khóa tu 3 ngày

Nền tảng của sự tu tập căn bản của thiền là giữ giới để tạo được sự định tâm và phát sinh trí tuệ, gọi chung là Giới – Định – Tuệ.

* Giới:

Tất cả mọi thiền sinh tham dự khóa thiền phải luôn tuân thủ 5 giới làm căn bản.

1. Không giết hại sinh vật

2. Không trộm cướp

3. Không quan hệ tình dục

4. Không nói sai sự thật

5. Không dùng chất gây say. Ma túy và chất gây nghiện khác.

* Tuân thủ nguyên tắc vị thầy hướng dẫn khóa tu và phương pháp thực tập thiền theo đường lối chỉ dạy của Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

1. Tuân thủ theo sự hướng dẫn của vị Thầy

Trong thời khóa thiền, thiền sinh phải hứa sẵn sàng tuân theo mọi sự hướng dẫn của vị Thầy phụ trách khóa tu. Đó là: tuân thủ theo đường hướng và sự tu tập theo con đường Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam không thêm cũng không bớt vào điều gì. Sự tuân thủ bằng trí tuệ chứ không phải bằng sự mù quáng. Chỉ với thái độ tuân thủ này thiền sinh mới có thể tu tập chuyên cần. Đặt hết sự tin tưởng vào vị Thầy và phương pháp thực tập thiền là yếu tố quan trọng cho sự thành công của khóa thiền trong 3 ngày.

2. Những phương pháp khác, nghi lễ, và hình thức thờ cúng

Trong khóa tu thiền, điều tối quan trọng là mọi hình thức cúng bái hay các nghi lễ về tôn giáo như: nhịn ăn, lần tràng hạt, hoặc tụng niệm, ca hát, nhảy múa, v.v…phải tạm ngưng, chỉ dồn hết sức lực phản quan lại chính mình là cốt tủy của Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

3. Im lặng của bậc Thánh

Mọi thiền sinh phải im lặng thánh thiện từ lúc bắt đầu khóa thiền cho đến buổi sáng ngày cuối, sự im lặng của các bậc Thánh là sự im lặng của thân – khẩu – ý. Mọi hình thức nói chuyện tạp với bạn đồng tu…đều không được cho phép.

Tuy nhiên, thiền sinh có thể nói chuyện vị Thầy hướng dẫn khóa tu và gặp ban quản lý có những vấn đề như: mùng, mền, gối và những vật dụng khác…Nhưng những điều này giảm bớt nói chuyện chừng nào là tốt chừng đó. Thiền sinh phải tâm niệm là chuyến đi tu tập kỳ này là sự cô liêu tuyệt đối.

“Thầy là đỉnh núi cô liêu ngàn đời tịch mặc

Trò là con sông dài cuồn cuộn chảy về khơi.”

4. Sự cách biệt giữa nam và nữ

Phải duy trì sự cách biệt hoàn toàn giữa nam và nữ, vợ chồng…không được liên lạc với nhau dưới bất cứ hình thức nào trong khóa tu thiền 3 ngày. Điều này cũng áp dụng cho bạn bè và gia đình.

5. Yoga và tập thể dục

Mặc dù phương pháp yoga rất gần gũi với thiền nhưng thiền sinh vào khóa tu phải tạm ngưng vì không có sẵn khu vực và phương tiện tại thiền viện, cũng không được phép chạy bộ. Thiền sinh có thể đi kinh hành trong khu vực dành riêng cho nam hoặc nữ.

6. Dụng cụ tín ngưỡng

Thiền sinh không được mang vào trung tâm thiền bất cứ một vật nào như: Hình tượng tôn giáo khác, dây đeo v.v…Nếu vô tình mang theo cần phải giao cho ban quản lý giữ giùm trong thời gian khóa thiền.

7. Chất gay say và ma túy

Thiền sinh không được mang ma túy, rượu, hoặc chất kích thích vào trường thiền.

Vì sức khỏe cho mình và bạn đồng tu, tất cả thiền sinh hút, nhai, ngửi thuốc lá đều bị cấm tuyệt đối trong khóa thiền.

8. Quần áo

Quần áo nên giản dị, lịch sự hoặc áo lam. Không nên mặc quần áo chật bó. Không được phép phơi nắng hoặc để thân thể không kín đáo, điều này rất quan trọng trong khóa thiền.

9. Tắm giặt

Vì không có máy giặt tập thể nên thiền sinh phải mang theo đầy đủ áo quần, chỉ có thể tắm giặt trong giờ nghỉ, không tắm giặt trong giờ thiền, thính pháp và sám hối.

10. Liên lạc bên ngoài

Thiền sinh phải ở trong phạm vi trường thiền trong suốt khóa tu ngắn hạn 3 ngày. Thiền sinh chỉ rời khỏi trường thiền với sự chấp thuận của vị Thầy hướng dẫn trong khóa tu. Thiền sinh hạn chế tối đa liên lạc bên ngoài khi khóa thiền chưa viên mãn. Sự liên lạc bên ngoài bao gồm: thư từ, điện thoại, khách khứa. Điện thoại di động, máy nhắn tin, và mọi thiết bị điện tử khác (máy nghe nhìn, máy ghi âm, chụp ảnh…) phải được giao cho ban quản lý giữ cho tới khi khóa thiền chấm dứt. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn hoặc người thân của thiền sinh có thể liên lạc với ban quản lý khóa tu, hoặc nhắn người nhà gọi vào số điện thoại […].

11. Đọc và viết

Không được mang theo sách báo, giấy bút vào khóa thiền, chỉ nghe pháp và ghi nhận, dồn hết năng lực vào con đường phản tỉnh lại chính mình. Hạn chế việc đọc và viết là để nhấn mạnh tính thực tiễn vào đời sống như thật của chính bạn. Đây là trực chỉ hay “Kiến tánh thành Phật”.

IV. THỜI KHÓA BIỂU

THỜI GIAN CÔNG TÁC HIỆU LỆNH
03 giờ 00 Thức dậy buổi sáng 3 hồi chuông – 3 tiếng
03 giờ 15 Ngồi thiền 3 tiếng chuông
05 giờ 15 Xả thiền 1 hồi chuông
06 giờ 15 Tiểu thực (Ăn sáng) 3 tiếng chuông
07 giờ 45 Tụng sám hối 3 tiếng chuông
09 giờ 15 Ngồi thiền 3 tiếng chuông
10 giờ 00 Thính pháp 3 tiếng chuông
11 giờ 30 Thọ trai (Ăn trưa) 3 tiếng bảng
12 giờ 15 Nghỉ trưa 3 tiếng chuông
13 giờ 15 Thức dậy buổi trưa 1 hồi chuông – 3 tiếng
13 giờ 30 Thính pháp 3 tiếng chuông
16 giờ 30 Ăn chiều (Ăn nhẹ) 1 hồi chuông
18 giờ 05 Tụng sám hối 3 tiếng chuông
19 giờ 30 Ngồi thiền 3 tiếng chuông
21 giờ 00 Xả thiền 1 hồi chuông
21 giờ 30 Nghỉ tối 3 tiếng chuông

 

 

Các bài khác...